Những rủi ro khi 'câu dây' màn hình iPhone

05/05/2023 12:22 GMT+7

Việc can thiệp vào màn hình iPhone bằng phương pháp "câu dây" (mượn áp) có thể cứu được máy tạm thời nhưng sẽ gây bất ổn khi sử dụng lâu dài.

Màn hình iPhone với tần số quét 120 Hz trên các model như 13 Pro/Pro Max, 14 Pro/Pro Max đang gặp vấn đề hiển thị khi nhiều trường hợp bị lỗi màn hình xanh (hoặc hồng, trắng) sau một thời gian sử dụng. Nguyên nhân được nhiều thợ sửa tại Việt Nam xác định do tần số quét cao đã gây quá nhiệt và làm cháy, đứt cổ cáp.

Mới đây, giới sửa chữa iPhone đã tìm ra phương pháp nối một dây đồng vào bảng mạch bên dưới màn hình để "mượn áp" giúp khắc phục sự cố với chi phí chỉ vài trăm nghìn đồng tới hơn 1 triệu đồng. Phát hiện này không chỉ giúp người dùng tiết kiệm chi phí sửa chữa mà còn bớt nỗi lo bảo hành cho bên bán, đặc biệt là các địa chỉ kinh doanh iPhone đã qua sử dụng hoặc hàng xách tay.

Sợi dây đồng mảnh tựa lông mèo giúp màn hình iPhone 13 Pro/Pro Max "sống lại"

Sợi dây đồng mảnh tựa lông mèo giúp màn hình iPhone 13 Pro/Pro Max "sống lại"

CTV

Sợi dây đồng được sử dụng là loại siêu mảnh, dẫn truyền tín hiệu tương tự mạch đồng đi ngầm trên bo mạch của thiết bị hay dây cáp. Trong trường hợp bo mạch hoặc cáp đứt ngầm dẫn tới hư chức năng, kỹ thuật viên có thể dò mạch và đấu nối (chạy) lại bằng dây đồng để hồi phục chức năng cho máy.

Tuy nhiên, việc câu dây màn hình cũng chỉ là biện pháp tạm thời do vẫn còn tồn tại những khuyết điểm. Theo anh Quốc Huy, chủ một cửa hàng sửa chữa điện thoại tại TP.HCM, nếu xử lý không khéo trong quá trình thực hiện chắc chắn sẽ phát sinh vấn đề vì khoảng cách đi dây đồng quá xa, trong khi bên dưới là linh kiện. "Đường mạch rất nhỏ nên nếu thợ không khéo có thể gây hao nguồn do chạm mass", anh Huy giải thích.

Bên cạnh đó, ngay trong ngày đầu tiên phương pháp được phổ biến trong giới thợ, trong số các trường hợp thành công cũng ghi nhận nhiều sự cố hao nguồn iPhone, nóng máy bất thường khi sử dụng hoặc tự khởi động lại máy.

"Câu dây chỉ giúp màn hình hiển thị, nhưng không dùng được ở 120 Hz mà chỉ có 60 Hz. Điều này đã được nhiều cửa hàng xác nhận sau khi sửa cho khách", theo anh Quốc Huy.

Chia sẻ thêm với Thanh Niên về vấn đề này, đại diện một đơn vị sửa chữa lớn tại Việt Nam xác nhận câu dây "chỉ là giải pháp bề mặt và sẽ xuất hiện các lỗi hao nguồn, nóng máy, tự khởi động lại và mất tần số quét 120 Hz", độ bền cũng thấp và sẽ hư hỏng sau thời gian ngắn sử dụng.

Để giải quyết tình trạng trên, kỹ thuật viên sẽ phải bóc tách toàn bộ phần ron màn hình để lộ cổ cáp, tập trung xử lý phần này mà vẫn đảm bảo giữ được tần số quét 120 Hz như thiết kế của Apple.

Người dùng gặp tình trạng lỗi màn hình iPhone cần lưu ý thời hạn bảo hành của sản phẩm. Nếu máy vẫn đang trong thời gian được bảo hành chính hãng, hãy mang đến các trung tâm ủy quyền của Apple tại Việt Nam để ghi nhận tình trạng và được hỗ trợ từ hãng. Việc tự ý can thiệp từ bên ngoài sẽ khiến máy mất bảo hành và chi phí sửa chữa, thay thế linh kiện chính hãng không hề nhỏ.

Từ ngày 1.4, các trung tâm bảo hành ủy quyền của Apple (ASP) tại Việt Nam sẽ nhận bảo hành iPhone chính hãng (mã VN/A) mà không yêu cầu hóa đơn mua hàng. Tuy nhiên, thay đổi này không áp dụng đối với các thiết bị khác như MacBook, AirPods, iPad... hay phụ kiện. Những máy iPhone xách tay (không mang mã VN/A) vẫn cần hóa đơn mua bán, thậm chí dù có đầy đủ giấy tờ vẫn có thể bị từ chối bảo hành, một phần vì tình trạng hóa đơn giả nhiều.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.