Để khỏi thất nghiệp: Tự tạo việc làm

09/08/2012 03:05 GMT+7

Trước khó khăn chung về việc làm, không ít bạn trẻ năng động đã tự tìm việc bằng nhiều cách để cứu mình, thậm chí cứu cả người khác khỏi thất nghiệp.

>> Để khỏi thất nghiệp

Quán xôi của "những chàng điên"

Neppy là tên quán xôi cuốn của những cựu sinh viên cùng độ tuổi 25: Chung Chí Công (Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2), Trần Hoàng Vũ (Trường ĐH Tôn Đức Thắng), Nguyễn Huỳnh Tuấn Anh (Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ) và Nguyễn Đức Quản (Trường ĐH Quốc tế TP.HCM).

 Quán xôi cuốn Neppy - điểm đến của nhiều khách hàng trẻ
Quán xôi cuốn Neppy - điểm đến của nhiều khách hàng trẻ - Ảnh: Như Lịch

Quán khá nhỏ, xinh xắn, nằm ở số 224 đường Quang Trung (P.10, Q.Gò Vấp, TP.HCM). Đến 9 - 10 giờ đêm, vẫn thấy có nhiều khách hàng ghé mua xôi. Tại đây, chúng tôi tình cờ gặp bà Nguyễn Thị Bình Phương, mẹ của bạn Chung Chí Công, từ Cà Mau lên TP.HCM thăm con và “thị sát” quán xôi. Bà Phương chép miệng nói: “Công là con trai duy nhất của gia đình tôi. Tôi làm bên ngành ngân hàng nên rất muốn con mình đi theo lĩnh vực này. Ai dè nó đã học đến thạc sĩ, từng làm việc cho những công ty có tiếng, nhận mức lương rất cao… lại rẽ hướng đi bán xôi, khiến ai cũng bất ngờ”.

Công vui vẻ tiếp lời mẹ: “Khi mở quán này, cả bốn đứa đều gặp sự phản đối kịch liệt từ người thân. Ai cũng bảo tụi mình bị điên và sớm muộn gì cũng gặp thất bại”. Công cho hay cả nhóm chưa từng có kinh nghiệm và không am hiểu về kinh doanh hàng quán. Mặt khác, số vốn của nhóm cũng có hạn, chủ yếu từ việc gom góp, dành dụm trong thời gian đi làm trước đó.

Trong quá trình học hỏi, thử nghiệm các món xôi, gần như ngày nào Công và các bạn cũng lùng sục khắp thành phố tìm những quán xôi ngon để… ăn. Anh chàng Công gan lì có mặt bên cạnh những gánh xôi chỉ bán từ nửa đêm trở về sáng. Đôi khi, để thưởng thức được miếng xôi mà thiên hạ đồn là rất ngon, Công phải chờ đợi vạ vật ngoài đường hơn 3 tiếng đồng hồ... Bù lại, những sản phẩm của quán Neppy thuộc dạng “khó đụng hàng”, bao gồm: 2 món xôi ngọt, 4 món xôi mặn, 2 món tráng miệng và 1 món giải khát là nước gạo lứt rang. Tất cả những món xôi trên đều không đựng trong hộp xốp gây hại cho sức khỏe. Thay vào đó là dùng trong bánh tráng cuốn kèm tờ giấy kiếng bọc ngoài cùng.

Không có tiền quảng cáo, những “ông chủ trẻ” đã tận dụng mạng xã hội để giới thiệu về Neppy. Sau hơn 3 tháng khai trương (từ ngày 21.4.2012), quán xôi ngày càng níu chân nhiều khách hàng. Một thành viên của Neppy tự hào thuật chuyện: Có những người khách nước ngoài trước khi về nước, đã chọn quán xôi này để chiêu đãi bạn bè lần cuối những món ăn họ xem là “đặc sản của Việt Nam”.

Đề cập vấn đề khởi nghiệp, đại diện quán Neppy nhìn nhận: “Nhiều người can ngăn chúng tôi không nên mở quán trong lúc tình hình kinh tế khó khăn. Thế nhưng, chúng tôi cho rằng nếu cái gì cũng chờ may mắn, thuận lợi cả thì khó nảy sinh những ý tưởng đột phá. Quan trọng nhất là có ước mơ và dám theo đuổi, dành toàn tâm toàn ý để biến ước mơ đó thành sự thực”. Theo kế hoạch của nhóm, cuối năm nay, một quán xôi Neppy sẽ xuất hiện ở trung tâm TP.HCM. Và trong định hướng 5 năm tới, sẽ có một chuỗi với 30 cửa hàng Neppy ra đời, trong đó có ít nhất một cửa hàng ở nước ngoài (dự kiến là Singapore)…

Các cô gái xoay việc

Tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại thương với bằng cử nhân loại khá ngành quản trị kinh doanh, nhưng Nguyễn Thị Thu Vân lại gặp khá nhiều trắc trở trên hành trình tìm việc. Theo học ở ngôi trường nổi tiếng có sinh viên năng động, Vân đi làm thêm từ năm học đầu tiên. Ngoài giảng đường, bạn từng trải qua vị trí nhân viên bán hàng, cộng tác viên làm việc bán thời gian. Vân lên kế hoạch và cùng bạn bè thực hiện ý tưởng kinh doanh như bán hoa tươi, nhận làm thiệp và phong bì lì xì handmade…


Nhiều sinh viên mở quán nước mưu sinh khi ra trường không có việc làm - Ảnh: P.Hậu

Gần 3 tháng thất nghiệp, Vân tìm mọi cách để có việc làm và thu nhập trang trải cuộc sống. Chưa có vốn mở cửa hàng, Vân tìm hiểu các mạng xã hội có đông cánh chị em văn phòng ra vào truy cập để giới thiệu. Sản phẩm giới thiệu cho khách hàng ngoài mẫu mã trẻ trung năng động còn có mức giá cạnh tranh, được nhiều người lựa chọn. “Để tìm công việc yêu thích, phù hợp với chuyên ngành đào tạo tại các doanh nghiệp là chuyện không đơn giản. Thế nên thời gian này em muốn thử sức với dự án kinh doanh của cá nhân để vừa có thu nhập vừa bổ sung kiến thức cho chuyên ngành đã học”, Vân nói.

Còn Nguyễn Thùy Linh, cựu sinh viên chuyên ngành tiếng Anh Trường ĐH Phương Đông xin làm nhân viên bán giày dép tại một cửa hàng trên khu phố cổ. Chi tiêu dè xẻn, mức lương chỉ tạm đủ cho cuộc sống hằng ngày. Bù lại, Linh có cơ hội rèn luyện kỹ năng từ công việc giao tiếp với khách hàng.

Cũng từ cửa hàng này, Linh tiếp cận thêm công việc mới, viết tin ngắn truyền thông cho sản phẩm máy lọc nước trên Facebook. Sẵn có kỹ năng sử dụng mạng xã hội, chỉ trong một tuần trang trí giao diện, thay đổi cách truyền thông, Facebook có thêm gần 500 thành viên truy cập kết bạn, thường xuyên hỏi thông tin sản phẩm. Dù chưa hết thời hạn thử việc, giám đốc công ty đã đích thân mời Linh ký hợp đồng với thù lao 3 triệu đồng/tháng. Chia tay công việc bán giày, vừa làm truyền thông trên Facebook, Linh tiếp tục làm cộng tác viên biên dịch tin, bài về y học trên báo nước ngoài cho tạp chí về y học trong nước. Với kỹ năng, kinh nghiệm tích lũy từ công việc biên dịch, hiện tại Linh đứng trước cơ hội được nhận vào vị trí biên dịch viên tại một nhà xuất bản uy tín ở Việt Nam.

Cũng rơi vào tình trạng thất nghiệp cả năm nay, Trần Thị An, cựu sinh viên Trường CĐ Thương mại và Du lịch Hà Nội quyết định chấm dứt những ngày tháng long đong tìm kiếm việc làm vả trở về mở quán bán nước trà trước cổng trường bạn từng theo học. An chọn mở quán vì số vốn đầu tư không quá lớn. Nước trà là thức uống bình dân và phổ biến với giới học sinh, sinh viên dễ bán lại dễ sinh lời.

An cho biết bán nước trà cũng là công việc nhọc nhằn nhưng bù lại có thu nhập đều đặn. Chuẩn bị mở hàng từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm, hằng ngày An và mấy người bạn cùng quê chia nhau làm mọi việc, từ đun nước pha trà, rửa cốc chén, mua thêm hoa quả, đồ ăn vặt bán kèm để gia tăng lợi nhuận. “Thu nhập từ quán trà bây giờ khá, nhưng với mình đây không phải là công việc lâu dài. Vừa bán nước mình sẽ tranh thủ học liên thông lên đại học, học thêm ngoại ngữ tìm công việc ổn định lâu dài”, An nói.

Phan Hậu

Ý kiến

Sẽ có ngày bạn “đứng bằng hai chân”

Tự tạo việc làm trong thời buổi khó khăn kinh tế, là dịp cọ sát với xã hội, tích lũy thêm kinh nghiệm sống. Nếu nhìn thị trường việc làm hiện nay giống như một chiếc xe buýt đang đầy khách. Trên chuyến xe ấy, bạn chỉ cần có chỗ ghé chân thôi đã là tốt rồi. Nghĩa là chấp nhận làm mọi việc miễn là có thu nhập chính đáng. Trên lộ trình xe buýt, phải có người lên người xuống, lúc ấy khoảng trống trên xe sẽ là cơ hội. Nếu chứng tỏ năng lực trong công việc, từ chỗ chỉ đứng một chân, sẽ có ngày bạn đứng bằng hai chân, thậm chí có chỗ ngồi tốt ngay trên xe buýt.

Tiến sĩ Nguyễn Lê Minh
(Nguyên Phó trưởng ban Chương trình quốc gia về việc làm)

Lập nghiệp theo nhóm

Theo tôi, trong thời điểm hiện nay, nếu các bạn trẻ muốn lập nghiệp thì nên theo nhóm. Bởi, lúc đó, vấn đề của bạn sẽ có nhiều cái đầu cùng suy nghĩ, cùng chia sẻ rủi ro nếu gặp phải. Người khởi nghiệp phải "bắt mạch" đúng nhu cầu xã hội đang cần điều gì để có thể chọn ngành nghề kinh doanh phù hợp.

Nguyễn Quang Kỳ
(Giám đốc điều hành Công ty Maxlink)

Như Lịch - Phan Hậu (ghi)

Như Lịch

>> Lao động không nhận được tiền hỗ trợ thất nghiệp
>> Quá tải đăng ký trợ cấp thất nghiệp
>> Thêm một điểm tiếp nhận đăng ký trợ cấp thất nghiệp
>> Người thất nghiệp thờ ơ học nghề
>> “Đại gia” cũng nhận trợ cấp thất nghiệp
>> Lỗ hổng từ thất nghiệp “ảo”
>> Thất nghiệp nhiều ở độ tuổi từ 15 đến 24
>> Trợ cấp thất nghiệp: Khó bảo đảm chi đúng đối tượng
>> Xếp hàng “xin” bảo hiểm thất nghiệp
>> Thất nghiệp dễ chết sớm
>> Công việc không hợp còn hại hơn thất nghiệp
>> Giải quyết trợ cấp thất nghiệp như ban ơn
>> Lối ra cho người thất nghiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.