Nghịch cảnh cho ở nhờ mất luôn nhà: Vì sao tạm đình chỉ thi hành án?

Bắc Bình
Bắc Bình
25/07/2023 15:19 GMT+7

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bến Tre mặc dù ghi nhận cụ Tứ hoàn thành tất cả nghĩa vụ theo bản án phúc thẩm nhưng đã quyết định tạm đình chỉ thi hành án vì những lý do bất ngờ.

Mất đất, mất nhà còn phải mang nợ

Khi TAND cấp cao tại TP.HCM tuyên y án sơ thẩm (lần 2) với các nội dung mà TAND tỉnh Bến Tre đã tuyên xử liên quan đến vụ án "cho ở nhờ mất luôn nhà", cụ Lê Thị Tứ (70 tuổi, ngụ Bến Tre) tin rằng bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật sẽ giúp cuộc sống của cụ có được những năm tháng thoải mái. Tuy nhiên, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Bến Tre mặc dù ghi nhận cụ Tứ hoàn thành tất cả nghĩa vụ nhưng vẫn quyết định tạm đình chỉ thi hành án.

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, hiện nay, cụ Tứ vẫn phải tiếp tục cuộc sống "ăn nhờ ở đậu" và mòn mỏi mong chờ công lý được thực thi. Đặc biệt, cụ phải gánh thêm khoản nợ hơn 3 tỉ đồng.

Cho ở nhờ, mất luôn nhà: Bao giờ thi hành án phúc thẩm? - Ảnh 1.

Cụ Lê Thị Tứ khốn khổ trong cảnh “ăn nhờ ở đậu” mấy năm nay để chờ thi hành án

BẮC BÌNH

"Kéo dài cuộc sống như thế này thì chắc tôi chịu đựng cũng không còn bao lâu nữa...", cụ Tứ nghẹn lời, nước mắt tuôn dài...

Bà Lâm Thị Kim Hoàng (48 tuổi, gọi cụ Tứ bằng dì chồng và là chị dâu của Nguyễn Anh Trung), cho biết để giúp cụ Tứ có đủ tiền hoàn thành các nghĩa vụ thi hành án, gia đình bà phải vận động bằng tất cả khả năng và cầm cố luôn giấy tờ ngôi nhà đang ở tại tỉnh Đồng Nai. "Vợ, chồng tôi thấy bất bình, không thể chấp nhận cảnh dì Tứ bị như vậy được. Cũng vì chuyện này mà gia đình tôi lâm cảnh thiếu trước hụt sau trong việc chi tiêu gia đình, lo cho các con cái ăn học luôn. Không những gia đình tôi mà hiện dì Tứ còn nợ nhiều người khác nữa", bà Hoàng nói.

Cho ở nhờ, mất luôn nhà: Bao giờ thi hành án phúc thẩm? - Ảnh 2.

Vợ chồng ông Nguyễn Anh Trung vẫn buôn bán tạp hóa trên phần đất của cụ Lê Thị Tứ

BẮC BÌNH

Tuy nhiên, gần 1,5 năm bản án có hiệu lực pháp luật, vợ chồng Trung - Diễm vẫn không chấp nhận thi hành án, trong khi Cục THADS tỉnh Bến Tre đang chờ nội dung "giải thích bản án" từ TAND cấp cao tại TP.HCM.

Vì sao Cục THADS tỉnh Bến Tre tạm đình chỉ thi hành án?

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Văn Liêm, Phó cục trưởng Cục THADS tỉnh Bến Tre, xác nhận cụ Lê Thị Tứ đã hoàn thành tất cả các nghĩa vụ về án phí và với chị Trần Thị Tường Vi. Chị Tường Vi đã có đơn yêu cầu và Cục THADS tỉnh Bến Tre đã ra quyết định đình chỉ việc thi hành án đối với quyền lợi của chị Tường Vi. Cụ Tứ cũng đã nộp đủ số tiền hơn 372 triệu đồng là giá trị nhà của vợ, chồng Trung - Diễm xây trên đất cụ Tứ. Cụ Tứ đã hoàn thành các nghĩa vụ trong bản án hồi tháng 10.2022.

Vẫn theo ông Liêm, số tiền 372 triệu đồng hiện được Cục THDS tỉnh Bến Tre gửi tiết kiệm trong ngân hàng. Lãi suất sau khi thi hành án sẽ giao cho cụ Tứ hưởng, bởi trong thời hạn 6 tháng lưu cư mà vợ, chồng Trung - Diễm không nhận để chủ động thi hành án.

Cho ở nhờ, mất luôn nhà: Bao giờ thi hành án phúc thẩm? - Ảnh 3.

Bà Lâm Thị Kim Hoàng (phải) cho biết cụ Tứ đang mắc nợ nhiều người

BẮC BÌNH

"Qua tiếp xúc, chúng tôi biết được rằng đời sống cụ Tứ trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn. Ngay từ đầu, chúng tôi xác định phải quyết tâm thi hành bản án có hiệu lực pháp luật này càng sớm càng tốt. Nhưng chúng tôi phải tạm đình chỉ thi hành án vì bản án tuyên chưa rõ ràng về tài sản trên đất", ông Liêm cho hay.

Cụ thể, theo đại diện Cục THADS tỉnh Bến Tre, 2 vấn đề mà Cục THADS tỉnh Bến Tre băn khoăn, đó là sau khi buộc vợ, chồng Trung - Diễm rời khỏi thì căn nhà đó phải giao cho ai. 

"Bản án có nói bà Tứ phải trả giá trị căn nhà đó cho vợ, chồng Trung - Diễm, vợ chồng Trung - Diễm phải trả toàn thửa đất lại cho bà Tứ. Nhưng ngôi nhà Trung - Diễm để lại giao cho ai thì bản án không nói. Chúng tôi đọc vào bản án cũng hiểu là nhà đó giao lại cho cụ Tứ, nhưng chúng tôi vẫn không dám suy luận về chữ nghĩa trong bản án", ông Liêm nói.

Ngoài ra, vẫn theo ông Trần Văn Liêm, trong quá trình thi hành án, chấp hành viên Lê Thị Ngọc Hiền còn kiểm kê trên thửa đất của cụ Tứ có 4 cây dừa, 1 cây nhãn, 1 cây xoài, 1 cây khế. Nhưng số tài sản trên đất này không nêu trong bản án nên không thể tiếp tục thi hành án.

"Xác minh thì các cây dừa đều đã hơn 10 năm tuổi (tức cây dừa có trước thời điểm vợ chồng Trung - Diễm được cấp quyền sử dụng đất - PV). Số cây này, phía cụ Tứ cũng không tranh chấp mà có đề nghị bồi thường cho Trung - Diễm bằng tiền là 7,9 triệu đồng. Mặc dù vậy, nhưng do bản án không ghi số cây trồng này phải giao cho ai nên chúng tôi cũng không thể suy luận mà thi hành án được", ông Liêm nói.

Theo Phó cục trưởng Cục THADS tỉnh Bến Tre, cơ quan này đã gửi các công văn yêu cầu TAND cấp cao tại TP.HCM giải thích các vấn đề nêu trên, đang chờ phúc đáp. 

Ngày 26.6 vừa qua, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Bến Tre đã có văn bản kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm 2 nội dung chưa rõ trên gửi TAND tối cao. "Nếu có kết quả kháng nghị giám đốc thẩm hoặc công văn phúc đáp của TAND cấp cao tại TP.HCM giải thích rõ về 2 vấn đề trên thì chúng tôi sẽ tiếp tục thi hành án", ông Liêm cho biết thêm.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 25.7

Trao đổi với PV Thanh Niên về vụ án, một thẩm phán đang công tác tại tỉnh Bến Tre nhận xét "bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên rõ về quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan". Vị thẩm phán lưu ý do tòa phúc thẩm đã tuyên y án bản án sơ thẩm (lần 2) nên phần "giải thích nội dung bản án" có thể do tòa sơ thẩm thực hiện. 



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.