Dự luật giá bỏ quên quyền lợi người tiêu dùng

07/06/2011 22:39 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều diễn giả tham gia hội thảo về Dự thảo Luật giá ngày 7.6, do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức. Các diễn giả đều kiến nghị luật này phải quan tâm hơn đến người tiêu dùng (NTD).

Chủ yếu đứng về phía người bán

TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội, cho rằng NTD là người có liên quan quyền lợi quan trọng nhất và cuối cùng trong các hoạt động về giá. Nguyên tắc quản lý, điều hành giá phải bảo vệ lợi ích hợp pháp của NTD, trong khi hầu như cả bộ luật không có quy định nào về nội dung này. Ông Phong đề nghị phải có những quy định liên quan đến quyền khiếu nại, tố cáo, cũng như quyền tiếp cận thông tin và đòi hỏi giải trình về giá của NTD đối với các hoạt động hình thành, thẩm định và quản lý giá của cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp (DN). “NTD phải có quyền trên, trước hết là đối với giá hàng hóa và dịch vụ thuộc diện Nhà nước định giá, bình ổn giá”, TS Phong nhấn mạnh.

 
Hiện có ý kiến đề xuất thành lập quỹ bình ổn giá vàng - Ảnh: A.V

Chia sẻ thêm quan điểm trên, theo TS Vũ Đình Ánh (Viện Nghiên cứu thị trường giá cả), toàn bộ nội dung luật nhằm thể chế hóa các vấn đề liên quan tới lĩnh vực giá, có sự tham gia của nhiều đối tượng khác nhau, nhưng dự thảo luật mới chỉ đứng về phía người bán, DN, cơ quan quản lý chứ chưa đứng về phía NTD. Vai trò, vị trí, quyền, nghĩa vụ của NTD như thế nào, ở đâu? TS Ánh dẫn giải: “Tôi muốn mua một ngôi nhà, tôi có quyền thuê DN thẩm định giá, đề nghị DN thẩm định xem ngôi nhà này giá bao nhiêu, chứ không phải thẩm định giá chỉ là của chủ sở hữu. Luật đang quên mất vai trò lớn của NTD”.        

Bỏ các quỹ bình ổn giá?

Cũng liên quan tới quyền lợi của NTD, nhiều chuyên gia phản biện rất mạnh mẽ về các giải pháp bình ổn giá và việc thành lập các quỹ bình ổn giá thời gian qua. Ngay về khái niệm bình ổn giá, theo TS Ánh, đã quá tù mù và không rõ ràng dẫn tới giải pháp này thời gian qua không hiệu quả. “Bình ổn giá theo tôi hiểu là giá không thay đổi, hoặc thay đổi rất ít. Nhưng tôi cũng có thể hiểu hàng hóa đang ở một mức giá cố định, được điều chỉnh nhảy vọt lên một mức cao hơn rồi giữ yên ổn một thời gian” - TS Ánh nói và dẫn ví dụ, thời gian qua giá điện điều chỉnh 15,28%, mức rất cao từ trước tới nay, thậm chí có đề xuất tăng tới hơn 50% như vậy có phải bình ổn không? Một số chuyên gia cho rằng, việc sử dụng sai quỹ xăng dầu của Petrolimex thì quyền lợi của NTD đối với các quỹ này như thế nào khi đã phải đóng 3.000 đồng/lít xăng... Ngoài ra, quỹ này cũng dễ dẫn tới nguy cơ tiêu diệt sự cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu. Theo ý kiến của Tổng công ty xăng dầu quân đội, việc lập quỹ hiện nay chưa giải quyết bình ổn giá. Trái lại còn tạo lợi thế cho các doanh nghiệp tích tụ một số vốn từ quỹ trên để giảm vốn vay. Từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh, dẫn đến độc quyền, tiêu diệt cạnh tranh trong kinh doanh xăng dầu...

Vừa rồi có ý kiến đề xuất lập ra quỹ bình ổn giá chứng khoán, rồi gần đây Bộ Công thương cũng tính lập ra quỹ dự trữ lưu thông. Tôi không hình dung được thị trường giá cả đi đến đâu nếu lập ra một loạt quỹ bình ổn như vậy

 

TS Vũ Đình Ánh, Viện Nghiên cứu thị trường giá cả

Theo TS Ánh, Quốc hội từng đặt ra vấn đề việc lập quỹ bình ổn giá là vi phạm pháp luật, trái với pháp lệnh giá khi không có điều khoản nào cho phép thành lập. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng không nên tiếp tục sử dụng quỹ bình ổn giá. “Vừa rồi có ý kiến đề xuất lập ra quỹ bình ổn giá chứng khoán, rồi gần đây Bộ Công thương cũng tính lập ra quỹ dự trữ lưu thông. Tôi không hình dung được thị trường giá cả đi đến đâu nếu lập ra một loạt quỹ bình ổn như vậy”, ông Ánh lo ngại.

Theo ông Đinh Sỹ Dũng - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) ở các nước, quỹ bình ổn giá do các hiệp hội, các nhà sản xuất, kinh doanh tự lập ra để can thiệp điều chỉnh, bảo vệ quyền lợi trước là DN, sau đó đến NTD, còn tại VN nhiều quỹ do Nhà nước bỏ tiền ngân sách ra để hỗ trợ. Ông Dũng băn khoăn về hiệu quả của quỹ bình ổn giá từ trước tới nay khi chưa có ai đánh giá, kết luận hiệu quả đến đâu. “Nếu không cẩn thận lại trở thành chỗ xin cho, không mang lại chút quyền lợi nào cho NTD”, ông Dũng nói.

Ở góc độ khác, một quan chức của Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) cho rằng, mục đích của quỹ bình ổn giá là khi nào khó khăn quá thì Nhà nước can thiệp để bình ổn. Xét cho cùng, đây chỉ là biện pháp tình thế, không giải quyết được vấn đề. Hiện nay cơ quan nào cũng muốn thành lập quỹ dẫn tới loạn quỹ, triệt tiêu tính cạnh tranh, không theo tính thị trường. Vì vậy theo lãnh đạo này, nên chăng để giá cả tự điều chỉnh theo thị trường, xem khả năng chịu đựng của người dân đến đâu để qua đó điều tiết.

Dự kiến tại kỳ họp thứ nhất QH khóa XIII (sẽ khai mạc ngày 21.7), Chính phủ trình và QH sẽ cho ý kiến về Dự thảo Luật giá.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.