Ngành máy tính và CNTT có tỷ lệ trúng tuyển cao, vì sao?

19/03/2024 14:25 GMT+7

Máy tính và công nghệ thông tin xếp thứ 2 trong danh sách các ngành có tỷ lệ trúng tuyển cao nhất năm 2023, với hơn 11%.

Vào 14 giờ 30 ngày 19.3, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Chọn ngành học cho tương lai: Cơ hội phát triển với nhóm ngành công nghệ". Chương trình được phát trực tuyến trên các nền tảng thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, kênh YouTube của Báo Thanh Niên.

https://www.youtube.com/watch?v=7qGq6vLeW7g

Ngành máy tính và CNTT có tỷ lệ trúng tuyển cao, vì sao?- Ảnh 1.

Thống kê tỷ lệ thí sinh trúng tuyển theo các lĩnh vực đào tạo năm 2022, 2023

NGUỒN BỘ GD-ĐT

Bộ GD-ĐT hôm 15.3 tổ chức hội nghị công tác tuyển sinh ĐH và CĐ ngành giáo dục mầm non năm 2024. Một số liệu quan trọng được chia sẻ trong hội nghị là tỷ lệ thí sinh trúng tuyển theo các lĩnh vực đào tạo trong năm 2 năm gần nhất. Trong năm 2023, máy tính và công nghệ thông tin xếp thứ 2 trong danh sách các ngành có tỷ lệ trúng tuyển cao nhất với hơn 11%. Tiếp đó, lĩnh vực công nghệ kỹ thuật đứng ở vị trí thứ 3, chiếm hơn 10% tổng số thí sinh trúng tuyển các ngành nghề. Số liệu này cho thấy khối ngành liên quan đến công nghệ thông tin và các ngành công nghệ đang có sức hút rất mạnh với người học.

Như vậy, cơ hội khi theo học các ngành này, mức độ cạnh tranh trong xét tuyển đầu vào và cả trong thị trường lao động sau khi tốt nghiệp ra sao? Các nội dung này sẽ được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề: "Chọn ngành học cho tương lai: Cơ hội phát triển với nhóm ngành công nghệ".

Ngành máy tính và CNTT có tỷ lệ trúng tuyển cao, vì sao?- Ảnh 2.

Các khách mời tham gia đợt 1 của chương trình

LÊ THANH HẢI

Chương trình bao gồm 2 đợt tư vấn: 

Đợt 1 của chương trình diễn ra từ 14 giờ 30-15 giờ 30 gồm các chuyên gia:

  • Tiến sĩ Nguyễn Đức Mận, Phó hiệu trưởng Trường Đào tạo Quốc tế thuộc Trường ĐH Duy Tân
Ngành máy tính và CNTT có tỷ lệ trúng tuyển cao, vì sao?- Ảnh 3.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Mận đánh giá khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo là ngành công nghệ hot, bên cạnh đó là vi mạch bán dẫn, lập trình web và app (ứng dụng). Nhìn chung, CNTT là nền tảng phục vụ các doanh nghiệp chuyển đổi số, tạo lợi thế cạnh tranh.

Bạn đọc đặt câu hỏi: "Gần đây nhiều trường mở ngành trí tuệ nhân tạo, vậy chương trình học của các trường có khác nhau hay không? Nếu đang là ngành hot và nhiều người học quá thì đến một lúc nào đó có bị bão hòa hay không và lúc đó làm thế nào để không bị đào thải?". Tiến sĩ Nguyễn Đức Mận giải đáp: “Từ năm 2022-2023, ngành trí tuệ nhân tạo bắt đầu được mở ra tại nhiều trường. Sinh viên sẽ được đào tạo về toán cao cấp, giải tích, thống kê, lập trình, học máy, khoa học dữ liệu… Mỗi trường có hướng đào tạo chuyên ngành khách nhau. Một số trường đào tạo theo hướng nghiên cứu, số khác theo hướng ứng dụng. Nhu cầu nhân lực lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đang rất lớn. Các bạn cần luôn cập nhật, đổi mới, sáng tạo, đầu tư cho kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng thì sẽ không bao giờ bị thay thế và luôn tạo được lợi thế cạnh tranh”.

  • Tiến sĩ Trương Thành Công, Trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Tài chính-Marketing
Ngành máy tính và CNTT có tỷ lệ trúng tuyển cao, vì sao?- Ảnh 4.

Tiến sĩ Trương Thành Công dự báo những ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo phát triển rất mạnh trong thời gian tới. CNTT đồng hành cùng rất nhiều ngành nghề khác. Mọi ngành nghề đều phải có sự hỗ trợ của CNTT. Bên cạnh đó là an ninh mạng và an toàn thông tin do xung quanh chúng ta luôn tồn tại những nguy cơ tiềm ẩn trên không gian mạng.

Tiến sĩ Trương Thành Công thông tin, nhà trường có ngành hệ thống thông tin quản lý, với tỷ lệ chọi khoảng 1/5 - tức 1.000 hồ sơ nộp vào thì lấy khoảng 200. Từ năm 3, sinh viên ngành này đi thực tập, nhiều bạn dù chưa tốt nghiệp đã được doanh nghiệp giữ lại làm việc và có lương.

Một bạn đọc đặt câu hỏi: “Ngành hệ thống thông tin quản lý của Trường ĐH Tài chính - Marketing có những chuyên ngành gì? Em học tốt khối D, trường có xét ngành này khối D hay không và điểm chuẩn ở mức bao nhiêu?". Tiến sĩ Trương Thành Công cho hay trường có ngành hệ thống thông tin quản lý, với 2 chuyên ngành tin học quản lý và hệ thống thông tin kế toán, đã đào tạo được 20 năm. Phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT lấy khoảng trên 24,5 điểm; kết quả kỳ thi đánh giá năng lực từ 780 trở lên; và học bạ từ 26 điểm. Nhà trường đang xét tuyển ngành này ở 2 tổ hợp D01 và D96. Nếu bạn học tốt khối D thì hoàn toàn có thể đăng ký xét tuyển. Các bạn có thể đăng ký nhiều phương thức để tăng cơ hội trúng tuyển.

  • Tiến sĩ Phan Trần Minh Khuê, Trưởng bộ môn Khoa học dữ liệu, khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Mở TP.HCM
Ngành máy tính và CNTT có tỷ lệ trúng tuyển cao, vì sao?- Ảnh 5.

Theo tiến sĩ Phan Trần Minh Khuê cho hay: “Hiện nay các công ty công nghệ sa thải hàng loạt nhân viên, tình trạng này khiến nhiều sinh viên lo ngại. Tuy nhiên trái ngược lại điều này, các báo cáo, dự đoán xu hướng việc làm lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) trong tương lai lại rất thiếu hụt. Vì sao lại có 2 luông thông tin này? Là do cung và cầu chưa gặp nhau. Nhà tuyển dụng đang cần nhân lực trí tuệ nhân tạo, thì thị trường chỉ có lao động ở các ngành công nghệ phổ thông, nên chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp”.

Cũng theo tiến sĩ Phan Trần Minh Khuê, trong 3 năm trở lại đây, số lượng thí sinh đăng ký vào khoa CNTT của trường luôn vượt chỉ tiêu dù điểm chuẩn đầu vào không thấp - 23,5 điểm. Nhà trường đào tạo theo hướng ứng dụng và tỷ lệ có việc làm của các ngành trong khoa CNTT năm 2023 là từ 86-91%.

Mối liên hệ giữa công nghệ sinh học và CNTT rất chặt chẽ. Trường ĐH Mở TP.HCM có phòng thí nghiệm, trong đó sinh viên có thể sử dụng các phần mềm hiện đại để học tập và nghiên cứu khoa học. Hiện có nhiều cơ hội việc làm cho ngành công nghệ sinh học như: làm việc tại những nhà máy sản xuất chế biến thực phẩm, làm kiểm nghiệm viên trong bệnh viện, làm kỹ thuật viên, nghiên cứu viên tại các cơ quan quản lý nhà nước hoặc trở thành giảng viên ĐH.

  • Tiến sĩ Trần Hồng Ngọc, điều phối viên ngành Khoa học máy tính Trường ĐH Việt Đức
Ngành máy tính và CNTT có tỷ lệ trúng tuyển cao, vì sao?- Ảnh 6.

Tiến sĩ Trần Hồng Ngọc dự báo đến năm 2025, cả nước cần 700.000 nhân lực, nhưng hiện chỉ có 530.000. Như vậy, chúng ta chỉ còn 1 năm nữa thì không thể đáp ứng kịp nhu cầu thị trường lao động vì các trường trên cả nước chỉ đào tạo 57.000 nhân lực/năm. Trong đó chỉ 70% là có chất lượng và theo sát công việc. Vì vậy, sinh viên nên có thêm kinh nghiệm thực tế. CNTT đi sâu vào đời sống, ứng dụng trong mọi lĩnh vực. Nhu cầu nhân lực luôn cao, vấn đề ở đây là sinh viên có đủ năng lực, đáp ứng được của doanh nghiệp hay không.

Tiến sĩ Trần Hồng Ngọc cho hay, số lượng thí sinh nộp đơn xét tuyển vào ngành khoa học máy tính ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2023 chỉ tiêu tuyển sinh ngành này của Trường ĐH Việt Đức là 220, nhưng có hơn 1.000 thí sinh đăng ký và gần 200 thí sinh trúng tuyển. Năm 2024, trường tuyển 250 chỉ tiêu cho ngành khoa học máy tính.

Một học sinh thắc mắc: “Ngành khoa học máy tính khác với CNTT như thế nào? Có phải một ngành về phần cứng, một ngành về phần mềm hay không? Em đăng ký vào Trường Việt Đức thì nên thi kỳ thi riêng hay dùng điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ có nhiều cơ hội hơn?". Tiến sĩ Trần Hồng Ngọc giải đáp, ngành khoa học máy tính khác với CNTT. Sinh viên ngành khoa học máy tính học nhiều hơn về toán, cơ sở lý thuyết, lập trình, tạo thuật toán và tối ưu thuật toán, còn CNTT là tạo ra và sử dụng các phần mềm. Tuy nhiên, hai ngành này có sự tương tác với nhau. Sinh viên học ngành khoa học máy tính tại Trường ĐH Việt Đức có thể trở thành kỹ sư khoa học máy tính hoặc chuyên viên CNTT. Thí sinh có thể chọn một trong các phương thức tuyển sinh: điểm thi TestAS, điểm học bạ THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT...

Bạn đọc quan tâm đến thông tin tuyển sinh các trường ĐH và khối ngành công nghệ thông tin, những ngành công nghệ, có thể đặt câu hỏi trong phần bình luận chương trình.

Ngành máy tính và CNTT có tỷ lệ trúng tuyển cao, vì sao?- Ảnh 7.

Máy tính và công nghệ thông tin xếp thứ 2 trong danh sách các ngành có tỷ lệ trúng tuyển cao nhất năm 2023, với hơn 11%

GIA KHIÊM

Tố chất học ngành công nghệ 

Tiến sĩ Phan Trần Minh Khuê khuyên: “Muốn học tốt ngành công nghệ thông tin hay các ngành công nghệ, sinh viên cần có tính chăm chỉ và kiên nhẫn do công nghệ thay đổi rất nhanh. Các bạn phải luôn tự học hỏi, cập nhật kiến thức mới để không bị tụt hậu. Sinh viên cũng cần có tính tò mò, tìm tòi, ưa khám phá. Một yếu tố nữa là sinh viên cần học tốt ngoại ngữ nếu muốn tiếp cận công nghệ mới vì kiến thức, tài liệu, sách báo đều bằng tiếng Anh. Cuối cùng các bạn phải có kỹ năng làm việc nhóm”.

Tiến sĩ Trần Hồng Ngọc chia sẻ, ngành khoa học máy tính hay CNTT không phân biết nam nữ, các bạn chỉ cần đam mê, sáng tạo, siêng năng và chịu khó. Các bạn nữ hoàn toàn có thể học và làm việc trong khối ngành này. Nhiều chương trình ủng hộ nữ học CNTT.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Mận cho hay: "Một khi thí sinh nữ đã đam mê và chọn CNTT thì các bạn đều học rất tốt. Ngành này hay bất cứ ngành nào, ai giỏi là có cơ hội việc làm tốt. Tại nhiều doanh nghiệp, số lượng nữ làm kỹ thuật công nghệ chiếm 30-40%. Nhiều bạn trở thành trưởng nhóm, trưởng phòng nên các bạn nữ sinh nếu đam mê thì cứ mạnh dạn trải nghiệm đam mê.

Sau đó, đợt 2 sẽ diễn ra từ 15 giờ 45-16 giờ 45 gồm các chuyên gia:

  • Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM
  • Tiến sĩ Trương Hải Bằng, khoa Kỹ thuật và Khoa học máy tính Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn
  • Thạc sĩ Dương Thành Phết, Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Công nghệ TP.HCM
  • Tiến sĩ Nguyễn Kim Quốc, Trưởng khoa Công nghệ thông tin  Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.