Nhân viên sẽ tháo chạy khi công ty 'red flag'?

Thái Thanh
Thái Thanh
02/05/2024 10:46 GMT+7

Học cách nhận diện những 'red flag' (dấu hiệu cảnh báo) về một công ty không tốt ngay từ khi ứng tuyển sẽ giúp ứng viên có cái nhìn rõ ràng và đưa ra quyết định đúng đắn hơn.

Muốn đánh giá một môi trường làm việc là tốt hay xấu, thông thường phải trải qua một quá trình làm việc, gắn bó nhất định. Tuy nhiên, nếu công ty đó có một số dấu hiệu xấu điển hình, bộc lộ rõ rệt thì ứng viên nên có sự cân nhắc kỹ lưỡng.

Công ty làm việc thiếu chuyên nghiệp

“Thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp là một trong những dấu hiệu của một công ty có vấn đề”, đó là khẳng định của anh Nguyễn Chí Bảo (25 tuổi, ở H.Củ Chi, TP.HCM).

Đầu tháng 5 năm trước, anh Bảo có nộp hồ sơ ứng tuyển vào một công ty công nghệ phần mềm. Vào hôm phỏng vấn, phía tuyển dụng của công ty đã để anh phải chờ đợi hơn 1 tiếng mà không báo trước hay giải thích nguyên nhân.

“Lúc đó tôi khá bức xúc, công ty trễ giờ phỏng vấn nhưng lại không hề xin lỗi hay mời tôi một cốc nước. Ban đầu tôi cũng tìm hiểu, thăm dò nhiều thông tin trên mạng, thấy chế độ lương thưởng cũng tốt nên rất thích công ty. Nhưng thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp và thiếu sự tôn trọng với ứng viên như thế khiến tôi không thoải mái và quyết định từ bỏ”, anh Bảo chia sẻ.

Anh Bảo cũng nói thêm, trong quá trình phỏng vấn anh, một trong hai người tuyển dụng liên tục bấm điện thoại, khiến anh phải nhắc đi nhắc lại một vài thông tin cơ bản. Đây là một cơ sở nữa để anh bước đầu đánh giá về môi trường làm việc và đồng nghiệp tại nơi này. 

“Tôi là người lao động đi tìm việc làm, tôi nghĩ mình cũng có quyền được lựa chọn nơi tốt, phù hợp và hơn hết là tôn trọng tôi. Nhân sự của một công ty toát lên sự thiếu chuyên nghiệp, hẳn phía lãnh đạo cần có sự cân nhắc lại, nếu không thì nhiều ứng viên khác nữa sẽ lại chạy mất dép”, anh khẳng định.

Không rõ ràng về khoản lương, thưởng

Lương, thưởng là một trong những yếu tố hàng đầu được các ứng viên quan tâm khi tìm kiếm công ty. Nhưng ở một số nơi, chuyện lương thưởng lại vô cùng “mập mờ”.

Vừa nghỉ việc tại một công ty red flag, chị Nguyễn Hà Cẩm Tiên (29 tuổi, ở TP.Thủ Đức), chia sẻ công ty đó đã phát lương chậm và thiếu của chị suốt 3 tháng nay mà không đưa ra một lý do nào thật xác đáng.

“Làm việc ở đây nửa năm nhưng số lần tôi được nhận lương đúng hạn chỉ có 2 lần. Những lần khác toàn là trễ, thiếu. Điều này là hoàn toàn trái ngược với thỏa thuận ban đầu giữa hai bên. Tôi và đồng nghiệp có báo lên với sếp để giải quyết nhưng sếp cũng ậm ừ rồi trấn an, bảo rằng cứ cố gắng cống hiến thì công ty sẽ không để chúng tôi chịu thiệt”, chị Tiên bộc bạch.

Nhận diện những dấu hiệu xấu của một công ty sẽ giúp ứng viên chọn được cho mình một môi trường làm việc tốt, phù hợp nhất

Nhận diện những dấu hiệu xấu của một công ty sẽ giúp ứng viên chọn được cho mình một môi trường làm việc tốt, phù hợp nhất

NGUỒN ẢNH: PEXELS

Nhưng chuyện tiền nong mà không rõ ràng, về lâu dài chị Tiên không còn động lực để tiếp tục công việc. Chị cho hay đây chính là dấu hiệu để bạn nhận biết một công ty không tốt. “Nếu công ty khó khăn về tài chính, hãy giải thích rõ ràng với các nhân viên, tôi nhất định sẽ đồng hành để cùng vượt khó. Nhưng nếu cứ im lặng phớt lờ, tôi nghĩ không riêng tôi mà các đồng nghiệp khác cũng sẽ sớm rời đi để tìm cho mình một nơi khác ổn định hơn”, chị khẳng định.

Công ty "gia trưởng" 

Nhiều ứng viên rỉ tai nhau, “gia trưởng” chính là dấu hiệu cảnh báo về một công ty bất ổn. Sự gia trưởng ở đây ám chỉ việc công ty đó không chịu lắng nghe ý kiến, góp ý của nhân viên, bắt buộc mọi thứ phải làm đúng với chỉ đạo của cấp trên.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung (38 tuổi, ở Q.12, TP.HCM), bày tỏ một công ty tốt phải là công ty biết cách lắng nghe, chia sẻ với nhân viên của mình. Ngược lại, nếu công ty đó chuyên quyền, độc đoán, nhất định phải “né” để tránh rước họa vào thân. 

“Bất kỳ ai khi đi làm cũng mong muốn được nói lên ý kiến, quan điểm, ý tưởng của mình. Có như vậy mới giúp chúng ta phát triển, hoàn thiện hơn về mặt chuyên môn, kỹ năng. Mối quan hệ giữa chúng tôi và công ty là mối quan hệ cộng sinh, đôi bên cùng có lợi. Vậy nên cả hai phía cần tôn trọng, lắng nghe lẫn nhau thì mới gắn bó được lâu dài”, chị Nhung thổ lộ.

Chị Nhung cũng có lời khuyên, đối với các bạn trẻ mới ra trường, nên tìm cho mình một môi trường mà ở đó các bạn được vùng vẫy, được thể hiện quan điểm. Không phải sếp nói một thì sẽ làm một, nếu thấy sai hãy mạnh dạn đóng góp, bổ sung để công việc chung đạt hiệu quả cao nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.