Phá đường dây lừa đưa lao động Việt Nam qua Campuchia gây án

18/02/2023 05:56 GMT+7

Theo điều tra ban đầu, từ tháng 3.2022, 2 đối tượng người Trung Quốc đến Campuchia thành lập công ty trá hình, rồi thông qua mạng xã hội, tuyển dụng gần 100 nhân viên ở Việt Nam sang Campuchia làm việc.

Ngày 17.2, Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an cho biết vừa ra quyết định khởi tố 23 bị can, trong đó bắt tạm giam 22 bị can và 1 bị can cho tại ngoại do đang mang thai, để điều tra làm rõ về "hành vi lừa chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng".

Theo điều tra ban đầu, từ tháng 3.2022, 2 đối tượng người Trung Quốc đến Campuchia thành lập công ty trá hình, rồi thông qua mạng xã hội, tuyển dụng gần 100 nhân viên ở Việt Nam sang Campuchia làm việc.

Các nhân viên được chia theo nhóm để phối hợp. Nhóm telesale có khoảng 20 đối tượng (do Dương Hoàng Tiểu Băng, 21 tuổi, ngụ Tây Ninh làm quản lý), có nhiệm vụ gọi điện, nhắn tin qua Facebook... để dụ dỗ, lôi kéo bị hại tham gia làm việc và được trả công từ 100.000 - 300.000 đồng/ngày.

Khi có người đồng ý, thì chuyển thông tin (số điện thoại, tài khoản Facebook) cho nhóm sale. Nhóm sale có khoảng 80 đối tượng được chia thành 3 nhóm (mỗi nhóm chia thành nhiều tổ; mỗi tổ có 3 nhân viên được giao quản lý 1 máy tính và điện thoại gọi là máy 1 - 2 - 3) do Nguyễn Hoàng Sang (22 tuổi, ngụ Tây Ninh), Phan Trung (27 tuổi, ngụ Đà Nẵng) và Lê Trường Thịnh (26 tuổi, ngụ Tây Ninh) làm các nhóm trưởng, cùng nhau quản lý.

Phá đường dây lừa đưa lao động Việt Nam qua Campuchia gây án  - Ảnh 1.

Một số đối tượng trong đường dây lừa đảo qua mạng bị bắt giữ tại Công an tỉnh Tây Ninh

NGỌC HÀ

Hằng ngày, Trung, Sang và Thịnh trực tiếp giao việc cho các nhân viên thực hiện nhiệm vụ lừa đảo. Cụ thể, khi nhân viên máy 1 tiếp nhận thông tin bị hại từ nhóm telesale chuyển sang, thì gọi điện, nhắn tin qua Facebook dụ dỗ tham gia theo dõi, thả tim TikTok, Facebook, nghe nhạc MP3 sẽ được trả tiền.

Khi bị hại đồng ý tham gia thì chuyển thông tin cho nhân viên máy 2. Nhân viên máy 2 hướng dẫn thực hiện các thao tác trên thì được trả công từ 10.000 - 50.000 đồng/lần. Sau khi chuyển tiền để lấy niềm tin, các đối tượng bắt đầu dụ dỗ bị hại làm cộng tác viên làm việc online trên mạng internet; chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng để đặt mua đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử (giả mạo Shopee, Lazada…); lập tài khoản trên trang website Corona đặt cược đánh bạc tài/xỉu để được hưởng hoa hồng (từ 30 - 60%); đầu tư tài chính… Khi bị hại đồng ý, các đối tượng sẽ gửi qua Telegram cho một hợp đồng của Công ty tài chính TNHH MB SHINSEL cam kết bảo hiểm an toàn 100% vốn. Sau đó, hướng dẫn bị hại liên hệ qua Telegram gặp chuyên gia là nhân viên máy 3.

Nhân viên máy 3 hướng dẫn chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng để có điểm trong tài khoản đã lập trên website Corona (1 điểm bằng 1.000 đồng). Ban đầu bị hại chuyển số tiền nhỏ để đặt cược hoặc đầu tư tài chính thì được các đối tượng trả tiền hoa hồng qua tài khoản ngân hàng. Khi bị hại chuyển số tiền lớn và yêu cầu rút tiền thì các đối tượng tìm cách trì hoãn, đồng thời yêu cầu tiếp tục nộp thêm tiền để xác minh tài khoản. Khi bị hại không còn khả năng nộp thêm tiền thì bọn chúng chặn liên lạc, khóa tài khoản của bị hại.

Qua kiểm tra sao kê chỉ 4 tài khoản ngân hàng mà các đối tượng sử dụng nhận tiền lừa đảo, xác định đã chiếm đoạt trên 22,1 tỉ đồng, trong đó có trên 900 triệu đồng của 5 bị hại mà cơ quan công an đã xác định được danh tính.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.