Những cuộc giải cứu hi hữu

09/04/2010 10:17 GMT+7

Rất nhiều tai nạn đã không kết thúc có hậu. Nhưng trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc, tưởng chừng như con người đã phải đầu hàng số phận, lại vẫn có nhiều cuộc giải cứu chỉ có thể giải thích bằng từ: phép mầu.

Hầm mỏ của Trung Quốc

Ngày 28-3, sau tám ngày tám đêm, 115 thợ mỏ Trung Quốc bị kẹt dưới lòng đất ở hầm khai thác Vương Gia Lĩnh (Sơn Tây) đã được cứu sống. Khi mọi hi vọng dường như đã tắt, nhân viên cứu hộ vẫn làm việc 24/24 giờ cho đến khi họ nghe thấy tiếng động vọng lên từ dưới sâu 250m. Ngay lập tức họ gửi sữa, đường và những lời động viên xuống đường hầm; ba ngày sau họ tìm được cách thả dây và kéo nạn nhân lên, hầu hết trong tình trạng ổn định. Đây được xem là “một phép lạ kép”: phép lạ của sự sống và phép lạ trong lịch sử cứu hộ ở Trung Quốc.

Ngành khai thác mỏ ở Trung Quốc được coi là có lượng nhân công thiệt mạng nhiều nhất thế giới hằng năm. Năm 2009 có 2.600 thợ mỏ Trung Quốc đã chết trong các tai nạn liên quan tới hầm mỏ.

Máy bay ở Hudson

Ngày 15-1-2009, người xem truyền hình như dán mắt vào màn hình. Hình ảnh chiếc máy bay đang nhấp nhô bập bềnh ở sông Hudson tại TP New York (Mỹ) trong buổi chiều đông giá rét. Bên cạnh đó là hình ảnh hành khách và thủy thủ đoàn chuyến bay 1549 của US Airways an toàn và nhanh chóng rời khỏi chiếc máy bay đang chìm. Thủ phạm là một chú ngỗng kẹt ở động cơ của máy bay khi chiếc máy bay rời sân bay LaGuardia. Vụ hạ cánh khẩn cấp xuống sông đã khiến cơ trưởng Chesley Sullenberger và cơ phó Jeffrey Skiles được nhìn nhận là có pha cứu nguy thành công nhất trong lịch sử hàng không thế giới.

Bé Jessica té giếng

Texas là nơi đã diễn ra một trong những sự kiện truyền thông lớn nhất trong lịch sử Mỹ: bé Jessica đã bị kẹt hai ngày rưỡi dưới giếng. Ngày 14-1-1987, Jessica McClure mới 18 tháng tuổi, trong lúc chơi ở sân nhà dì đã trượt ngã xuống giếng bị bỏ hoang. Nhân viên cứu hộ đã làm việc liên tục trong 58 giờ để cứu bé.

Ron Short, một người khá cơ bắp, khi sinh ra đã không có xương cổ nên có thể co vai vào và hoạt động trong các góc hẹp, đã đến đề nghị được góp sức cứu bé. Dù nhân viên cứu hộ chấp nhận lời đề nghị nhưng sau đó không sử dụng anh. Hình ảnh Jessica bị băng đầu sau khi được đưa ra từ giếng đã đoạt giải thưởng Pulitzer.


Parrado và Canessa (ngồi) sau khi được giải cứu

Khi lớn lên, McClure nói mình chẳng nhớ gì về sự kiện và những vết sẹo là niềm tự hào, vì ít ra mình cũng sống sót. Bây giờ, cô đã 24 tuổi, có con trai và chỉ còn chưa đầy một năm nữa là sẽ tiếp cận được khoản quỹ 1 triệu USD. Đó là số tiền người ta đã quyên góp ủng hộ cô.
 
Chuyến bay 571 của Uruguay

Ngày 13-10-1972, chuyến bay đâm xuống dãy núi Andes. Trên máy bay có tổng cộng 45 người, đội bóng bầu dục quốc gia Uruguay và bạn bè cùng người thân của họ. Cơ hội sống sót rất ít và đội tìm kiếm đã kết thúc sứ mệnh sau tám ngày. Một số người chết tại chỗ, còn những người khác bị thương nặng và kẹt trong giá lạnh. Máy bay màu trắng nên bị lẫn vào màu tuyết. Ngày qua ngày, những người sống sót chỉ còn lại ít lựa chọn và hi vọng. Thực phẩm mang theo chỉ là vài thanh sôcôla và vài chai rượu đã nhanh chóng hết. Họ thiếu đủ thứ, từ quần áo tới giày dép, kính bảo vệ, các thiết bị y tế...

Có người đã nghĩ cách biến tuyết thành nước uống bằng cách cho tuyết lên một miếng kim loại từ ghế ngồi máy bay để tuyết tan dưới ánh mặt trời và nhỏ vào chai. Không có rau, động vật gì trên núi, họ phải quyết định đầy khó khăn là ăn thịt đồng loại những người đã qua đời. Họ còn ăn cả những vật liệu làm hành lý, dù biết thế là có hại hơn có lợi cho cơ thể đã quá suy kiệt. Nando Parrado và Roberto Canessa đã quyết định đi bộ xuyên núi trong 12 ngày đêm để cuối cùng được cứu cùng với 14 người khác vào ngày 23-12-1972. Họ đã sống sót sau 72 ngày trên vùng núi phủ tuyết trắng. Câu chuyện của họ là nguồn cảm hứng cho bộ phim Alive (Sống sót) năm 1993.

Tàu ngầm bị chìm

Ngày 23-5-1939, tàu ngầm U.S.S. Squalus bị chìm. Con tàu ngầm mới, tốt nhất thời đó đang lặn thử ở bờ biển New Hampshire thì một van bị hỏng. Nước tràn vào buồng máy và phòng của thủy thủ. 26 người lập tức bị chết. Khi một con tàu khác xác định được vị trí của tàu gặp nạn, 33 thủy thủ vẫn còn sống và có thể liên hệ qua mật mã morse. Những thợ lặn hải quân do Charles Momsen dẫn đầu đã cứu họ. Dù mất tới bốn chuyến giải cứu nhưng tất cả 33 người đều được lên bờ an toàn vào đêm 23-5.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.