Phó chủ tịch TP.HCM: Trách nhiệm công chức không được 'mờ mờ ảo ảo'

12/03/2023 12:58 GMT+7

"Phải làm rõ trách nhiệm công chức, không để tình trạng không rõ trách nhiệm hoặc "mờ mờ, ảo ảo", nhiều người cùng một trách nhiệm", Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nói.

Yêu cầu trên được lãnh đạo TP.HCM nêu ra tại chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời tháng 3.2023 với chủ đề "Trách nhiệm công vụ - Cải cách thủ tục hành chính" diễn ra sáng nay (12.3).

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp tại các cơ quan hành chính là một trong những cách để chính quyền thành phố tự đánh giá chất lượng, hiệu quả phục vụ và đội ngũ công chức. 

Những thông tin phản ánh đánh giá hài lòng hoặc không hài lòng là cơ sở để chấn chỉnh hoạt động cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức cũng như điều chỉnh, cải tiến quy trình, thủ tục hành chính cho tốt hơn.

Từ năm 2020, TP.HCM ban hành quy định về khảo sát, lấy ý kiến sự hài lòng qua 2 cách. Thứ nhất là tại cơ quan hành chính gắn với quá trình giải quyết hồ sơ, cách làm này phổ biến trên toàn thành phố. 

Thứ 2 là các góp ý thông qua gửi thư điện tử, tổng đài 1022, các trang web, thư tay gửi lãnh đạo. Ngoài ra còn có khảo sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, doanh nghiệp.

Phó chủ tịch TP.HCM: Trách nhiệm công chức không được 'mờ mờ ảo ảo' - Ảnh 1.

Tỷ lệ hài lòng của người dân khi làm thủ tục hành chính lên tới 99,94%

NHẬT THỊNH

Kết quả khảo sát năm 2022 cho thấy có 99,94% người dân đánh giá hài lòng, chỉ có 0,02% không hài lòng. Nhưng theo ông Hoan, nếu xét trên 1 triệu hồ sơ hằng năm thì cũng trên 20.000 hồ sơ không hài lòng, là con số lớn. 

Lý do không hài lòng đến từ người dân không nắm rõ thủ tục, cán bộ hướng dẫn không rõ, các thủ tục về nhà đất phức tạp do liên thông các cơ quan, liên cấp…

Ông Võ Văn Hoan cho biết TP.HCM đã chỉ đạo phải làm rõ trách nhiệm công chức, không để tình trạng không rõ trách nhiệm hoặc "mờ mờ, ảo ảo", nhiều người cùng 1 trách nhiệm. Đồng thời, xác định trách nhiệm từng phòng ban, trách nhiệm liên thông của các sở trong vụ việc cụ thể.

TP.HCM cũng tập trung số hóa dữ liệu, trước mắt thí điểm 4 lĩnh vực: tài nguyên, đất đai, quy hoạch, giao thông. "Đây là nền tảng ban đầu để quản lý tốt hồ sơ, và sau này những biến động trên các hồ sơ này được cập nhật thường xuyên", ông Hoan đánh giá.

Phải công khai, minh bạch cho người dân biết. Không để tình trạng hồ sơ nằm trong các cơ quan hành chính mà người dân hỏi thì không biết đó là cái gì, không thể trả lời. Việc nào không thể giải quyết cũng phải trả lời rõ ràng.


Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM

"Thậm chí có những người không dám đề xuất gì nữa"

Phó chủ tịch Võ Văn Hoan nói các năm qua làm nhiều việc để cải cách hành chính nhưng vẫn còn tình trạng phàn nàn trong dân. TP.HCM xác định năm nay phải tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đây là yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất, là "gốc rễ" của những vấn đề người dân đang bức xúc.

Trách nhiệm công vụ thể hiện ở 2 mặt: thực thi công vụ và tham mưu, đề xuất. Trước đây, công chức rất năng động, sáng tạo, nỗ lực tìm mọi cách để giải quyết bằng được hồ sơ của người dân, tạo thành phong cách của cán bộ, công chức thành phố. Điều này giúp giải quyết nhanh các vấn đề thực tiễn đặt ra, các vấn đề pháp luật chồng chéo.

Lãnh đạo TP.HCM đánh giá gần đây, phong cách đó vẫn còn nhưng có lúc, có nơi, có người "chùn bước" trong tham mưu, không còn hăng hái, năng nổ như trước. Thậm chí có những người không dám đề xuất gì nữa.

Phó chủ tịch TP.HCM: Trách nhiệm công chức không được 'mờ mờ ảo ảo' - Ảnh 2.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan

SỸ ĐÔNG

Về giải pháp chấn chỉnh, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nêu 4 nội dung trọng tâm. Thứ nhất là đánh giá người đứng đầu. Người đứng đầu mà còn sợ, đùn đẩy trách nhiệm, không dám tham mưu những vấn đề khác biệt thì chắc chắn thành phố không thể giải quyết hồ sơ đúng hẹn, không thể phát triển.

Cho rằng người đứng đầu cần nêu gương, tiên phong, dũng cảm, Phó chủ tịch Võ Văn Hoan cho biết TP.HCM sẽ đánh giá hiệu quả thủ trưởng các sở ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện trên cơ sở giải quyết những vấn đề tồn đọng, không để tình trạng công việc không chạy nhưng vẫn đánh giá cao. Việc đánh giá này sẽ áp dụng từ quý 1/2023.

Đối với đánh giá hiệu quả của đội ngũ công chức, lãnh đạo TP.HCM yêu cầu phải tập trung giải quyết dứt điểm hơn 20.000 hồ sơ còn tồn đọng, các hồ sơ mới phải giải quyết nhanh. Các địa phương, sở, ngành rà soát những trường hợp đang tồn đọng, tìm ra nguyên nhân, phân nhóm để có giải pháp xử lý, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên.

Phó chủ tịch TP.HCM: Trách nhiệm công chức không được 'mờ mờ ảo ảo' - Ảnh 5.

Công chức bộ phận một cửa Văn phòng UBND Q.3, TP.HCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân

NHẬT THỊNH

Đối với thư xin lỗi các hồ sơ trễ hẹn, lãnh đạo TP.HCM cho rằng cán bộ cần gặp người dân để chia sẻ, chứ không chỉ là gửi thư. Người dân không bắt cán bộ, công chức phải làm điều lớn lao đâu, đó chỉ là sự giao tiếp qua lại, chia sẻ, hỗ trợ.

Phó chủ tịch Võ Văn Hoan cho biết thêm, có hơn 80 đề án theo Kết luận 14 của Bộ Chính trị năm 2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung được các sở, ngành đề xuất để gỡ những vấn đề pháp luật chưa có, hoặc có nhưng chồng chéo, vận dụng không được. Đây là cơ sở để giải quyết các hồ sơ tồn đọng và một loạt dự án, công trình sắp triển khai.

TP.HCM cũng rà soát quy trình liên thông giữa các sở để xác định trách nhiệm, hệ thống hóa lại các câu hỏi, tránh tình trạng hỏi chung chung, đọc toàn bộ hồ sơ nhưng không biết mình trả lời cái gì.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.