Nhạc kịch 'Dế Mèn phiêu lưu ký': Đánh thức ký ức và cả phần tâm hồn trong sáng

11/09/2023 10:33 GMT+7

Tác phẩm của nhà văn Tô Hoài đã trở nên sống động hơn bao giờ hết khi được chuyển thể thành nhạc kịch với phần âm nhạc, vũ đạo, phục trang, công nghệ sân khấu... lộng lẫy.

Nhạc kịch Dế Mèn phiêu lưu ký vừa công diễn bản sân khấu hoàn chỉnh tại Nhà hát TP.HCM (tối 10.9) sau 2 lần diễn phiên bản hòa nhạc (2018, 2019).  Buổi diễn nằm trong chuỗi chương trình kỷ niệm 30 năm thành lập Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TP.HCM (HBSO). Vở dự kiến sẽ tái diễn vào tháng 11 tới.

Nhạc kịch 'Dế Mèn phiêu lưu ký': Đánh thức ký ức và cả phần tâm hồn trong sáng
 - Ảnh 1.

Nhạc kịch gồm 2 chương, 10 cảnh, với thời lượng 90 phút

HBSO

Nhạc kịch Dế Mèn phiêu lưu ký được nhạc sĩ Vũ Việt Anh và nhạc trưởng Trần Nhật Minh ấp ủ thực hiện nhiều năm qua. Được lấy cảm hứng từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Tô Hoài, một câu chuyện sống động gắn liền với thời niên thiếu của bao thế hệ người Việt, nhạc kịch Dế Mèn, như nhạc sĩ Việt Anh từng chia sẻ, tiếp tục truyền đi những thông điệp mà nhà văn đưa ra trong tác phẩm bởi đó cũng là những vấn đề của hôm nay: về chủ nghĩa "xê dịch" của các bạn trẻ, những giằng xé nội tâm, những mâu thuẫn trong xã hội, lời cảnh báo của thiên nhiên...

Và với phiên bản sân khấu hoàn chỉnh, Dế Mèn một lần nữa mang đến cho người xem của "hôm qua", cho khán giả hôm nay một không gian rực rỡ sắc màu đúng nghĩa, cả về âm nhạc và dàn dựng, múa… Tất cả tạo thành một chuyến phiêu lưu của không chỉ của Dế Mèn, mà khán giả cũng như được đồng hành cùng hành trình đi tìm tình yêu, tình bạn, tìm hạnh phúc riêng mình... đầy thú vị của các nhân vật không-phải-con người-ấy. 

Dế Mèn "hồi sinh" trong nhạc kịch được thiết kế nhiều dòng chảy tư duy đồng hiện mà ở mỗi dòng đều lấp lánh những câu chuyện của ngày hôm qua và cả hôm nay

HBSO

Tổng đạo diễn - biên đạo Tuyết Minh là nghệ sĩ gắn với văn hóa dân tộc, chính sự thông hiểu về sân khấu truyền thống và các loại hình nghệ thuật dân gian, làn điệu dân ca, dân gian của các vùng miền, các dân tộc đã làm nên đặc trưng trong cách thể hiện các tác phẩm của cô -  kết hợp giữa văn hóa dân tộc với các loại hình nghệ thuật và công nghệ hiện đại. Xem Dế Mèn, sẽ thấy vở diễn có sự kết hợp nhuần nhuyễn của nghệ thuật Đông Tây kim cổ, giữa âm nhạc giao hưởng Tây phương với những nhạc cụ thuần Việt như sáo trúc, đàn đáy, hát ả đào và nhạc pop, opera, rock 'n roll… cũng như kết hợp giữa ba-lê, múa đương đại với múa rối truyền thống Việt… Sân khấu cũng được dàn dựng thấm đẫm chiều sâu văn hóa Việt Nam với những khung cảnh vừa giản dị vừa mang tính trừu tượng, thỏa sức để mỗi người tự mở ra trí tưởng tượng phong phú của mình khi đắm chìm vào vở diễn. 

Đêm diễn, có lẽ vì lần đầu ra mắt phiên bản sân khấu hoàn chỉnh, đã có chút chệch choạc ở phần mở màn: phối hợp được nhuần nhuyễn, âm thanh cũng trục trặc. Sau đó, tất cả đã được khắc phục, mượt mà hơn. Một số phân cảnh, bài hát khá ấn tượng như màn luyện thanh theo giai điệu aria Nữ hoàng bóng tối (opera Cây sáo thần) của Dế Mèn, khúc ca tình bạn rất đáng yêu của Dế Mèn – Dế Trũi hay aria duy nhất được Việt Anh viết riêng cho Chị Cốc – Khánh Ngọc…

Thoát khỏi vở diễn, ta cảm nhận rõ hơn rằng ký ức chưa bao giờ rời đi, cũng không dễ nhạt phai...

HBSC

Tuy Dế Mèn (vốn) đã có câu chuyện, nhưng nhạc kịch lại chưa thể hiện được sự liên kết giữa các màn. Phần biên đạo múa nhiều màu sắc đã dụng công, giúp kết nối vở, tuy nhiên vở ít thoại tương tác giữa các nhân vật, các ca khúc tuy hay, phong phú nhưng dường như chưa thật sự đủ để giải thích về nguồn gốc, sự xuất hiện hay mâu thuẫn, hành động của các nhân vật trong các lớp lang. Với những ai đã đọc qua truyện và còn nhớ hệ thống nhân vật từ trước, vở nhạc kịch sẽ dễ hiểu hơn là những người chưa biết hoặc đã không còn nhớ cốt truyện của nhà văn Tô Hoài. 

Dù vậy, Dế Mèn phiêu lưu ký đã có một đêm mở màn với nhiều cảm xúc, và được ghi nhận bằng những tràng pháo tay trong suốt buổi diễn, hay những lúc khán phòng như nín lặng để dõi theo từng chuyển động trên sân khấu của các nghệ sĩ. Có nhiều khán giả là những em thiếu nhi được bố mẹ dắt theo xem chương trình, và nếu ai để ý, sẽ thấy các bé chăm chú theo dõi với sự hứng thú không ít. Bé Mây (8 tuổi, học lớp 3 trường tiểu học Tre Xanh, Q.2, TP.Thủ Đức, TP.HCM, đi xem cùng mẹ và em trai) chia sẻ: "Đây là lần đầu con được đi xem nhạc kịch. Con rất thích chương trình. Không chỉ Dế Mèn và Dế Trũi, nhân vật nào con cũng thích. Trang phục của các diễn viên cũng rất đẹp!". Điều đó cho thấy, nhạc kịch, nếu được dàn dựng chỉn chu, đúng cách, không hề xa lạ hay khó xem/nghe với người Việt Nam. 

Nhạc kịch 'Dế Mèn phiêu lưu ký': Đánh thức ký ức và cả phần tâm hồn trong sáng
 - Ảnh 4.

Dế Mèn thu hút sự dõi theo của các khán giả nhí

HBSO

Nói như tâm huyết của tổng đạo diễn - biên đạo Tuyết Minh: "... Vượt qua sự hối hả giữa bộn bề của nhịp sống đương đại, tôi muốn đưa khán giả trở về với những giấc mơ đã chìm sâu trong thế giới nội tâm, thong thả buông lơi trên dòng sông, bờ đê, thư thái, để được đánh thức ký ức của mình và cả phần tâm hồn trong sáng... Tôi muốn gợi lại những cảm thức nếp xưa, qua những thủ pháp nghệ thuật được đẩy vào lúc đậm lúc nhạt qua thanh âm, ca từ, đối thoại, qua hình ảnh trực quan bằng ngôn ngữ múa, có thể chỉ đơn giản như những chiếc lá tre đang bay, cái rét tê tái của mùa đông, cầu treo lắt lẻo, sông nước mênh mang, đôi khi chỉ đơn giản là đưa khán giả cảm giác đang được hít thở trong không gian thanh mát".

Biên đạo Tuyết MInh cho rằng, ở thời đại nào, trong xã hội nào cũng có những con người thùng rỗng kêu to, ỷ mạnh hiếp yếu những kẻ ăn chơi, gian ác, kiểu người mánh khóe, cậy quyền thế ức hiếp người khác. Đâu đó trong những khúc quanh của cuộc sống, mỗi người đều có sự lựa chọn giữa mất phương hướng, chán chường, tuyệt vọng, buông thả bản thân, hay sống có bản lĩnh lạc quan, biết cảm thông, chia sẻ, thương yêu, bao dung, nhìn nhận sự việc ở nhiều chiều hướng khác nhau và tin yêu vào cuộc sống. "Tôi tin rằng mỗi khán giả có thể sống đủ kinh nghiệm để khi cùng trải nghiệm với Dế Mèn, sẽ có một cảm giác muốn níu lại chút gì đó, chí ít là những sợi tơ với quá khứ, khi bước ra khỏi không gian của ánh đèn, vở diễn và nhà hát", nghệ sĩ Tuyết Minh nói.                                                                                  

Nhạc kịch Dế mèn phiêu lưu ký do nghệ sĩ Tuyết Minh viết kịch bản và làm tổng đạo diễn, âm nhạc của nhạc sĩ Việt Anh, chỉ đạo nghệ thuật: Lê Ha My, chỉ huy: Trần Nhật Minh, biên đạo múa: Tuyết Minh, Phúc Hùng, Trần Hoàng Yến… Các nghệ sĩ tham gia trình diễn gồm: ca sĩ Đào Mác (vai Dế Mèn), Trung Kiệt (Dế Trũi), Phạm Khánh Ngọc (chị Cốc)… cùng tập thể Đoàn Nhạc kịch, Đoàn Vũ kịch, Dàn nhạc giao hưởng HBSO, đội Sơn Ca nhà thiếu nhi Q.3…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.