Nỗi lo cao tốc 'thấp chuẩn'

01/08/2023 04:14 GMT+7

Dù Bộ GTVT nhiều lần khẳng định không đánh đổi chất lượng công trình để lấy tiến độ, song việc cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây mới thông xe 3 tháng đã ngập cục bộ và nhiều bất cập khác trên các tuyến cao tốc mới vận hành không khỏi khiến người dân lo ngại.

Chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào hoạt động, nhiều tuyến cao tốc đã bộc lộ không ít bất cập gây nhiều quan ngại.

Nỗi lo cao tốc 'thấp chuẩn' - Ảnh 1.

Kẹt xe trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây do ngập đường, lúc rạng sáng 29.7

H.Linh

Cao tốc chỉ 2 làn xe, không dải phân cách…

Điển hình, cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 98,3 km đi qua 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế được đưa vào sử dụng ngày 31.12.2022, nhưng sau một thời gian ngắn được cánh lái xe cũng như ngành chức năng phát hiện nhiều bất cập.

Cao tốc này chỉ có 2 làn xe nhưng phần lớn không có dải phân cách, lại còn thiếu biển báo, đinh phản quang, không có đèn điện chiếu sáng và sóng điện thoại ở nhiều vị trí… khiến lái xe gặp không ít khó khăn. Ghi nhận thực tế, cao tốc Cam Lộ - La Sơn đường hẹp, tốc độ giới hạn thấp nên nhiều phương tiện đã vượt xe sai quy định, lấn cả sang làn của xe chạy ngược chiều. Ban đêm, cao tốc tối đen, đoạn qua các cây cầu cũng không có điện chiếu sáng.

Trong thời gian vận hành, có thời điểm phương tiện phải xếp hàng dài do đang thi công xử lý kỹ thuật mái taluy dương sau cơn bão năm 2022. Đầu tháng 6, ngành chức năng đã cấm xe có trọng tải hơn 10 tấn vào cao tốc. Theo phản ánh của các lái xe, dù mới đưa vào vận hành chưa lâu nhưng nhiều đoạn cao tốc đã bị lún, tạo thành những "sóng lươn", "sống trâu" nhấp nhô. Hiện tại, các nhà thầu đang phải khắc phục những sự cố này.

Bi hài CSGT phải lùa bò trên cao tốc

Báo cáo của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh trong lần làm việc mới đây với Bộ GTVT cũng thừa nhận một số bất cập trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn gồm: các vị trí bố trí vạch sơn tim nét liền cấm vượt xe (đặc biệt là các đoạn lên dốc), tốc độ xe tải thường rất chậm (khoảng 20 km/giờ) khiến xe xếp hàng lên dốc, giảm năng lực thông hành của tuyến và là nguyên nhân hằn lún vệt bánh xe nhất là trong môi trường khí hậu nắng, nóng.

Nỗi lo cao tốc 'thấp chuẩn' - Ảnh 2.

Sau một thời gian sử dụng, mặt đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn lồi lõm ở nhiều khu vực và nhiều đoạn cao tốc này không có dải phân cách

Thanh Lộc

Thiếu làn khẩn cấp, vừa vận hành đã quá tải

Còn tại khu vực ĐBSCL, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đưa vào vận hành từ tháng 4.2022 đã góp phần rất lớn trong việc giải quyết tình trạng ùn tắc trên QL1 (đoạn qua tỉnh Tiền Giang); đồng thời rút ngắn khoảng cách hơn 20 km từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây và ngược lại.

Thế nhưng, tuyến cao tốc này nhanh chóng trở thành nỗi ám ảnh đối với cánh tài xế. Bởi tuyến chính của dự án chỉ có mặt đường rộng 17 m, 4 làn xe mà không có làn dừng xe khẩn cấp. Mỗi làn xe chỉ rộng 3,5 m (nhỏ hơn 0,25 m so với làn xe cao tốc TP.HCM - Trung Lương). Do đó, chỉ cần một sự cố nhỏ về giao thông là phương tiện lập tức bị ùn ứ lên đến vài cây số. Đặc biệt, do không có làn dừng khẩn cấp mà chỉ có các điểm dừng với khoảng cách gần 10 km/điểm nên việc cứu hộ các xe gặp nạn cũng vô cùng khó khăn.

Vấn đề này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang đã nhiều lần có văn bản kiến nghị Bộ GTVT có hướng khắc phục.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Tiền Giang đánh giá lưu lượng xe trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện nay quá lớn so với tính toán dựa trên lượng xe cách đây 10 năm nên cơ bản bị quá tải, không còn phù hợp nữa. Đặc biệt, đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện nay sẽ trở thành "nút thắt cổ chai" của miền Tây nếu các tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Cao Lãnh - An Hữu... được đưa vào vận hành khai thác trong thời gian tới.

Cùng mối lo nguy hiểm vì không có trạm dừng khẩn cấp là tình trạng tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Tuyến này rất bất tiện khi chỉ có 2 làn đường chính ở mỗi chiều, không có làn đường khẩn cấp xuyên suốt mà chỉ có các đoạn dừng khẩn cấp dài 170 m/đoạn và cách nhau từ 8 - 10 km. Đáng lo là các đoạn dừng khẩn cấp không có đèn chiếu sáng, dẫn đến rủi ro xe sau tông vào đuôi xe trước khi đang đậu trên điểm dừng khẩn cấp. Đây là nguyên nhân được cho là dẫn đến cả 2 vụ tai nạn khiến 8 người bị thương ngày 24.7 vừa qua.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây kẹt kinh hoàng vì ngập, nước cuốn cả xe tải

Lo lắng khả năng thoát lũ cho cao tốc

Liên quan chất lượng cao tốc, những ngày qua dư luận không khỏi "choáng" với tình trạng cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây bị tê liệt một đoạn do ngập sâu. Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chia làm 4 gói thầu, trong đó đoạn ngập sâu thuộc gói thầu do liên danh nhà thầu Cienco 4 - Phương Thành thi công.

Nỗi lo cao tốc 'thấp chuẩn' - Ảnh 3.

Kẹt xe nghiêm trọng trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây do ngập nước

H.Linh

Trả lời Thanh Niên, đại diện nhà thầu thi công cho biết nước trên cao tốc sẽ thoát ra sông Phan qua các cống thoát. Tuy nhiên, thời điểm cao tốc bị ngập sâu, do mưa quá to dồn dập, nước từ hạ lưu không thoát ra kịp mà dâng ngược chảy tràn trở lại cao tốc. Cho biết chất lượng thi công, chất lượng kỹ thuật của cao tốc "không vấn đề gì", các đơn vị thầu chỉ thi công theo bản vẽ thi công và bản vẽ thiết kế của tư vấn, đại diện nhà thầu đánh giá "việc ngập cục bộ có thể do công tác khảo sát thiết kế thủy văn chưa thấu đáo. Phải xem xét lại từ khâu thiết kế, hồ sơ thiết kế cho đến bản vẽ thi công, đặc biệt là việc nghiên cứu địa hình, địa chất và thủy văn".

Đại diện Bộ GTVT cho biết theo quy trình đã yêu cầu chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ GTVT), nhà thầu và tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát làm rõ nguyên nhân, báo cáo Bộ trước ngày 3.8.

Đáng chú ý, vị trí ngập theo quan sát như lòng chảo, nước chảy dồn về tập trung đọng rất sâu. Dù tình trạng ngập chỉ diễn ra trong vài tiếng, song với các tuyến cao tốc huyết mạch, lưu lượng phương tiện lớn như Phan Thiết - Dầu Giây, chỉ một vài giờ bị ngập cũng sẽ gây ách tắc. Với thời tiết diễn biến cực đoan như hiện nay, nguy cơ ngập tương tự có thể lặp lại khi mưa lớn, nếu Bộ GTVT, chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu thi công không tìm được nguyên nhân chính xác do thi công hay thiết kế để có giải pháp khắc phục triệt để.

Nỗi lo cao tốc 'thấp chuẩn' - Ảnh 4.

Nỗi lo cao tốc 'thấp chuẩn' - Ảnh 5.

Cao tốc… chưa thực sự là cao tốc

Tính đến tháng 6.2023, sau gần 20 năm từ khi tuyến cao tốc đầu tiên của VN (TP.HCM - Trung Lương) được khởi công, mới có 1.729 km cao tốc đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Giai đoạn 2021 - 2025, có khoảng 1.071 km cao tốc được thi công xây dựng và hoàn thành, chủ yếu là các dự án thuộc cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, trước đó theo ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Cao tốc (Bộ GTVT), "một số đoạn cao tốc chưa thực sự là cao tốc", do thiết kế chỉ 2 làn đường chưa đạt chuẩn cao tốc 4 làn xe.

Theo quy hoạch tới năm 2026, ĐBSCL sẽ có khoảng 554 km cao tốc. Trong đó, nhiều đoạn tuyến đi qua nền địa chất phức tạp như cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh. Tương tự, đoạn Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 đi qua Đồng Tháp và Tiền Giang, khu vực địa chất phức tạp, chiều dày tầng đất yếu lớn (30 - 50 m).

Về khả năng thoát lũ khi hình thành các tuyến cao tốc này, theo ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), phương án thiết kế đã tính toán theo mô hình ngập lũ khu vực. Hiện trên khu vực, các quốc lộ, đường tỉnh chủ yếu xây dựng theo phương án đắp nền, cầu vượt tại các vị trí kênh, mương, cơ bản không ảnh hưởng đến thoát lũ khu vực. Tuy nhiên, việc cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ngập sâu sau mưa lớn cho thấy nguy cơ úng ngập, thậm chí sụt lún có thể xảy ra tại các dự án khu vực ĐBSCL.

Nỗi lo cao tốc 'thấp chuẩn' - Ảnh 6.

Q.H

Cả hai tuyến cao tốc qua Bình Thuận vẫn rất "nhếch nhác"

* Phải đi nhờ nhà vệ sinh "0 đồng"

Tại cuộc họp chiều qua 31.7, Phó giám đốc Sở GTVT Bình Thuận Huỳnh Ngọc Thanh đưa ra khuyến cáo đối với chủ đầu tư cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây về tính an toàn khi các đơn vị thi công đang khoan vách đá, đổ bê tông trên toàn tuyến. Theo ông Thanh, nhiều đoạn trên tuyến cao tốc này đã bị mưa bồi lấp đầy các kênh thoát nước hai bên. Nếu không khơi thông thì mưa lớn, nước, cát sẽ tràn ra đường cao tốc rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Liên quan tuyến cao tốc này, chủ xe vận tải hải sản đông lạnh ở TP.Phan Thiết phản ánh tình trạng hiện nay hàng rào cao tốc có nơi chưa làm xong, nên gia súc (chó, mèo) liên tục xuất hiện chạy ngang trên đường, rất nguy hiểm. Ngoài ra, còn tình trạng nhiều người đi xe máy ngược chiều trên cao tốc. Còn tại nhiều đoạn ở Km 29 (thuộc địa bàn H.Hàm Tân), thiết bị máy móc được đặt sát làn đường xe lưu thông rất dễ xảy ra tai nạn.

Hiện nay, trên cả 2 tuyến cao tốc đi qua Bình Thuận gồm tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây dài tới 200 km, nhưng không có trạm dừng nghỉ cho tài xế và du khách đi vệ sinh. Do vậy, trên đường nhiều người dân đã để biển báo "Vệ sinh 0 đồng" (ảnh) ven đường cho du khách dừng lại đi vệ sinh rất nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông.

Cao tốc thông xe gần 5 năm vẫn chưa có trạm dừng

Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài hơn 139 km đi qua TP.Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi thông xe toàn tuyến ngày 2.9.2018, đang hoạt động, vận hành, bảo dưỡng bình thường. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế, cả đoạn tuyến này không có trạm dừng nghỉ sau khi chạy quãng đường dài…

Tương tự, cao tốc Cam Lộ - La Sơn cũng đang ở tình trạng chưa có trạm dừng. Còn tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài tổng cộng gần 90 km nhưng hiện chỉ có một trạm dừng nghỉ và nạp nhiên liệu (giữa đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.