Quản lý an toàn thực phẩm đừng nửa vời

16/07/2023 06:08 GMT+7

Chẳng phải lần đầu chuyện thực phẩm nhúng hóa chất độc hại bị phanh phui trên mặt báo. Nhưng dường như giải pháp cho vấn đề vẫn cứ như thể lần đầu.

Nói vậy không có nghĩa là các cơ quan chuyên ngành và liên ngành không làm gì.

Thật ra là đã có rất nhiều nỗ lực. Kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất đều có. Các cơ quan quản lý địa bàn, đặc biệt là công an khu vực, hầu như nhất cử nhất động trong địa bàn đều nắm được thông tin. Tiếp theo đương nhiên là chuyện phạt, mức nặng mức nhẹ nghe ra đều có cả…

Nhưng rồi mọi chuyện vẫn cứ tiếp diễn, thay đổi có chăng chỉ là chuyển từ mức độ ngang nhiên hoành hành sang mức độ tinh vi, lui vào bí mật. Như vậy cũng có nghĩa là nguy hiểm hơn. Vẫn cứ là rau muống bào xanh tươi cả tuần nhờ nhúng 20 giây hóa chất như điều tra của Báo Thanh Niên vừa phanh phui. Vẫn cứ là hàng tấn nội tạng động vật đã bốc mùi hôi thối được phù phép hóa chất trở thành thơm tho, mát mắt như hàng mới mổ ra lò. Vẫn cứ là rau củ quả phun nhúng thuốc tăng trưởng lớn vù vù như phù thủy hô biến…

Vậy chúng ta thiếu điều gì trong giải pháp khắc chế vấn nạn thực phẩm bẩn, thực phẩm vi phạm nghiêm trọng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm: cơ quan quản lý chuyên trách, quy định và chuẩn mực, quản lý cấp phép hành nghề, theo dõi và giám sát, truyền thông, đào tạo và tư vấn? Chúng ta đều có đầy đủ những cơ chế và yêu cầu hành động cần thiết.

Nhưng hiệu quả cuối cùng thì lại không đạt được như chúng ta mong đợi. Điểm nghẽn chính đang nằm ở khâu nào? Thử nghe lại những thứ lập luận đầy ngụy biện của những người "hành nghề" nhúng hóa chất cho thực phẩm trong điều tra mà Báo Thanh Niên đã thực hiện. "Bào ra nó bị đen thì phải ngâm tẩy. Lúc ăn rửa lại nấu chín chứ có ăn sống đâu mà sợ"; "Tôi không biết nó (tức chất "tẩy đường" - PV) độc hại thế nào, chỉ thấy chủ cũ trước đây cũng dùng chất này để tẩy trắng bắp chuối"; "Chẳng qua là do người tiêu dùng người ta tự mình hại mình thôi"…

Những phát biểu "hồn nhiên" như thế từ những người được xem là "thủ phạm" cho chúng ta thấy thách thức thật sự của công tác quản lý an toàn thực phẩm là gì? Những người này họ là "thủ phạm" đích thực, hay họ là "nạn nhân" của sự thiếu hiểu biết và của những đòi hỏi vô lối từ người tiêu dùng? Hay họ là cả hai?

Câu trả lời có thể sẽ không trỏ về các đáp án nêu trên, mà lại trỏ về quyết tâm của nhà quản lý. Phải làm gì thật quyết liệt, thật cụ thể để giáo dục những người này để họ không muốn làm sai? Và phải làm gì thật quyết liệt, thật cứng rắn để những người này không thể làm sai, không dám làm sai? Không thể làm sai vì chúng ta có giải pháp "chặt đầu rắn", kiểm soát thật chặt việc mua bán hóa chất, vì chúng ta có phương pháp giám sát theo thời gian thực đối với các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm. Và không dám làm sai, vì kẻ cố tình vi phạm sẽ đối mặt với không chỉ án phạt tiền, mà còn là cấm hành nghề trọn đời, thậm chí là phải đối mặt với án hình sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.