Nhớ mùa hoa tết quê tôi

13/10/2022 15:00 GMT+7

Từ lúc còn nhỏ, những bước chân lẫm đẫm của chị em tôi đã in dấu trên mấy luống hoa trước nhà. Lớn lên một chút, chúng tôi lại theo chân người lớn ra đồng nhổ cỏ, bắt sâu rồi tập bơi xuồng dọc ngang theo con nước.

Sa Đéc quê tôi là vậy đó, người và hoa gắn bó cùng nhau suốt cả một đời. Từ xa xưa những người nông dân ở xứ này thường tận dụng đồng ruộng hoặc những vùng đất trũng để trồng hoa. Thế nhưng mùa trồng hoa tết cũng là mùa con nước lũ tràn đồng ở miền Tây, mà địa thế Sa Đéc lại nằm cạnh sông Tiền nên vào mùa lũ, nước thường đe dọa làng hoa. Bởi vậy việc đưa hoa lên giàn là vô cùng cần thiết, không chỉ giúp hoa chống được sâu bệnh mà còn giữ cho từng giỏ hoa luôn được tinh khôi, thuần khiết. Đó lại là nét đặc trưng của làng hoa quê tôi.

Làng hoa Sa Đéc, Đồng Tháp

công hân

Cho tới nay không ai còn nhớ chính xác nghề trồng hoa ở đây khởi sự khi nào nhưng theo ông nội kể thì từ ban đầu, làng hoa Sa Đéc gắn liền với việc khai hoang vùng đất mới của nông dân Nam bộ xưa.Vì người dân vùng này chuộng cái đẹp nên trong quá trình chinh phục thiên nhiên, họ đã tìm đến với hoa để chiêm ngưỡng, rồi trồng trọt thêm ngày một nhiều. Đến năm 1867, thống đốc Nam kỳ Bonard quyết định thành lập hạt Sa Đéc (sau này đổi tên là tỉnh Sa Đéc). Theo bước chân của người Pháp đến làm việc và sinh sống, các giống hoa kiểng được du nhập vào và biến Sa Đéc thành "Vườn hoa của xứ Nam kỳ" (Le Jardin de la Cochinchine).

Ai cũng nghĩ trồng hoa chắc sướng lắm vì không cực nhọc như mần ruộng, quanh năm được ngắm những bông hoa rực rỡ. Nói nghe cũng lãng mạn đó nhưng nhào vô mần thì mới biết, không dễ ăn vậy đâu. Cây kiểng thì còn đỡ, chớ hoa thì đỏng đảnh lắm. Bao nhiêu công sức đổ ra suốt cả năm trời chỉ mong một điều duy nhất là hoa nở đúng tết. Cuối năm, hễ thời tiết thất thường theo kiểu nóng, lạnh hay mưa nhiều hơn mọi khi là coi như thua trắng.

Để có được những chậu cúc mâm xôi nở đúng dịp tết, tía má tôi phải miệt mài ngoài vườn cả sáu tháng trời. Từ ngắt chồi, bón phân, tưới nước... canh chỉnh thời gian chính xác đến từng ngày. Rồi chuyện mưa bão, sương muối cũng khiến nông dân phập phồng, lên ruột. Chỉ cần hoa nở trễ hoặc sớm là xem như những ước mơ về mâm cỗ ngày tết hay chiếc áo mới cho con cái cũng tan theo.

Năm nào cũng vậy, từ rằm tháng chạp cả làng hoa Sa Đéc đều tất bật cho những chuyến hàng tỏa đi khắp nơi. Tới nhà nào cũng thấy vợ chồng, con cái xúm lại mỗi người một tay sắp xếp, đóng gói, vận chuyển những chậu hoa kiểng đi nơi này nơi nọ chuẩn bị bán tết. Hoa miệt này được nhiều nơi ưa chuộng vì đa dạng màu sắc, chủng loại mà giá cả lại bình dân. Trồng hoa là cái nghề chắc chiu, đem đến cái đẹp cho đời nhưng lắm phen người trồng hoa nếm mùi cay đắng khi thất bại, thua lỗ. Nhưng cực nhất vẫn là làm sao bán được hàng, người thì mua, người thì xem, đôi khi còn bưng lên bỏ xuống không thương tiếc, nhìn mà nhót ruột nhót gan nhưng chỉ biết cười trừ. Có người mua dễ tính được giá là mua ngay, nhưng cũng có khách hàng kỳ kèo, lựa chọn, thậm chí có người chỉ đến xem rồi sờ nắn hoa kiểng, khiến người bán phập phồng vì sợ rụng bông, gãy cành nhưng vẫn phải cười thật tươi với mong muốn bán được hàng.

Nhiều năm tía má tôi phải nấn ná tới giờ chót nơi đất khách quê người để gỡ gạc chút đỉnh tiền giỏ, tiền phân. Trong khi đó trưa 30, chợ ở đâu cũng phải dọn dẹp sạch sẽ để kịp đón Tết. Dân làng hoa ít khi nào được sum họp đầy đủ vào lúc giao thừa, nên chị em tôi cũng từng trải qua nhiều cái Tết không có tía má bên cạnh. Thậm chí không ít gia đình rơi vô cảnh nợ nần phải cầm cố đất đai do trồng hoa thua lỗ.

Có lần chị em tôi khuyên tía má nghỉ ngơi hoặc chuyển qua công việc khác cho nhẹ nhàng thay vì phải dãi nắng, dầm mưa với nghề trồng hoa nhưng đều không thể. Bởi theo tía má trồng hoa không chỉ là cái nghề kiếm sống mà còn là cái nghiệp, một tình yêu với hoa đã ngấm vô tận máu thịt rồi thì đâu dễ gì dứt bỏ. Đó cũng là cái cốt cách của những người nông dân quê tôi khi trót gắn bó với hoa trên mảnh đất này cho dù không ít lần họ phải lận đận với chính cái nghề mình đã gắn bó trên mảnh đất của cha ông. Khó khăn chồng chất là vậy nhưng ít thấy ai bỏ ngang đi làm chuyện khác để được nhiều tiền hơn.

Mỗi mùa xuân về, những giỏ hoa quê tôi lại có dịp tỏa đi khắp chốn mang sắc thắm đến với mọi nhà, làm đẹp muôn nơi. Ước mong sao hoa Sa Đéc không những khẳng định được vị thế của thủ phủ hoa nơi miền Tây sông nước mà còn giúp người nông dân có thể sống được với nghề truyền thống quê mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.