Nhà siêu mỏng vẫn 'mọc' ngay mặt tiền đường mới mở bất chấp các 'tối hậu thư'

08/04/2023 10:23 GMT+7

Dù Hà Nội đã đặt ra nhiều hành lang pháp lý nhưng nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn không được xử lý triệt để, thậm chí tiếp tục xuất hiện trên những tuyến đường vừa được đầu tư, mở rộng.

Nhà siêu mỏng, siêu méo đu bám mọi nẻo đường

Tại các quận nội đô Hà Nội, tình trạng đường mở đến đâu, nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện đến đó tiếp tục diễn ra. Những căn nhà có hình thù kỳ dị án ngữ ở mặt tiền các tuyến đường lớn khiến "bộ mặt" đô thị trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan.

Vì sao với nhà siêu mỏng, siêu méo ở Hà Nội tiếp tục xuất hiện? - Ảnh 1.

Sau khi được mở rộng, trên đường Vũ Trọng Phụng (Q.Thanh Xuân) cũng xuất hiện nhiều ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo

NGUYỄN TRƯỜNG

Đi dọc các tuyến đường đã được mở rộng như: Phạm Văn Đồng (đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt đến công viên Hòa Bình, thuộc Q.Bắc Từ Liêm); Trường Chinh - Minh Khai (thuộc 2 quận Thanh Xuân, Hai Bà Trưng); Vũ Trọng Phụng (Q.Thanh Xuân)… không khó để bắt gặp những ngôi nhà có hình thù kỳ dị, siêu mỏng, đang tồn tại như một lời "thách thức" với chính quyền thành phố.

Trong khi nhiều ngôi nhà mỏng, nhà méo chưa được xử lý dứt điểm thì trên các tuyến đường mới lại tiếp tục xuất hiện thêm những ngôi nhà, công trình có hình thù kỳ dị.

Trải nghiệm lách qua con đường hẹp nhất Hà Nội, chỉ vừa 1 làn xe máy

Ghi nhận thực tế, tại đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (Q.Đống Đa), sau khi đất được thu hồi để phục vụ dự án thì xuất hiện một công trình siêu mỏng được quây tôn lụp xụp. Mới đây, nhiều ngôi nhà có hình thù méo mó cũng xuất hiện tại đường nối từ khu đô thị Đồng Tàu đến đường Tam Trinh (Q.Hoàng Mai).

Vì sao với nhà siêu mỏng, siêu méo ở Hà Nội tiếp tục xuất hiện? - Ảnh 2.

Một ngôi nhà 3 tầng, 1 tum có hình thù "nhức mắt" trên đường Trường Chinh (Q.Thanh Xuân)

NGUYỄN TRƯỜNG

Đáng nói, thực trạng này xuất hiện trong bối cảnh UBND TP.Hà Nội đã nhiều lần "tuyên chiến" với nhà siêu mỏng, siêu méo, ra các "tối hậu thư" về việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo, nhất là không để phát sinh thêm những căn nhà như thế này; ban hành nhiều văn bản pháp lý hướng dẫn, thậm chí giao trách nhiệm cho người đứng đầu đối với UBND cấp quận, huyện.

Trong đó, năm 2016, Hà Nội ban hành Chỉ thị 20/CT-UBND, trong đó nêu chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND thành phố về tình trạng tồn tại hoặc phát sinh thêm các trường hợp siêu mỏng, siêu méo trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý.

Mới đây, năm 2022, UBND TP.Hà Nội tiếp tục ban hành Kế hoạch 218/KH-UBND, trong đó yêu cầu UBND các quận, huyện… kiên quyết không để phát sinh nhà, đất thuộc diện siêu mỏng, siêu méo ở hai bên đường, nhất là đối với tuyến phố mới, các dự án mở đường.

Vì sao với nhà siêu mỏng, siêu méo ở Hà Nội tiếp tục xuất hiện? - Ảnh 3.

Ngôi nhà hình tam giác trên đường nối từ khu đô thị Đồng Tàu đến đường Tam Trinh (Q.Hoàng Mai)

ĐÌNH HUY

Xem nhanh 20h ngày 8.4: Cập nhật phương án vé vào phố cổ | Thấp thỏm trong chung cư chờ sập

Theo TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội, việc nhà siêu mỏng, siêu méo nằm án ngữ trên các tuyến đường mới mở gây ra nhiều hệ lụy.

Cụ thể, chất lượng cuộc sống của người dân không được đảm bảo. Tiếp đó, những công trình kỳ dị này tác động lớn đến diện mạo đô thị. "Thực trạng này khiến nhiều đường giao thông dù được đầu tư mới nhưng thành phố vẫn không có diện mạo đô thị hiện đại, văn minh. Cuối cùng, thành phố không phát huy được năng lực, hiệu quả của tài nguyên đất đai, được coi là tài nguyên đặc biệt", ông Nghiêm bày tỏ.

Cần đổi mới tư duy quản lý?

Nhìn nhận nhà siêu mỏng, siêu méo là hiện tượng tất yếu đối với đô thị lịch sử như Hà Nội, ông Nghiêm cho hay, việc mở đường dựa trên cơ sở nền của các thửa đất được công nhận từ hàng chục năm về trước.

Khi phát hiện vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo, Hà Nội đã thể chế hóa việc giải quyết cơ chế đặc thù trong Luật thủ đô 2013; theo đó quy định khi cải tạo hoặc mở rộng các tuyến đường thì được phép tính toán rộng ra 2 bên. Rộng đến đâu là do HĐND thành phố xem xét, quyết định.

"Có thể nói, khung pháp lý giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo đã có. Hà Nội đã từng có giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà siêu mỏng, siêu méo bằng cách phân cấp cho các chính quyền quận, huyện và cơ quan quản lý nhưng vẫn không thể thực hiện được triệt để", ông Nghiêm phân tích.

Vì sao với nhà siêu mỏng, siêu méo ở Hà Nội tiếp tục xuất hiện? - Ảnh 4.

Một công trình siêu mỏng có 2 cửa ra, vào trên đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài

NGUYỄN TRƯỜNG

Theo Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, có rất nhiều nguyên nhân tổng hòa khiến nhà siêu mỏng, siêu méo tiếp tục xuất hiện ở Hà Nội. Trong đó, nguyên nhân đền bù, giải phóng mặt bằng là mấu chốt, vì nếu thu hồi đất để sử dụng vào mục đích công cộng thì phải thỏa thuận với từng hộ dân để đền bù theo giá thị trường.

"Giá thị trường như thế nào là bài toán khó. Tiếp đó là ngân sách nhà nước để thu hồi có không? Và đặc biệt, sau khi thu hồi nhà siêu mỏng, siêu méo thì sử dụng vào mục đích công cộng gì? Đã có nơi đặt ra vấn đề trồng cây xanh, đặt biển quảng cáo nhưng đều không hiệu quả. Trong khi đó, việc vận động nhân dân tự thỏa thuận để dồn ghép thửa đất cũng rất khó khăn, chưa kể ý thức người dân trong việc dồn thửa hầu như không có", ông Nghiêm chia sẻ thêm.

Vì sao với nhà siêu mỏng, siêu méo ở Hà Nội tiếp tục xuất hiện? - Ảnh 5.

Trên đường Minh Khai (Q.Hai Bà Trưng) vẫn tồn tại nhiều ngôi nhà siêu méo án ngữ ở mặt đường

NGUYỄN TRƯỜNG

Một nguyên nhân khác khiến nhà siêu mỏng tiếp tục xuất hiện là do hiện nay, cơ quan chức năng tách dự án mở đường với dự án thiết kế đô thị. Rất nhiều tuyến đường có dự án phê duyệt mở đường nhưng không phê duyệt thiết kế đô thị kèm theo nên sau đó không biết định hướng "thu hồi đất để làm gì".

Để giải quyết thực trạng nhà siêu mỏng, siêu méo đu bám những con đường mới mở, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, cơ quan chức năng cần hoàn thiện cơ chế pháp lý, chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng kết hợp với tuyên truyền, vận động nhân dân chấp thuận chủ trương, chính sách của Nhà nước.

"Đặc biệt, cần đổi mới tư duy quản lý. Theo đó, khi mở đường, đặc biệt là tuyến đường khu vực, tuyến đường cấp thành phố thì kèm dự án mở đường, cơ quan chức năng cần phê duyệt luôn thiết kế đô thị", ông Nghiêm nêu quan điểm.

Theo thống kê của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến tháng 8.2018, toàn thành phố còn 120 nhà siêu mỏng, siêu méo, tập trung nhiều ở các quận: Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân... Tuy nhiên, sau 1 năm (tính đến tháng 8.2019), trên địa bàn thành phố lại có đến 168 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo. Nguyên nhân do có 42 trường hợp phát sinh giai đoạn 2005 - 2017 và nhiều trường hợp phát sinh sau khi mở đường mới vào năm 2018.

Để có thêm thông tin về số lượng nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn thành phố ở thời điểm hiện tại, phóng viên Thanh Niên đã liên hệ với ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, qua điện thoại nhưng ông Tuấn không bắt máy; nhắn tin cũng không nhận được phản hồi.

Quyết định 39/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thi hành điều 121 luật Xây dựng 2003 nêu, diện tích đất còn lại nhỏ hơn 15 m2 có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu so với chỉ giới xây dựng nhỏ hơn 3 m thì không được phép xây dựng.

Nếu phần diện tích đất còn lại từ 15 m2 đến nhỏ hơn 40 m2 có chiều rộng mặt tiền từ 3 m trở lên và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3 m trở lên thì được phép xây dựng không quá 2 tầng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.