Ngân hàng “lắc đầu” với doanh nghiệp vừa và nhỏ?

11/09/2010 00:43 GMT+7

Theo các ngân hàng (NH) thì chỉ khoảng 20% doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tiếp cận được nguồn vốn. Nghĩa là vẫn còn khoảng 80% DNVVN bị “lắc đầu” khi đến ngân hàng vay vốn.

Điểm yếu lớn nhất hiện nay là do các DN không thể xây dựng cho mình một bản “lý lịch đẹp” về tài chính. Bản “lý lịch” này, theo PGS-TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, là hệ thống kế toán hoàn chỉnh, báo cáo tài chính đầy đủ, chính xác. 

Bà Nguyễn Thị Hương Nga, Trưởng ban Tín dụng, Ngân hàng ANZ, cho biết để vay được vốn, các DN phải vượt qua được hàng rào chấm điểm tín dụng hết sức chặt chẽ, khắt khe. Ngân hàng sẽ “soi” các điều kiện này thông qua một loạt tiêu chí: phương án kinh doanh có khả thi không, năng lực tài chính, khả năng trả nợ, dòng tiền luân chuyển, lỗ - lãi... Thế nhưng tất cả những điều kiện trên vẫn chưa thấy nhiều DN làm đầy đủ, chính xác và được thể hiện trong báo cáo tài chính. DNVVN chiếm tới 90% tổng số các DN tại VN, một thị trường màu mỡ cho các NH, nhưng do những hạn chế trên nên đã dẫn tới cảnh người có vốn - người cần vốn không gặp được nhau. Vì vậy, theo bà Nga, DN rất nên xây dựng một hệ thống kế toán có chuẩn mực, hoàn chỉnh và phải tính tới việc mời kiểm toán nội bộ tới tư vấn và xây dựng báo cáo kiểm toán. Đây là một trong số các điều kiện để NH cho vay.

Tuy nhiên, do tiềm lực yếu, vốn không nhiều nên nhiều DN vẫn tỏ ra khá lăn tăn về chuyện thuê kiểm toán. Ông Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm Thông Tấn, cho biết do "thấp bé nhẹ cân", DN muốn vay vốn NH phải “đi cửa sau”. Nếu mời kiểm toán liệu có phải “đi cửa sau” thêm một lần nữa để báo cáo kiểm toán “đẹp hơn” không.

Tất nhiên, việc có hay không có kiểm toán không phải là điều kiện tiên quyết, bắt buộc để NH phải cho DN vay. Nhưng theo lãnh đạo một NH thương mại, đó là điều kiện đủ để NH đánh giá năng lực tài chính, độ minh bạch thông tin đối với các DN.

Theo bà Lê Thị Hồng Len, Trưởng đại diện Hiệp hội Kiểm toán và Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) tại Việt Nam, có tới hàng chục lý do khiến DNVVN không thể vay vốn NH: hành lang pháp lý chưa đủ, thiếu cơ chế chính sách, khả năng nội tại DN yếu kém... Nhưng trong khi ngồi chờ đợi những thay đổi về hành lang pháp lý, cơ chế chính sách như suốt thời gian qua, các DNVVN nên chủ động thay đổi kỹ năng trong quản lý, kinh doanh, nhất là phải tạo cho mình sự chuyên nghiệp trong quản trị tài chính. “Có báo cáo tài chính đầy đủ, kèm kết quả đánh giá của kiểm toán cùng phương án kinh doanh khả thi thì chắc chắn khi tiếp cận vốn các NH khó có thể “lắc đầu”, bà Len cho biết. 

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.