Nhàn đàm: Ngày mưa ngồi nhớ củ mì

05/11/2023 08:30 GMT+7

Lớp người 50 - 60 tuổi hiện sống tại các thành phố, dễ có đến 90% trong số họ được sinh ra và lớn lên ở nông thôn. Mà đã từng lớn lên tại một vùng quê nào đó ở miền Trung, trong những ngày mưa gió thế này, không ai mà không nhớ đến mùi củ mì vừa luộc chín còn nghi ngút hơi, được mẹ ta lấy ra từ chiếc nồi ám khói, đặt vào đĩa hoặc một chiếc rổ tre nho nhỏ ngày xưa.

Có hai loại củ mì phổ biến thời ấy, là mì nếp và mì gòn. Mì nếp, thân cây và lá của nó có màu vàng - trắng, vỏ củ cũng trắng. Mùi của loại củ này thơm như mùi cơm nếp nhưng dẻo chứ không bở. Còn mì gòn thì thân cây và cuống lá cũng như vỏ củ có màu đỏ tím. Tuy không có mùi thơm như mì nếp nhưng củ rất bở, tinh bột nhiều nên đa số các gia đình ở nông thôn đều chọn loại mì này để ăn vào những ngày mưa lụt. Có khi ăn củ mì như một bữa ăn phụ, ăn thêm "cho vui miệng", nhưng cũng có không ít gia đình khó khăn, nhất là những người không có ruộng trồng lúa mà chỉ có đất gò đồi thì củ mì như một thứ lương thực chính. "Nuốt củ mì trầy o mà nói chuyện thế giới!". Các bác nông dân hay trêu nhau câu ấy mỗi khi nghe ai đó bàn tán về những chuyện xa vời.

Đất gò đồi là nơi được người nông dân chọn trồng mì vì không ngập nước nên có thể để củ mì qua đến mùa nắng rồi đào lên xắt lát phơi khô mà không sợ hư hỏng. Tuy nhiên, số để qua mùa khô xắt lát đa phần là mì nếp, còn mì gòn thì thường ăn tươi.

Lấy được củ mì mà cây mì vẫn còn sống là một "nghệ thuật" của người đi lấy củ. Kỹ năng đoán biết bên dưới lớp đất - nơi gốc mì sẽ có bao nhiêu củ và củ nào lớn nhất để có thể "moi" rồi cắt mang về là tiêu chí hàng đầu dành cho người đi lấy củ. Phải dùng từ "moi" chứ không phải "nhổ" là bởi, mỗi bụi mì thường có đến 3 - 5 củ nhưng lớn không đều. Người đi lấy củ chỉ được phép "moi", tức nhìn vào gốc mì, đoán biết củ phát triển hướng nào và lớn cỡ nào để moi lớp đất lên, cắt củ mang về, xong lấp đất lại để những củ nhỏ khác lớn lên chứ không phải nhổ cả cụm.

Bóc lớp vỏ ra, cắt thành từng đoạn chừng 5 cm rồi bỏ vào nồi luộc chín, kèm theo một ít muối cùng dăm chiếc lá dứa để củ được mặn mòi và có mùi thơm. Khác với mì nếp, củ mì gòn chín rất nhanh, chừng 15 - 20 phút là đã có nồi củ mì nghi ngút khói hơi. Vây quanh nồi củ ấy là cả một không khí gia đình ấm áp.

"Củ mì ngon nghẹn", câu này vừa nói cái cụ thể là củ mì gòn nhiều tinh bột, ăn vô dễ nghẹn ngang ở cổ, lại vừa nói cái điều có vẻ trừu tượng hơn, đó là sự thưởng thức một loại sản vật nơi thôn dã, ngon đến độ, không nói thành lời!

Hơn 30 năm trước, dù đã đi làm nhưng tôi ở cùng cha mẹ, nghĩa là vẫn phải "đương đầu" với củ lang củ mì hằng ngày. Ngán củ đến mức, tôi đưa chúng vào thơ mình luôn: "Tôi như cái thằng rách việc/Về nhà xớ rớ rồi đi/Ba bữa ăn đều có mặt/Nhưng ngại củ lang củ mì". Thế mà hơn 30 năm sau, củ mì giờ thành đặc sản, đắt hơn cả loại gạo ngon nhất hiện nay.

Ngày mưa ngồi nhớ củ mì. Là nhớ một thời nghèo khó nhưng thấm đẫm yêu thương...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.