Nhiều doanh nghiệp trích tiền BHXH của người lao động nhưng không đóng theo quy định

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
05/04/2023 12:12 GMT+7

Qua thanh tra chuyên ngành, tại TP.HCM phát hiện nhiều doanh nghiệp trích tiền của người lao động đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng chưa nộp cho cơ quan BHXH theo quy định.

Ngày 5.4, BHXH TP.HCM cho biết, năm 2022, đơn vị đã tổ chức hơn 5.500 cuộc thanh tra, kiểm tra (gồm theo kế hoạch và đột xuất) về việc thực hiện các chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Qua thanh tra chuyên ngành, BHXH TP.HCM đã phát hiện nhiều đơn vị tham gia không đủ số lao động bắt buộc; đóng BHXH cho người lao động không đúng mức lương; nợ đọng kéo dài.

Nhiều doanh nghiệp khi trả lương hằng tháng, có trích tiền của người lao động để đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... nhưng chưa chuyển số tiền phải đóng về cơ quan BHXH theo quy định.

Chính điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động khi chuyển việc hay khi nghỉ hưởng các chế độ, ốm đau, thai sản

Phát hiện nhiều doanh nghiệp trích tiền BHXH của người lao động nhưng không đóng theoquy định - Ảnh 1.

Việc nợ, trốn đóng BHXH là vấn nạn được nói đến trong thời gian dài, ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi của người lao động

XUÂN KHÁNH

Trong năm 2022, BHXH TP.HCM đã đề nghị các đơn vị khắc phục các vi phạm, cụ thể lập thủ tục tham gia BHXH cho 2.145 lao động với tổng số tiền truy đóng là 11,7 tỉ đồng; điều chỉnh mức lương đóng BHXH cho 1.747 lao động với số tiền truy đóng là 3,8 tỉ đồng.

Ngoài ra còn thu hồi số tiền hưởng chế độ BHXH ngắn hạn sai quy định 415 triệu đồng, đề nghị 2.723 đơn vị khắc phục số tiền nợ 883 tỉ đồng, đề nghị thu hồi về quỹ bảo hiểm y tế do các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chi sai với số tiền là 3,2 tỉ đồng.

Cũng trong năm 2022, TP.HCM ban hành 133 quyết định xử lý vi phạm hành chính về BHXH, bảo hiểm y tế với tổng số tiền là 16,8 tỉ đồng (trong đó thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND TP.HCM là 89 đơn vị; thuộc thẩm quyền của Giám đốc BHXH TP.HCM là 44 đơn vị). 

BHXH TP.HCM cũng đã chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố đến cơ quan điều tra với 87 đơn vị với tổng số tiền nợ quỹ là 185,3 tỉ đồng và đã có 50/87 đơn vị đã khắc phục với tổng số tiền là 50,7 tỉ đồng.

Dù công tác thanh kiểm tra được đẩy mạnh, song số nợ BHXH tại TP.HCM vẫn còn cao. BHXH TP.HCM hằng tháng đều "bêu tên" các doanh nghiệp nợ, chậm đóng BHXH trên trang web của đơn vị này.

Tính đến hết tháng 1.2023, toàn thành phố có hơn 58.000 đơn vị nợ BHXH từ 1 tháng trở lên với tổng số tiền nợ là hơn 4.500 tỉ đồng.

Trong đó, nợ BHXH từ 1 đến dưới 3 tháng là hơn 41.000 đơn vị với tổng số tiền nợ gần 2.000 tỉ đồng; từ 3 đến dưới 6 tháng là hơn 6.700 đơn vị với tổng số tiền nợ hơn 423 tỉ đồng; từ 6 đến dưới 12 tháng là hơn 3.500 đơn vị với tổng số tiền nợ hơn 335 tỉ đồng; từ 1 năm trở lên là hơn 6.600 đơn vị với tổng số tiền nợ hơn 1.800 tỉ đồng.

Trong dự thảo luật BHXH sửa đổi mà Bộ LĐ-TB-XH đưa ra lấy ý kiến, có đề xuất mới về chế tài xử lý nghiêm hành vi trốn đóng BHXH.

Đơn cử như cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên; hoãn xuất cảnh đối với trường hợp người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên; quy định tổ chức công đoàn và cơ quan BHXH được khởi kiện ra tòa án...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.