Suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ

24/06/2009 10:19 GMT+7

(TNTT>) Nhiều thống kê cho thấy một phần ba số trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, đặc biệt tại các vùng nông thôn hay vùng xa thành phố.

Hậu quả của suy dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng khiến cơ thể trẻ phát triển kém hơn cả về thể chất và trí tuệ. Trẻ suy dinh dưỡng có nguy cơ cao mắc các bệnh như tiêu chảy, nhiễm trùng, một số bệnh đường hô hấp… do khả năng đề kháng yếu hơn những trẻ có cơ thể phát triển bình thường. Bên cạnh đó, trẻ em suy dinh dưỡng thường có chiều cao thấp hơn tiềm năng tăng trưởng thực tế, thể lực kém, và thậm chí cả trí thông minh cũng kém hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy người suy dinh dưỡng có năng suất lao động thấp hơn bình thường. 1% tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi sẽ gây thiệt hại 20 triệu USD mỗi năm (theo đánh giá của chương trình phòng chống suy dinh dưỡng quốc gia).

Cách nhận biết trẻ bị suy dinh dưỡng

+ Bé chậm tăng cân, đứng cân hoặc sụt cân. Bên cạnh đó trẻ suy dinh dưỡng thường biếng ăn, ăn ít, môi xanh, niêm mạc mắt nhợt nhạt.

+ Trẻ hay buồn bực, hay quấy khóc, ít vui chơi, kém linh hoạt. Các bắp thịt tay chân mềm nhão, bụng to dần.

+ Trẻ chậm phát triển vận động: chậm biết lẫy, ngồi, bò, đi, đứng.

Tình hình trẻ suy dinh dưỡng ở nước ta

Ngoài các nguyên nhân sinh học và lâm sàng, đứng trên quan điểm của y tế cộng đồng, nguyên nhân chính của suy dinh dưỡng do chế độ ăn uống thiếu hợp lý. Theo báo cáo của Cục bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam, tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng về cân nặng là 25,2%, về chiều cao là 29,6%,  tương ứng với khoảng 2,6 triệu trẻ em ở trong tình trạng thấp còi. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao nhất vào thời điểm 6 - 12 tháng tuổi và 6 - 11 tuổi.

Thực tế, WHO từng khuyến cáo Việt Nam vẫn nằm trong số 20 nước có tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ lệ thấp còi cao. Số trẻ em bị suy dinh dưỡng ở nước ta là 2,6 triệu (số liệu của Viện Dinh dưỡng quốc gia - 2007) có nghĩa là cứ 3 trẻ thì có 1 trẻ bị thấp còi. Cụ thể: Suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ dưới 5 tuổi năm 2007 là 33,9%, tỷ lệ này đặc biệt cao ở những vùng nghèo (41%).

Theo một số liệu của ngành dinh dưỡng, năm 2007, chiều cao trung bình của trẻ em dưới 2 tuổi ở ta hơn 5 cm so với 22 năm trước, nhưng vẫn thấp hơn 5 cm so với chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Bên cạnh đó, lứa tuổi càng lớn thì khoảng cách trung bình của trẻ em so với chuẩn càng xa. 

Để cải thiện vóc dáng 

Sức khỏe và sự phát triển vóc dáng của con người phụ thuộc vào 2 yếu tố: chế độ dinh dưỡng và chế độ vận động. Vì thế, cần tạo ra những sân chơi phù hợp để bé hoạt động vui chơi thoải mái giúp phát triển cả thể chất và trí tuệ. Riêng đối với chế độ dinh dưỡng,  cần có đủ các nhóm chất cần thiết trong bữa ăn hàng ngày, đó là tinh bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất... 

Nguyễn Lý

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.