Nga, Ukraine 'giậm chân tại chỗ' từ đầu năm đến nay?

Khánh Như
Khánh Như
29/09/2023 16:20 GMT+7

Mặc dù cả Ukraine và Nga đều tung ra những cuộc tấn công đầy tham vọng, các chiến tuyến hầu như không thay đổi kể từ đầu năm đến nay.

Kể từ đầu năm nay, cả Nga và Ukraine đều đặt những mục tiêu lớn về lãnh thổ để đạt được nhiều lợi thế trong xung đột. Trong khi Moscow muốn giành khu vực phía đông Donbass, Kyiv quyết tâm chia cắt lực lượng Nga bằng một cuộc tấn công vào phía nam.

Tuy nhiên, các cuộc tấn công đều không đi theo kế hoạch. Bất chấp 9 tháng giao tranh đẫm máu trong năm nay, cả 2 nước hầu như không đạt được nhiều bước tiến lớn. Trong khi sự trì hoãn có thể khiến Moscow tiêu hao lực lượng, nó cũng có thể làm suy yếu sự ủng hộ của phương Tây dành cho Kyiv.

Nga, Ukraine ‘giậm chân tại chỗ’ từ đầu năm đến nay?

Chiến trường thay đổi ra sao?

Theo phân tích của tờ The New York Times dựa trên dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh (Mỹ), số diện tích lãnh thổ được đổi chủ trong tháng 8 ít hơn tất cả tháng còn lại của cuộc xung đột. Trong khi Ukraine đạt được những bước tiến nhỏ ở phía nam thì Nga lại kiểm soát nhiều phần đất hơn một chút, chủ yếu ở phía đông bắc.

Giờ đây, Nga và Ukraine đều phải đối mặt với hàng loạt thách thức, trong đó bao gồm tổn thất về nhân lực, nhất là những chỉ huy dày dặn kinh nghiệm. Hầu hết những binh sĩ được huấn luyện tốt nhất đã không còn, và được thay bằng những tân binh chưa qua đào tạo đầy đủ.

Nga, Ukraine 'công cốc' từ đầu năm đến nay? - Ảnh 1.

Lực lượng Ukraine tiến về tỉnh Donetsk ở miền đông

REUTERS

Tuy nhiên, Kyiv đang gặp nhiều bất lợi hơn khi các điều kiện chiến đấu hiện tại đều cản trở Ukraine tái lập thành tích mà nước này làm được vào tháng 9.2022. Khi đó, các lực lượng của Kyiv đã tấn công bất ngờ và làm suy yếu hệ thống phòng thủ của Nga ở tỉnh Kharkiv.

Ngoài ra, các lực lượng của Kyiv vẫn chưa thể giành được bất kỳ đột phá nào ở chiến trường miền nam, mục tiêu chính của cuộc phản công. Trước đó, Nga đã xây dựng những bãi mìn rộng lớn và hàng trăm km công sự, chiến hào, mương chống tăng và chướng ngại vật để cản bước quân Ukraine.

Mỹ học hỏi từ cuộc đấu "mèo đuổi chuột" tác chiến điện tử trong xung đột Ukraine

Dự đoán chiến lược của Nga đến lúc này

Nga kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ Ukraine - một vùng đất rộng hơn Thụy Sĩ. Theo bà Marina Miron, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại Đại học King's College London (Anh), thay vì tập trung những lợi ích nhanh chóng, quân đội Nga dường như đang thong thả kiểm soát các lãnh thổ mà họ đã giành được. "[Nga] không mất gì cả khi không tiến về phía trước", bà nói.

Chuyên gia này cũng nhận định chiến lược hiện tại của Nga ở Ukraine là để các lực lượng của Kyiv đối mặt với các tuyến phòng thủ và bãi mìn dày đặc, nhằm tiêu diệt và phá hủy càng nhiều khí tài quân sự phương Tây càng tốt.

Nga, Ukraine 'công cốc' từ đầu năm đến nay? - Ảnh 2.

Binh sĩ Ukraine kiểm tra vũ khí

REUTERS

Việc không thể tiến lên sẽ kéo theo những rủi ro lớn đối với Ukraine. Nếu Kyiv không thể chứng minh rằng lực lượng của chính họ có thể giành lại nhiều lãnh thổ từ Nga, sự hỗ trợ của phương Tây cho cuộc phản công của Ukraine có thể suy yếu. "Nga đang cố gắng chờ đợi cho đến khi phương Tây quay lưng [với Ukraine]", theo bà Miron.

Theo The New York Times, thời gian tới Ukraine sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn. Dự kiến trong tháng tới sẽ có mưa lớn và địa hình lầy lội có thể cản trở việc sử dụng các phương tiện hạng nặng, như xe tăng Abrams mới của Mỹ và xe tăng Challenger do Anh cung cấp. Thời tiết xấu có thể khiến một chiếc Challenger nặng 75 tấn mắc kẹt và không thể thoát khỏi các vũng lầy.

Có vũ khí gì trong gói viện trợ quân sự mới nhất của Mỹ cho Ukraine?

Nước láng giềng khôi phục kho vũ khí

Trong khi đó, tờ Business Insider đưa tin, việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine đã làm đảo lộn an ninh châu Âu, khiến các nước ở đó một lần nữa phải lên kế hoạch cho khả năng xảy ra một cuộc chiến trên diện rộng.

Ba Lan và Romania đều giáp Ukraine và bị ảnh hưởng bởi xung đột. Ngoài việc đón nhận làn sóng người Ukraine chạy trốn khỏi cuộc giao tranh, cả 2 nước còn chứng kiến các tên lửa và máy bay không người lái lạc hướng hạ cánh xuống lãnh thổ, làm gia tăng căng thẳng và lo ngại về nguy cơ xung đột lan rộng.

Các quốc gia châu Âu này đã chuyển giao khí tài quân sự trị giá hàng tỉ USD cho Ukraine và đang tìm cách xây dựng lại kho dự trữ của mình.

Vào tháng 9, Warsaw công bố mua 486 bệ phóng hệ thống pháo binh cơ động cao HIMARS cùng với 45 hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân ATACMS, cùng các tên lửa và đầu đạn khác với giá 10 tỉ USD. 

Cũng trong tháng 9, Ba Lan cũng công bố mua hàng trăm tên lửa tấn công hải quân (NSM) từ Na Uy trị giá 2 tỉ USD. NSM có tầm bắn khoảng 185 km và được thiết kế chủ yếu để nhắm mục tiêu vào tàu hải quân, song cũng có thể được sử dụng để phá hủy các mục tiêu trên bộ. 

Giáo hoàng Francis nói một số nước "làm trò" với Ukraine

Ngoài việc đặt hàng nhiều máy bay chiến đấu và một lượng lớn khí tài quân sự từ Mỹ và các đồng minh khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Ba Lan cũng tìm tới Hàn Quốc để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và rút ngắn thời gian giao hàng trong trường hợp xảy ra xung đột.

Romania cũng có động thái tương tự, nước này đang mua một số lượng lớn vũ khí để hiện đại hóa và cải thiện lực lượng lục quân và không quân. Chính phủ Romania cũng coi Hàn Quốc là nhà cung cấp tiềm năng. Theo truyền thông địa phương, Bucharest muốn mua thêm 300 xe tăng chiến đấu chủ lực cùng một số pháo từ Hàn Quốc, và đang cân nhắc xe tăng K2 Black Panther và pháo K-9 là những lựa chọn chính.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.