Theo phản ánh của Nguyễn Thị Vân, ngụ ở phường Ninh Xá, TP Bắc Ninh, năm 2007 bà cho Đặng Trần Đức, sĩ quan nghiệp vụ thuộc Công an TP Bắc Ninh, vay 50 triệu đồng để làm nhà. Lúc vay, nể Đức là bạn của con rể và để lại giấy chứng nhận Công an nhân dân (CAND) nên bà Vân yên tâm. Tuy nhiên đến hạn trả tiền thì Đức khất lần rồi sau đó mất hút, bà Vân tìm đến cơ quan thì được biết Đức đã làm đơn xin ra khỏi ngành và hiện đi đâu không rõ.
Tương tự, anh P.V.D, ngụ tại phường Thị Cầu, TP Bắc Ninh cũng cho biết đã cho Đặng Trần Đức vay 180 triệu đồng và lúc vay Đức cũng để lại một giấy chứng nhận CAND để làm tin. Đến hạn trả nợ, anh D. tìm Đức để đòi thì mới biết người này đã ra khỏi ngành. Ngoài ra, anh D. cũng đã cho Vũ Thanh Tùng (SN 1980), cán bộ thuộc Đội cảnh sát 113 - Công an tỉnh Bắc Ninh vay 100 triệu đồng, khi vay có để lại giấy chứng nhận CAND nhưng sau 2 năm, anh D. vẫn không đòi được tiền vì Tùng đã đột ngột rời khỏi ngành.
Giấy vay tiền và thẻ công an của Đặng Trần Đức |
Một người dân khác (xin giấu tên) cũng cho Đặng Trần Đức vay 380 triệu đồng. Ngoài ra, một chiến sĩ khác tên V.H, công tác tại công an một phường thuộc TP Bắc Ninh cũng viết giấy vay nợ và để lại giấy chứng nhận ngành để vay 85 triệu đồng...
Trong danh sách này còn có trường hợp thiếu tá Vi Văn Hà, Công an TP Bắc Ninh nợ 65 triệu đồng nhưng hiện nay ông Hà cũng không còn làm việc trong ngành.
Có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm...
Tiếp xúc với Thanh Niên, đại tá Nguyễn Tá Hận, Phó giám đốc phụ trách cảnh sát - Công an tỉnh Bắc Ninh, xác nhận ông đã nhận đơn cũng như phản ánh của người dân về việc một số cán bộ chiến sĩ sử dụng thẻ ngành để vay tiền. “Quan điểm của công an tỉnh là tuyệt đối cấm sử dụng thẻ ngành vào mục đích khác. Nếu phát hiện có hiện tượng này thì lập tức sẽ đuổi ra khỏi ngành”.
Đại tá Hận cũng cho rằng, việc vay nợ là quan hệ giữa hai bên vay và cho vay, cơ quan tổ chức không chịu trách nhiệm. “Nếu bên vay có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì người cho vay có quyền tố cáo đến cơ quan chức năng hoặc khởi kiện ra tòa”, ông Hận nói.
Theo luật sư Phạm Văn Phất (Đoàn luật sư Hà Nội), việc vay tiền và “thế chấp” thẻ ngành là quan hệ dân sự thông thường, pháp luật không cấm. Việc để lại thẻ ngành chỉ có ý nghĩa tương đương CMND để xác định người vay là ai (mặc dù việc người vay để lại thẻ ngành có thể vi phạm quy định nội bộ của ngành công an). “Thẻ ngành công an không phải là tài sản bảo đảm. Có thể về mặt tâm lý, người cho vay khi thấy người vay để lại thẻ công an sẽ cảm thấy yên tâm hơn, nhưng họ có toàn quyền cho vay hay không cho vay”, luật sư Phất nói.
Luật sư Phất cho rằng, người cho vay có quyền khởi kiện đòi nợ đối với cá nhân người vay. Tuy nhiên, nếu thấy người vay tiền có một trong các dấu hiệu: gian dối, bỏ trốn, sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì cần đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hình sự về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Thái Sơn
Bình luận (0)