Trung Quốc đã từ bỏ 'chiến lược kiềm chế' ở biển Đông

15/11/2014 13:45 GMT+7

(TNO) Chính quyền Trung Quốc, dưới thời lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, đã không còn áp dụng “chiến lược kiềm chế” trên biển Đông, theo nhận định của một nhà nghiên cứu ở Đài Loan.


Trung Quốc ngang ngược đưa tàu và giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển của Việt Nam hồi tháng 5.2014 và rút đi vào tháng 7.2014 - Ảnh: Độc Lập

Trong một hội thảo tại thành phố Đài Bắc (Đài Loan) ngày 14.11, ông Lin Cheng-yi, một nhà nghiên cứu thuộc Academia Sinica (Viện Nghiên cứu Trung ương trụ sở ở Đài Loan), cho biết kể từ đầu năm 2014 Trung Quốc tăng cường các hoạt động nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của nước này nuốt trọn gần cả biển Đông, theo trang tin Want China Times (Đài Loan) ngày 15.11.

Việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động xây dựng nhằm biến các bãi đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trở thành những đảo nhân tạo cho thấy Bắc Kinh đã từ bỏ “chiến lược kiềm chế” ở biển Đông từng áp dụng trước đây, theo ông Li.

Học giả Song Yann-huei thuộc Academia Sinica cho rằng các chiến lược mới của Trung Quốc bao gồm phản đối quốc tế hóa tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông, phản đối các quốc gia bên ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, và Úc can dự vào vấn đề biển Đông.

Trong khi phản đối quốc tế hóa vấn đề biển Đông, Trung Quốc cùng lúc lên tiếng khẳng định giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua đối thoại trực tiếp giữa các bên có liên quan, theo ông Song.

Mặt khác, Bắc Kinh đã nỗ lực đẩy mạnh “chính sách sách ngoại giao biển Đông” bằng cách phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược với các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN trong tuần này, ông Song cho biết thêm.

Ông Song nhận định việc xây dựng các đảo nhân tạo và đặt căn cứ quân sự trên đó sẽ giúp Bắc Kinh tăng cường hiện diện quân sự ở biển Đông.

Nguy cơ xung đột gia tăng vì những hành động của Trung Quốc thời gian qua, tạo ra một thách thức lớn cho việc duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông, theo ông Lin.

Không chỉ có tranh chấp lãnh thổ với các nước Đông Nam Á ở biển Đông, Trung Quốc cũng có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.

Trong bài phát biểu tại Đại học Queensland (thành phố Brisbane, Úc) ngày 15.11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng cảnh báo tranh chấp lãnh thổ tại những các quần đảo ở châu Á có thể dẫn đến xung đột, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc phải “tuân thủ luật pháp quốc tế về thương mại và biển giống như các quốc gia khác”.

Một trật tự an ninh hiệu quả cho châu Á phải dựa trên sự liên minh chứ không phải dựa trên sự áp bức, hăm dọa, hay “nước lớn ăn hiếp nước bé”, ông Obama - đang ở Úc để tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 - ám chỉ Trung Quốc.

Phúc Duy

>> Quan chức Đài Loan thị sát cơ sở quân sự trái phép ở Trường Sa
>> Trung Quốc âm mưu đưa ụ nổi xuống Hoàng Sa, Trường Sa
>> Hành khách phản ánh clip của Vietnam Airlines không có Trường Sa, Hoàng Sa
>> Tặng 5 máy ấp trứng gà, vịt cho Trường Sa
>> Mọi hoạt động của Trung Quốc tại Trường Sa là bất hợp pháp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.