Sống cùng Hoàng Sa, Trường Sa

25/06/2013 10:07 GMT+7

Chỉ xem là một thú vui lúc nhàn rỗi, nhưng những tác phẩm gỗ mà lão ngư Lê Bải (66 tuổi, ở thị trấn Sơn Tịnh, H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) chế tác lại khiến người xem trầm trồ về độ tỉ mỉ, kỳ công của nó.

Sống cùng Hoàng Sa, Trường Sa

Ông Lê Bải bên sản phẩm đội thuyền Hoàng Sa, Trường Sa - Ảnh: Minh Úc

Hiện nay tại nhà ông Bải có hơn 50 tác phẩm gỗ do chính ông chế tác. Các tác phẩm không theo một xu hướng điêu khắc nào, được sáng tạo một cách ngẫu hứng theo đủ loại chủ đề từ tàu thuyền, cây cảnh, rừng núi đến rất nhiều loài sinh vật như: rồng, phượng, đại bàng, rắn, sư tử, cọp, cá, chim, cò… Ngay cả bộ bàn ghế gỗ sạm màu dành để tiếp khách trước nhà cũng được khắc vẽ hình tượng núi Ấn sông Trà và phóng tích theo những địa danh, dấu mốc lịch sử của vùng đất Quảng Ngãi như: La Hà thạch trận, Cổ Lũy cô thôn, Thiên Ấn niêm hà, Thiên Bút phê vân…

Chất liệu gỗ ông Bải sử dụng đa phần là gỗ mít hoặc gỗ lõi mua được của hàng xóm, có khi ông chèo thuyền trên dòng sông Trà vào mùa nước dâng vô tình nhặt được vài mảnh gỗ trôi. “Thỉnh thoảng tui may mắn vớ được khúc rễ đẹp”, ông Bải cười. Mang những khúc rễ đó về, ông Bải tút tát lại, đục đẽo theo ý tưởng của mình, có bộ ông đặt 2 con cò lớn, 2 con cò bé với mỗi tư thế ở các góc, thoạt nhìn như bức tranh thủy mặc sinh động nhưng sẽ bật cười thú vị khi nghe cái tên rất “thời sự”: vợ chồng chỉ có 2 con.

Nhưng có lẽ điều đặc biệt nhất, cũng là sản phẩm ông Bải ưng ý nhất đó là đội thuyền Hoàng Sa, Trường Sa. Ông tâm sự: “Từ đời ông bà mình đã gắn bó với ghe thuyền rồi, tui làm cái này để cho con cháu nhớ thời xưa”. Đây cũng là sản phẩm ông bán chạy nhất. Nhiều gia đình có gốc gác đi biển nhưng chuyển lên Tây nguyên sống đã lâu, khi về quê tìm đến nhà ông để mua đội thuyền này. “Trước là để đỡ nhớ biển chứ lên núi rồi đâu còn ghe thuyền gì nữa, sau là để đời con cháu biết cha mẹ nó từng sống bằng nghề gì”, ông Bải nhắc lại tâm sự của khách hàng.

Không chỉ khách xa, những ngư dân trẻ trong làng đều thích thú với đội thuyền của ông. Có người đến tìm mua, có người chỉ đến uống trà đàm đạo chuyện ghe thuyền ra Hoàng Sa, Trường Sa với ông Bải. Do đây là công việc tranh thủ nên chỉ những lúc nhàn rỗi ông Bải mới bắt tay vào đục gõ, nhanh thì 1 tuần xong 1 chiếc thuyền, chậm có khi kéo dài cả tháng. Ông nói: “Khách hàng chủ yếu là dân đi biển nên nhìn tướng con thuyền rất kỹ, lườn phải thẳng, đều, màu sơn, cánh buồm phải giống như thật. Cái này mình tự làm thôi, không học mà cũng chẳng ai dạy cho”.

Ngoài đội thuyền Hoàng Sa, Trường Sa, ông Bải còn làm nhiều dạng ghe, thuyền lớn nhỏ, mô hình sóng biển, ghềnh đá để trưng trong nhà. “Trong nhà có mô hình đội thuyền ngư dân hoành tráng tiến ra Hoàng Sa, Trường Sa cũng thấy sướng lắm, cảm giác như mình đang sống ngoài khơi vậy”, lão ngư Lê Bải cười sảng khoái.

Minh Úc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.