Tiền bội chi được dùng vào việc gì?

28/05/2009 00:04 GMT+7

* 25 triệu USD không đủ giải quyết vấn đề môi trường cho dự án khai thác bauxite Tân Rai Chính phủ đề nghị Quốc hội (QH) thông qua mức bội chi ngân sách năm 2009 lên tối đa là 8%. Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH thì đề nghị chỉ nên ở mức tối đa 7%. Nhiều đại biểu QH cho rằng con số 7 hay 8% không quan trọng, mà quan trọng là cần làm rõ tiền bội chi được dùng vào việc gì để tránh việc sử dụng nguồn lực không hiệu quả.

"Trì phát" có thể xuất hiện

Trong phiên thảo luận hôm qua 27.5, Phó trưởng đoàn đại biểu QH TP.HCM Trần Du Lịch khiến các đại biểu ngạc nhiên khi đưa ra một cảnh báo hoàn toàn mới, đó là hiện tượng “trì phát”.

Tái cấu trúc nền kinh tế là vấn đề Chính phủ phải nghĩ, sẽ không phải vài giải pháp cụ thể mà cần cả đề án. Bộ KH-ĐT đang được giao nhiệm vụ xây dựng, sẽ trình Chính phủ thông qua vào cuối năm 2009. Hiện nay các hướng chính vẫn đang thảo luận - Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc

Dưới góc độ của một chuyên gia kinh tế, ông Trần Du Lịch nói: “Mặc dù quý I/2009 chúng ta nằm trong số ít các quốc gia có mức tăng trưởng dương nhưng vẫn ở mức dưới tiềm năng”. Đại biểu Lịch cảnh báo nếu tiếp tục duy trì mức tăng trưởng thấp và không kiềm chế lạm phát được ở mức dưới 10%, sẽ phát sinh nhiều vấn đề nguy hiểm, và “mức độ nguy hiểm này còn hơn cả lạm phát quay trở lại, đó là hiện tượng trì phát (vừa trì trệ, vừa lạm phát). Nó vô hiệu hóa các chính sách tài chính, tiền tệ”.

Ngăn chặn các nguy cơ có thể xảy ra trong thời gian tới, ông Trần Du Lịch đưa ra 4 kiến nghị đối với Chính phủ: “Cần sớm minh bạch các gói kích cầu; đẩy mạnh đào tạo nghề; nhanh chóng tháo được các nút thắt trong đầu tư xây dựng cơ bản; tận dụng cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế”.

Đại biểu Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) quyết tâm: "Để chữa được bệnh cho nền kinh tế của chúng ta hiện nay, tôi đồng tình với nhiều đại biểu là phải nhân cơ hội này tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, đón đầu và hiệu quả". Ông Ba cho rằng cần phải chọn những xí nghiệp, công ty có khả năng phát triển, có đủ nguồn lực tiếp cận được với công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất để hỗ trợ, giúp họ trang bị lại thiết bị, cải tiến công nghệ nhằm bắt kịp với nền sản xuất của thế giới. Đồng thời chấp nhận để một số công ty, xí nghiệp lạc hậu, quản lý kém, năng lực quá yếu loại khỏi cuộc chơi. "Muốn vậy, Chính phủ phải đặt ra những tiêu chí cụ thể để chọn được đúng các đối tượng ưu đãi, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn kích cầu cho họ cũng như hiệu quả trước mắt và lâu dài", đại biểu Ba nói.

Nếu bội chi ngân sách đạt 8% GDP thì dư nợ của Chính phủ sẽ ở mức khoảng 40% GDP. Tuy mức dư nợ Chính phủ vẫn nằm trong giới hạn an toàn (dưới 50%), bảo đảm cân đối vĩ mô, nhưng đây là mức thâm hụt rất cao và những năm tiếp theo nếu không giảm được bội chi sẽ ảnh hưởng không tốt đến an ninh tài chính quốc gia. (Trích báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH)

Nhiều đại biểu QH đề nghị Chính phủ phải ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vốn đang là khâu yếu nhất.

Bội chi vào đâu?

Đại biểu Trần Du Lịch thẳng thắn: "Quan điểm của tôi không phải là bội chi 7%, 8% hay 6% GDP, vấn đề quan trọng nhất hiện nay tình trạng thiểu phát cho phép chúng ta dùng công cụ tài khóa mở rộng để tăng đầu tư, để giải quyết bài toán tăng đầu tư vào các cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Do đó tôi cho rằng vấn đề lớn nhất, tăng bội chi là phải sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, bảo đảm rằng như mục tiêu Chính phủ là vào hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vào nông thôn và đặc biệt kiểm soát chặt chẽ dòng vốn này đúng mục đích, đúng hiệu quả". Ông Lịch ủng hộ việc QH thông qua điều chỉnh tăng bội chi nhưng "kèm điều kiện".

Đại biểu Trịnh Thị Nga (Phú Yên) cũng băn khoăn: "QH cân nhắc xem xét và Chính phủ cũng phải rà soát đánh giá trong việc điều hành của mình về các nguồn thu cũng như việc bố trí các khoản chi như thế nào, tiết kiệm chi như thế nào để giảm mức bội chi nếu chúng ta nâng mức lên 8%". Theo bà Nga, nâng lên thì cần thiết trong tình hình hiện nay nhưng tỷ lệ 8% sẽ làm tăng khối lượng tiền trong lưu thông rất lớn, vấn đề tái lạm phát có thể xảy ra. "Lúc đó, những giải pháp gì để tiếp tục ngăn chặn, cần phải hình dung rất rõ", bà Nga nói.

Đồng quan điểm này, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) nói: "Theo tôi cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc rà soát và dừng đầu tư các dự án kém hiệu quả, dành vốn đầu tư cho các dự án quan trọng, cấp bách, giải ngân nhanh, sớm mang lại hiệu quả kinh tế". Bà Nga đề nghị Chính phủ phải thực hiện quyết liệt các biện pháp tiết kiệm chi tiêu ngân sách, kiểm soát thu và tận thu ngân sách cho Nhà nước.

Bày tỏ thái độ về tăng bội chi ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, ông Hà Văn Hiền đồng ý đề xuất của Chính phủ nhưng cũng cảnh báo rằng: "Còn một số khoản chi chưa được tính vào cân đối, ví dụ nguồn vốn phát hành trái phiếu, nguồn tạm ứng ngân sách... Do vậy, trên thực tế nếu tính hết các khoản chi thì bội chi ngân sách còn lớn hơn nhiều".

Khai thác bauxite ở Tân Rai:
25 triệu USD không đủ giải quyết vấn đề môi trường

Thừa nhận vấn đề môi trường là hết sức “phức tạp và nhạy cảm” trong việc khai thác bauxite ở vùng cao nguyên, báo cáo trước QH hôm qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên nói rằng, để đáp ứng yêu cầu rất “ngặt nghèo và khắt khe”, chủ đầu tư (Tập đoàn than - khoáng sản Việt Nam - TKV) sẽ phải bổ sung kinh phí khi triển khai các dự án khai thác bauxite.

Các yêu cầu ngặt nghèo và khắt khe Bộ trưởng Nguyên muốn nhắc tới là về vấn đề hoàn thổ và xử lý bùn đỏ. “Xung quanh vấn đề về hoàn thổ chúng tôi đã đề nghị chia ra khai thác với 3 quy mô 7 ha, 10 ha, 20 ha và sau mỗi một quy mô thì hoàn thổ ngay. Sau mỗi khi hoàn thổ xong thì mới khai thác tiếp”, ông Nguyên nói. Và dẫn giải tiếp: “Chúng tôi cũng đang chia ra các lô để làm sao lô có ít cây hoặc những cây không mọc được thì sẽ khai thác trước và sẽ tập trung vào để hoàn thổ. Tập đoàn TKV đã thành lập một công ty lâm sinh và đã cùng với UBND tỉnh Lâm Đồng lấy đất, chuẩn bị làm thí điểm”.

“Không để tình trạng nước đỏ (nước thải trong quá trình tuyển quặng – PV) chảy xuống vùng dưới như nhiều đại biểu QH lo lắng. Nước đỏ đạt tiêu chuẩn  B”, ông Nguyên cam kết.

Đối với vùng bùn đỏ, ông Nguyên nói mặc dù công ty tư vấn của Pháp khảo sát và cho rằng toàn bộ thung lũng cạnh khu Tân Rai hoàn toàn có thể là nơi chứa bùn đỏ nhưng sau khi kiểm tra, đánh giá lại, Bộ Tài nguyên - Môi trường thấy rằng kiến nghị của công ty tư vấn chưa đảm bảo an toàn và đã yêu cầu TKV bổ sung phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối.

“Phải bổ sung một lớp rải ở dưới đáy và bên bờ để tuyệt đối không cho nước thẩm thấu ảnh hưởng đến nước ngầm. Độ thẩm thấu đạt mũ - 12, tức là nâng 3 cấp so với thiết kế ban đầu”, ông Nguyên nói. Ngoài ra bãi chứa này cũng phải thay đổi thiết kế chịu động đất cấp 7 thay vì cấp 5 như đề xuất ban đầu. “Chúng tôi phải đảm bảo vấn đề bùn đỏ chắc chắn được giải quyết”, Bộ trưởng Nguyên quả quyết.

Như vậy, Bộ trưởng Nguyên cho rằng các vấn đề về hoàn thổ, về bùn đỏ đã được tính rất kỹ trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên để thực thi ở hiện trường vẫn còn nhiều việc phải làm. “Với tính toán trước đây, TKV tính đầu tư cho Tân Rai 25 triệu USD để giải quyết toàn bộ vấn đề môi trường. Nhưng với những yêu cầu bổ sung và với những yêu cầu rất ngặt nghèo, khắt khe như thế này thì TKV chắc chắn phải tính toán lại các công nghệ của mình và sẽ phải bổ sung kinh phí”, Bộ trưởng Nguyên cho biết.

Thay vì chỉ kiểm tra môi trường sau khi đã khởi công vận hành nhà máy như các dự án khác, ông Nguyên cho biết một tổ chuyên giám sát tất cả các hạng mục của dự án khai thác bauxite sẽ được thành lập ngay từ đầu và giám sát từ khâu thiết kế, thi công đến hoàn công”. Ví dụ nếu như khai thác 10 ha mà không hoàn thổ thì dứt khoát tổ giám sát này sẽ không cho mở mỏ để khai thác tiếp”, Bộ trường Nguyên cam kết.

An Nguyên

Xuân Toàn - An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.