Dân khổ vì tái định cư chậm

21/05/2010 22:39 GMT+7

Việc tái định cư cho người dân vùng bị ngập nước do ảnh hưởng của nhiều công trình thủy điện ở miền Trung được tiến hành rất chậm, gây khó khăn đời sống của dân.

Gần 100 hộ dân ở H.Sơn Hòa (Phú Yên) nằm trong dự án xây dựng Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ. Do dự án định canh cho những hộ dân này quá chậm, dân đã phá rừng làm nương rẫy.

Dự án xây dựng Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ khởi công ngày 18.4.2004. Hàng trăm hộ dân ở 2 huyện Sông Hinh và Sơn Hòa phải di dời đến nơi ở mới. Đến nay nhiều hộ dân ở xã Suối Trai (H.Sơn Hòa) vẫn chưa được giao đất sản xuất.

Ma Hoan (ở buôn Xây Dựng, xã Suối Trai) than vãn: "Không còn rẫy để trồng sắn, trỉa lúa, hằng ngày tui đánh lưới trên hồ thủy điện, còn vợ thì làm thuê kiếm sống qua ngày".

Cám cảnh nhất là trường hợp gia đình H'Chót cũng ở buôn Xây Dựng đang phải sống trong túp lều bằng tôn lụp xụp dưới cái nắng cháy da. Gia đình H'Chót có 8 người chen chúc trong căn lều nhỏ hẹp, ọp ẹp chưa đến chục mét vuông. H'Chót cho biết: "Gia đình mình di dời được 4 tháng, nhưng do nghèo nên chưa dựng nổi cái nhà".

Ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó chủ tịch UBND H.Sơn Hòa, cho biết trước đây đời sống người dân tương đối ổn định. Việc giải phóng mặt bằng làm thủy điện đã ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Hiện vẫn còn 98 hộ mất trắng đất sản xuất, trong khi việc giao đất lúa nước cho dân triển khai rất chậm.

Do không có đất sản xuất, người dân đổ xô vào rừng đặc dụng Krông Trai (H.Sơn Hòa) phá rừng làm nương rẫy. Một số trường hợp bị tòa kết án nhưng vẫn không thể ngăn chặn nổi nạn phá rừng. Chỉ từ đầu năm đến nay đã có hàng chục ha rừng bị chặt, đốt. Nhiều cánh rừng vẫn còn than lửa. "Người dân không có đất nên phát rừng làm nương rẫy, nhưng cũng có người lợi dụng việc này phát dọn rồi bán lại cho người khác. Để chấn chỉnh, xã sẽ lập phương án trồng lại rừng", ông Hoàn khẳng định.

Theo ông Hoàn, lẽ ra, tái định cư cho dân xong thì chuyển đổi nghề sang làm dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp cho người dân ngay. Nếu làm tốt việc này, thì dù chưa có đất sản xuất, họ vẫn có thể ổn định cuộc sống.

Để thi công công trình thủy điện An Khê - Ka Nak với công suất 173 MW, 360 hộ dân, thuộc 2 xã Đăk Smar và Lơ Ku, H.Kbang, tỉnh Gia Lai phải dời đến nơi ở mới. Cùng với đó, hơn 1.000 ha đất ở và đất canh tác của bà con bị ngập nước. Đến ngày 22.4, toàn H.Kbang đã di dời được 4 làng, tiến hành đền bù hỗ trợ cho người dân. Tuy nhiên, đến nay các hộ dân về khu tái định cư vẫn chưa được bố trí đất sản xuất. Không chỉ thế, hệ thống nước phục vụ cho các làng dẫn từ núi về thiếu bền vững, vì nước trên núi có thể khô cạn bất cứ lúc nào; van ở các bể nước đã hư hỏng, nước chảy tự do. Thiếu nước nhiều ngày nên người dân đành ra suối và ao hồ để tìm nước.

Theo kế hoạch, vào tháng 8.2010, công trình thủy điện trên sẽ tổ chức chặn dòng. Lãnh đạo UBND H.Kbang khẳng định: Nếu việc tái định canh, định cư và đền bù, hỗ trợ chưa được Ban quản lý dự án thủy điện 7 (thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam - chủ đầu tư) hoàn thành thì huyện sẽ kiên quyết không cho chặn dòng.

Đức Huy - Nhơn An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.