PCCC ở những ngôi nhà ống 'sâu hun hút': 'Người ta ở chung cư mới sợ'

Phan Diệp
Phan Diệp
24/09/2023 12:12 GMT+7

Nhiều hộ gia đình sống trong những căn nhà ống, hẻm sâu thuộc khu dân cư đông đúc ở TP.HCM cho biết, sau vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội họ cảm thấy lo sợ, song vẫn chưa có hành động phòng cháy gì cụ thể vì nghĩ "nếu có cháy thì chạy ra đường".

"Giặc lửa thì ai chả sợ, nhưng mình ở dưới thấp..."

Sau vụ cháy làm 56 người thiệt mạng tại một "chung cư mini" ở Hà Nội, nhiều người dân ở TP.HCM bàng hoàng, bày tỏ sự tiếc thương.

"Hôm nào tui cũng coi tin tức về vụ cháy, quá thương tâm", bà N.T.H (80 tuổi) sống trong con hẻm trên đường Đoàn Văn Bơ, Q.4 chia sẻ. Nhà bà H. được xây dựng trên phần đất hẹp, chỉ hơn 3m ngang nhưng chiều dài thì "sâu hun hút" với hơn 20m, 3 mặt bịt kín bởi nhà hàng xóm. Lối ra vào nhà duy nhất là mặt tiền nhà mà con gái bà tận dụng để xe nước mía bán.

Khi được hỏi về việc PCCC trong căn nhà của mình, bà H. cho biết: "Giặc lửa thì ai chả sợ, nhưng mình ở dưới thấp, có cháy thì chạy ra đường thôi. Người ta ở chung cư mới sợ".

Từ trước đến nay, nhà bà chưa bao giờ sắm sửa bất cứ thiết bị PCCC nào.

Sống trong nhà ống thuộc khu dân cư đông: 'Sợ cháy nhưng vẫn chủ quan' - Ảnh 1.

Nhà ống là một dạng nhà phố phổ biến tại các đô thị lớn.

Phan Diệp

Cách nhà bà H. không xa là nơi đặt thiết bị PCCC và còi báo động. Người dân trong con hẻm thuộc P.13, Q.4 này cho biết, thiết bị được đại diện tổ dân phố đi đến từng nhà vận động kinh phí để lắp đặt gần nửa năm nay. Mọi người nói, tuy trong khu vực nhà mình sinh sống chưa từng xảy ra vụ cháy nào, song đó là một cách để phòng khi có hỏa hoạn nên mọi người ai cũng đồng tình.

Mặc dù khen việc làm của lãnh đạo khu phố và cho rằng việc PCCC là quan trọng, nhưng theo khảo sát của phóng viên Thanh Niên, nhiều hộ dân sống trong những căn nhà ống, hẻm sâu, hẹp ở khu vực này không sắm thiết bị PCCC cho gia đình mình.

Sống trong nhà ống thuộc khu dân cư đông: 'Sợ cháy nhưng vẫn chủ quan' - Ảnh 2.

Hệ thống PCCC công cộng đặt ở các tổ dân cư thuộc P.13, Q.4, TP.HCM

Phan Diệp

Đó cũng là suy nghĩ của bà P.T.T (70 tuổi ở đường Bùi Minh Trực, Q.8). Nhà của bà T. là điển hình cho một căn nhà ống giữa đô thị, với chiều dài nhà gần 30m được chừa lối đi đủ 2 người tránh nhau, bên cạnh lần lượt là phòng khách, tiếp đến các phòng ngủ và tuốt sau cùng là nhà vệ sinh, nhà bếp.

Qua năm tháng, người dân hai bên và phía sau xây nhà cao nên càng vào sâu bên trong nhà càng thiếu ánh sáng, bà T. phải bật đèn cả ngày. Trong khi đó, hệ thống điện lộ thiên, cũ kỹ từ ngày xây nhà từ hơn 20 năm trước thiếu an toàn về PCCC.

Dù thế, gia đình 3 thế hệ của bà T. với 8 người sống chung chưa bao giờ nghĩ đến việc mua thiết bị PCCC cũng như thay hệ thống điện an toàn hơn.

Sống trong nhà ống thuộc khu dân cư đông: 'Sợ cháy nhưng vẫn chủ quan' - Ảnh 3.

Căn nhà ống với lối đi hẹp của gia đình bà P.T.T trên đường Bùi Minh Trực, Q.8.

Phan Diệp

Ý thức PCCC của người dân dưới góc nhìn kiến trúc sư

Kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền, Tổng Giám đốc công ty TNHH Kiến trúc – Xây dựng – Đào tạo Cát Mộc cho biết trong quá trình thiết kế nhà ở tư nhân, trong đó có dạng nhà ống phổ biến tại các đô thị lớn, hiếm có chủ đầu nào tư đặt vấn đề: Làm sao thoát nạn khi có cháy? Thậm chí, nhiều chủ đầu tư còn đề nghị ngược lại, tức là khai thác tối đa các khoảng trống trong giấy phép xây dựng, tăng diện tích sử dụng cho ngôi nhà.

"Tuy nhiên, chúng tôi luôn tư vấn và thiết kế đúng quy chuẩn PCCC. Còn sau khi bàn giao, việc chủ đầu tư cơi nới, thay đổi kết cấu công trình thì đành bó tay", KTS Truyền nói.

Sống trong nhà ống thuộc khu dân cư đông: 'Sợ cháy nhưng vẫn chủ quan' - Ảnh 4.

Cháy xảy ra ở nơi nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trong tháng 8.2023 trên cả nước có 16/218 vụ (chiếm 7,3%).

Phan Diệp

Lý giải nguyên nhân, ngoài chuyện ý thức PCCC của nhiều người dân chưa cao, còn có một lý do khách quan đó là, giá đất ở các thành phố lớn đắt đỏ, khi làm nhà, người dân phải "chắt chiu". Do vậy, khi đề xuất chừa mật độ xây dựng hay làm lối thoát hiểm, chủ đầu tư ít khi đồng tình. Họ thường đề nghị "KTS nghiên cứu làm sao càng nhiều diện tích sử dụng càng tốt".

KTS Truyền cho biết, thường nhà dân chủ yếu xây 4-5 tầng đổ lại và ít đề cập đến yêu cầu PCCC như thoát hiểm. Rồi hết sau khi làm nhà người dân chủ động bịt kín lại như "chuồng cọp" để chống trộm. Chưa kể tận dụng mặt tiền đặt bảng hiệu, kết hợp cho thuê, kinh doanh... Vậy là chức năng thoát hiểm không còn.

Sống trong nhà ống thuộc khu dân cư đông: 'Sợ cháy nhưng vẫn chủ quan' - Ảnh 5.

Phía sau của một căn nhà phố được chủ nhà bịt kín kiểu"chuồng cọp".

Kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền

Điều quan trọng thứ hai mà KTS Truyền muốn nhấn mạnh trong ý thức PCCC của người dân đó là việc người dân còn sử dụng hệ thống điện tạm bợ, thiết bị điện không đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, nguyên nhân gây cháy hầu hết là do chập điện. Những nhà dân tự xây hoặc giao thầu giá rẻ thường làm "kết cấu thiếu một chút, tiết diện dây điện nhỏ một chút... Đôi khi vì cái "một chút" đó mà gây nên thảm họa.

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát PCCC & CNCH về tình cháy, nổ, trong tháng 8.2023 cả nước xảy ra 218 vụ cháy. Cháy tại thành thị có 147 vụ (chiếm 67,5%), nông thôn 71 vụ (chiếm 32,5%). Cháy vẫn tập trung tại khu vực nhà dân, khu dân cư nhưng chủ yếu là các vụ cháy nhỏ. Số vụ cháy xảy ra tại nhà dân 59 vụ (chiếm 27,1%). Trong đó, nguyên nhân các vụ cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện có 75 vụ (chiếm đến 49,3%).

Sống trong nhà ống thuộc khu dân cư đông: 'Sợ cháy nhưng vẫn chủ quan' - Ảnh 6.

Căn nhà ống với bề ngang chỉ hơn 1m cùng hệ thống điện cũ kỹ trong một con hẻm thuộc đường Vĩnh Viễn, Q.10.

Phan Diệp

KTS Truyền chia sẻ, để đảm bảo an toàn tính mạng người thân và gia đình khi có hỏa hoạn, đặc biệt với người dân sống ở trong những ngôi nhà ống phải tuân thủ quy định PCCC, kiểm tra định kỳ các thiết bị, hệ thống điện. Quan tâm đầu tư sử dụng những thiết bị điện thông minh.

"Ở thời buổi công nghệ, ai cũng có trong tay chiếc điện thoại thông minh, có thể kết nối với những thiết bị điện thông minh ở nhà. Ứng dụng sẽ báo khi có cảnh báo sự cố về điện để người dân kịp thời phát hiện trước khi hỏa hoạn xảy ra", KTS Truyền chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.