“Fan cuồng” dựng tượng Steve Jobs ở Hà Nội

05/10/2012 15:00 GMT+7

(TNO) Một triển lãm mỹ thuật mang tên “Tư duy khác biệt”, lấy cảm hứng từ cuộc đời và sự nghiệp của thiên tài công nghệ thông tin người Mỹ Steve Jobs, đã diễn ra sáng nay 5.10, tại Thư viện Quốc gia (31 Tràng Thi, Hà Nội).

Đây là hoạt động tưởng niệm 1 năm ngày Steve Jobs qua đời (5.10.2011 - 5.10.2012).

Triển lãm giới thiệu 21 tác phẩm hội họa sơn dầu và 1 tác phẩm điêu khắc, được sáng tác bởi sự kết hợp của họa sĩ Bùi Văn Khoa (SN 1945), nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ (SN 1940) và TS Nguyễn Đức Tiến (SN 1974).

TS Nguyễn Đức Tiến, một trong những tác giả của sự kiện này là người làm việc trong lĩnh vực tài chính. Ông Tiến cũng cho biết mình là một người rất đam mê và ngưỡng mộ Steve Jobs.

Ông Tiến cho biết các tác phẩm nghệ thuật được cho ra mắt công chúng sau gần một năm phối hợp thực hiện giữa ông cùng họa sĩ Bùi Văn Khoa và nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ.

Các tác phẩm đã tái hiện và cập nhật toàn bộ những di sản Steve Jobs cùng Apple để lại cho thế giới ngày nay, trong giai đoạn 35 năm (1977 - 2012) phát triển công nghệ thông tin của nước Mỹ. Với 7 cột mốc là 7 cuộc cách mạng công nghiệp do Steve Jobs và Apple tạo ra trên toàn cầu như: cuộc cách mạng sản xuất máy tính cá nhân, cuộc cách mạng công nghiệp âm nhạc, cuộc cách mạng trong công nghiệp hoạt hình…

Qua triển lãm, các tác giả muốn gửi gắm những thông điệp tới công chúng đó là: Muốn tạo thêm một sự ghi nhận đích thực dành cho Steve Jobs vì những đóng góp của ông cho thế giới; muốn truyền tải tới các thanh niên phải sớm tự trang bị cho mình những kỹ năng nghề nghiệp, để có thể sáng tạo những sản phẩm được cộng đồng đón nhận và sự kiện này hòa thêm vào dòng chảy của văn hóa Việt đang trên đường lan tỏa ra thế giới...

Triển lãm diễn ra tại Thư viện Quốc gia đến ngày 7.10 và sau đó sẽ tục được triển lãm lưu động đến hết ngày 31.12.2012.


Bức tượng chân dung của Steve Jobs cao 2,75 m bằng chất liệu composite và thép - Ảnh: Trường Sơn


Tác phẩm "Nhân bản" (trái) và "Chiếc hộp màu xanh" (phải) - Ảnh: Trường Sơn


Tác phẩm “Hy vọng” thể hiện sự giản dị của Steve Jobs với tư cách là một ông bố tỉ phú. Steve nói ông luôn cầu xin Chúa cho ông được sống đến ngày con trai ông tốt nghiệp phổ thông trung học. Mong ước của ông đã được toại nguyện. Ngày con trai ông tốt nghiệp Steve chỉ tặng con một trong hai chiếc xe đạp cũ của mình và tưởng tượng sau khi ông mất con trai ông sẽ là một bác sĩ hằng ngày đạp xe đi làm tại thung lũng Silicon - Ảnh: Trường Sơn


Tác phẩm "Bạo chúa" (trái, mang thông điệp với trí tuệ siêu việt, sự lao động kiệt xuất, khả năng tập hợp, lãnh đạo, thúc đẩy đội nghũ sáng tạo cống hiến đến cực điểm đã mở ra những cánh cửa mới cho thế giới với 7 cuộc cách mạng công nghiệp) và tác phẩm "Sự tinh khiết" (phải, thể hiện các thiết kế của Apple mang đậm dấu ấn tư tưởng thiền của Steve Jobs) - Ảnh: Trường Sơn


Điều thú vị là tại triển lãm rất nhiều tín đồ công nghệ của Apple đã dùng các sản phẩm của Apple để ghi lại những hình ảnh về sự kiện này. Từ iPhone... - Ảnh Trường Sơn


... đến iPad - Ảnh Trường Sơn


Tác phẩm "Làn sóng thứ nhất" mang thông điệp tôn vinh “Phù thủy công nghệ” Steve Jobs đã tạo ra cuộc cách mạng thay đổi ngành công nghiệp âm nhạc thế giới bằng 2 công cụ là máy nghe nhạc iPod và kho nhạc số iTunes vào 2001 - Ảnh: Trường Sơn


Tác phẩm "Người Tiên phong" (phải) với thông điệp Steve Jobs là một trong những người đi đầu trong trong cuộc cách mạng công nghiệp về thiết kế kiểu dáng máy tính và tác phẩm "Những nghệ sĩ" (trái) với mang ý nghĩa tôn vinh những sáng tạo của Steve Jobs đã tạo ra cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp phim hoạt họa toàn cầu - Ảnh: Trường Sơn


Một khán giả bên tác phẩm "Tầm nhìn" thể hiện triết lý kinh doanh, tầm nhìn của Steve là phải tạo ra những sản phẩm khác biệt cho đa số bình dân, thân thiện như những trái táo. Steve đã làm theo một câu nói của thần tượng của mình là nhà khoa học Alan Kay: “Cách tốt nhất để tạo ra tương lai là hãy tự tạo ra nó” - Ảnh: Trường Sơn


Triển lãm đã thu hút đông đảo công chúng thủ đô
 - Ảnh: Trường Sơn

Trường Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.