Sán trong não người

16/07/2011 21:10 GMT+7

Ca phẫu thuật trục sán dài đến 23 cm trong não bệnh nhân một lần nữa khẳng định mối nguy hiểm khủng khiếp mà loài ký sinh này có thể gây cho vật chủ của chúng.

“Thường trú” trong não

Tờ Shanghai Daily vừa đưa tin các bác sĩ ở một bệnh viện Nam Kinh (Trung Quốc) đã lấy được một con sán xơ mít dài đến 23 cm trong não của một bệnh nhân nữ tên Lý Phương, 24 tuổi. Dương, chồng cô Lý, cho hay cô chịu đựng cơn động kinh đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái. Khi Dương đưa vợ nhập viện cấp cứu, bác sĩ nói rằng hình như có gì đó bất thường trong não cô này, nhưng chẳng xác định là cái gì. Sau khi ra viện, 6 tháng sau Lý lại lên cơn động kinh lần nữa. Và may mắn là lần này bản phim chụp cho thấy một vật lạ trong não, buộc các bác sĩ phải quyết định mổ khẩn cấp. Khi mở não, các phẫu thuật gia tá hỏa khi phát hiện vật hình cầu nằm đè lên dây thần kinh trong đầu của cô Lý được bao quanh bởi một con sán dài ngoằng, còn sống nguyên và quằn quại khi được lấy ra.

 

Rửa tay thật sạch trước khi ăn để tránh nhiễm giun sán - Ảnh: Shutterstock

Trước đó, vào năm 2008, các bác sĩ tại bang Arizona (Mỹ) cũng tiếp một ca đặc biệt. Sau khi bị tê tay, mắt mờ và phải ngồi xe lăn, bệnh nhân tên Rosemary Alvarez tại thành phố Phoenix quyết định đi khám, và kết quả chụp CAT hoàn toàn bình thường, theo website MyFOXPhoenix.com. Tuy nhiên, đến khi chuyển sang chụp MRI, bác sĩ nhận ra điều bất thường, và yêu cầu Alvarez nhập viện gấp để chuẩn bị mổ u não. Điều bất ngờ nhất là trong lúc chuẩn bị tinh thần mổ khối u, các bác sĩ lại phát hiện con sán đang ngọ nguậy bên trong não. Dù rất mừng vì phẫu thuật trục sán dễ dàng hơn tách khối u, nhưng những người có mặt bị sốc thực sự trước những gì họ chứng kiến. Đến nay Alvarez đã đi lại được bình thường và có thể tập luyện thể thao.

Nếu trong 2 trường hợp trên các “khổ chủ” không hề biết về “bạn đồng hành” ghê rợn đang tá túc bên trong não bộ của họ, thì cô Dawn Becerra ở Mỹ lại biết được mình đang chung sống với cái gì trên đầu. Sau nhiều lần bị co giật và sức khỏe sụt giảm, Becerra quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật để lấy con giun mà cô đặt tên là Tonya, lúc đó là vào năm 2001. Ca phẫu thuật kéo dài đến 6 giờ đồng hồ, và Becerra hoàn toàn tỉnh táo trong thời gian đó vì phần phẫu thuật nằm ở khu vực cực kỳ nhạy cảm và các bác sĩ muốn liên tục trao đổi với cô để biết được rằng họ đang đi đúng hướng. May mắn đã mỉm cười với cô gái.

Cần giữ vệ sinh triệt để

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giun sán chui vào não là nguyên nhân chính gây động kinh ở châu Phi, châu Á, và châu Mỹ La-tinh. Còn theo báo cáo của chuyên gia Andrea Manzo thuộc Viện Công nghệ California (Mỹ), não là khu vực “định cư” ưa thích của loài ký sinh này, do cấu trúc của nó ngăn chặn hầu hết sự xâm nhập của các tế bào của hệ miễn nhiễm, ít nhất trong thời kỳ đầu gây viêm nhiễm. Cùng với sự cung cấp đầy đủ oxygen và dưỡng chất, não là điểm cư trú quá lý tưởng cho họ hàng nhà giun. Làm sao giun sán chui vào đầu được? Chuyên gia Manzo lý giải rằng tùy thuộc vào chu kỳ sống của chúng khi xâm nhập cơ thể người. Nếu được nuốt vào trong lúc đang là trứng, chúng sẽ nở bên trong bao tử người, từ đó chui vào đường máu và dần dần luồn lách lên não bộ.

Thống kê của Bộ Y tế Việt Nam ước tính có khoảng 60 triệu người tại nước ta đang bị nhiễm giun, do điều kiện thời tiết cũng như tập quán ăn uống, sinh hoạt chưa đảm bảo vệ sinh. Theo các bác sĩ Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng T.Ư, để phòng bệnh do giun sán truyền qua đất thì biện pháp đơn giản và hiệu quả duy nhất là giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh ăn uống, nhất là đối với trẻ em. Cụ thể, mọi người dân cần duy trì thói quen rửa tay sạch trước khi ăn, cắt ngắn móng tay, lau dọn nhà cửa sạch sẽ; thức ăn cho trẻ phải luôn nấu chín; nước uống phải được đun sôi để nguội. Nếu cho trẻ ăn trái cây hoặc rau sống thì phải rửa nhiều lần dưới vòi nước đang chảy hoặc ngâm nước muối. Tẩy giun định kỳ mỗi 6 tháng/lần theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Tụ Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.