Nguyên giám đốc CDC Thừa Thiên - Huế đang bị khởi tố vẫn được quay lại làm việc, có đúng luật?

Ngân Nga
Ngân Nga
13/08/2023 04:20 GMT+7

Theo chuyên gia luật, nguyên Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thừa Thiên - Huế (CDC Thừa Thiên - Huế) đang bị khởi tố tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" được quay trở lại làm việc, là không sai luật.

Ngày 10.8, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, ông Hoàng Văn Đức (nguyên Giám đốc CDC Thừa Thiên - Huế) và cấp dưới là ông Hà Thúc Nhật (nguyên Kế toán trưởng, kiêm Trưởng phòng Tài chính - kế toán) được quay trở lại cơ quan để làm việc. Hiện CDC Thừa Thiên - Huế vẫn đang rà soát văn bản, quy trình chuyên môn để triển khai, vẫn chưa bố trí công việc cụ thể nào cho 2 cán bộ này.

Trước đó, ông Đức và ông Nhật bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ra quyết định tạm đình chỉ điều tra

Nguyên nhân, là do hết thời hạn điều tra và Cơ quan CSĐT đang chờ kết quả trả lời của Hội đồng định giá tài sản về định giá các mặt hàng trong các gói thầu sai phạm. Khi có kết quả định giá, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục khôi phục vụ án để điều tra theo quy định.

Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế cũng đã chỉ đạo Đảng ủy khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh thực hiện các thủ tục tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng, tạm đình chỉ chức vụ đối 2 cán bộ này.

Nguyên giám đốc CDC đang bị khởi tố vẫn được quay lại làm việc, có đúng luật? - Ảnh 1.

CDC Thừa Thiên - Huế

LÊ HOÀI NHÂN

Vậy pháp luật quy định sao về trường hợp của ông Hoàng Văn Đức (nguyên Giám đốc CDC Thừa Thiên - Huế) và ông Hà Thúc Nhật (nguyên Kế toán trưởng, kiêm Trưởng phòng Tài chính - kế toán của CDC Thừa Thiên - Huế)?

Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) chia sẻ, theo điều 81 luật Cán bộ, công chức, thì "Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, công chức có thể ra quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, nếu để cán bộ, công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý. Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 15 ngày".

Ngoài ra, nếu cán bộ, công chức bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thì thời gian tạm giữ, tạm giam được tính là thời gian nghỉ việc có lý do. Hết thời hạn tạm đình chỉ công tác nếu cán bộ, công chức không bị xử lý kỷ luật thì được tiếp tục bố trí làm việc ở vị trí cũ.

Cũng theo luật sư Lê Văn Hoan, theo khoản 3 điều 82 luật Cán bộ, công chức, thì cán bộ, công chức đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thôi việc.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) bổ sung, theo Nghị định 112 năm 2020 của Chính phủ, khi nào cán bộ, công chức, viên chức bị phạt tù thì mới bị ra quyết định buộc thôi việc. Còn trường hợp đang trong giai đoạn bị khởi tố thì chưa bị buộc thôi việc. Do đó, việc 2 cán bộ đang bị khởi tố, vẫn được quay trở lại làm việc là đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, cơ quan cảnh sát điều tra vụ án đã lưu ý với đơn vị quản lý là Sở Y tế Thừa Thiên - Huế nên xem xét sắp xếp cho 2 cán bộ CDC Thừa Thiên - Huế tránh những việc liên quan đến "ký tá", tiếp xúc hồ sơ, bởi vụ án vẫn chỉ đang trong giai đoạn tạm đình chỉ điều tra.

"Hiện ông Đức và ông Nhật đang được tại ngoại nên 2 cán bộ này của CDC Thừa Thiên - Huế hoàn toàn có thể đi làm. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền cần cân nhắc bố trí công việc cho phù hợp với thực tế", luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.