Bao cấp làm méo mó thị trường phân bón

15/12/2011 00:05 GMT+7

Tại hội thảo về vấn đề bao cấp và bình đẳng trong sản xuất phân bón do Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Bộ Tài chính, Hiệp hội Phân bón VN tổ chức ngày 13.12, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - cho biết nhà nước vẫn đang bao cấp giá những loại nguyên liệu đầu vào, ưu đãi thuế đối với sản xuất phân bón trong nước.

Tại hội thảo về vấn đề bao cấp và bình đẳng trong sản xuất phân bón do Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Bộ Tài chính, Hiệp hội Phân bón VN tổ chức ngày 13.12, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - cho biết nhà nước vẫn đang bao cấp giá những loại nguyên liệu đầu vào, ưu đãi thuế đối với sản xuất phân bón trong nước.

 

Việc trợ giá sản xuất phân bón vẫn không giúp ích được nông dân - ảnh: Q.T

Cụ thể, giá than bán cho sản xuất phân bón chỉ bằng khoảng 55% - 82% giá than (tùy loại) thị trường, giá khí bán cho sản xuất phân bón cũng thấp hơn khoảng 40% so với giá bán cho các khách hàng công nghiệp khác. Vì vậy, giá vốn phân bón sản xuất trong nước thấp hơn nhiều so với giá vốn phân bón nhập khẩu. Cụ thể giá đạm urê sản xuất dùng khí (chưa có VAT) là 4.348 đồng/kg, thấp hơn giá vốn nhập khẩu 57,7%; giá vốn đạm sản xuất dùng than 7.860 đồng/kg, thấp hơn giá vốn nhập khẩu 23,52%.

Mục đích của việc trợ giá nguyên liệu đầu vào là nhằm kiềm chế lạm phát, hỗ trợ chi phí cho nông dân. Tuy nhiên, thực tế thì giá phân bón đến tay người sử dụng luôn cao. Ông Thỏa phân tích: “Hậu quả của việc bao cấp nói trên đã làm méo mó hệ thống giá cả do chưa được tính đúng, tính đủ và cũng chưa thực hiện cơ chế thị trường, gây khó khăn cho việc cân đối tài chính của ngành cung ứng nguyên liệu đầu vào. Quan trọng hơn, việc trợ giá này đã tạo sự cạnh tranh không lành mạnh về giá trên thị trường, nhiều tầng nấc trung gian mọc lên để thu gom, đầu cơ phân bón, kinh doanh chênh lệch giá. Chỉ một số ít doanh nghiệp (DN) tổ chức được mạng lưới cung ứng phân bón đến tay người sản xuất, còn lại đa phần mạng lưới cung ứng đều chồng chéo, vòng vèo, thậm chí rối loạn không kiểm soát được nên đẩy chi phí lưu thông lên cao. Chính vì vậy nên thị trường phân bón luôn xảy ra những cơn sốt “nóng, lạnh” bất thường. Có những thời điểm không nhập được phân bón về do giá cao nhưng cũng có khi nhập về rồi lại xuất ngược ra ngoài, đó là những minh chứng rất cụ thể về sự hoạt động lộn xộn của thị trường”.

Kiểm soát khâu trung gian thay cho trợ giá là ý kiến của hầu hết các DN sản xuất phân bón hiện nay. Các DN muốn có một cơ chế cạnh tranh bình đẳng chứ không cần trợ giá. Hiệp hội Phân bón VN cũng kiến nghị cơ quan chức năng nên kiểm soát chặt hơn tình trạng phân bón giả, làm nhái và kém chất lượng. Nhất là gần đây thị trường phía Bắc rộ lên sản phẩm urê nước ngoài làm giả thương hiệu đạm Hà Bắc, bán với giá rẻ nhưng chất lượng rất kém, gây thiệt hại cho người sử dụng.

Quang Thuần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.