Quất hồng bì chín đỏ - Truyện ngắn của Nguyễn Hồng

Nguyễn Hồng
Truyện ngắn của
31/03/2024 08:30 GMT+7

Cơn bão xoẹt qua Huế, rớt lại một khúc gió mưa mà thành áp thấp. Thằng Dũng nằm chèo queo trên võng, hát vu vơ mấy câu Nam ai. 'Nước non nghìn dặm ra đi/Cái tình chi/Mượn màu son phấn Đền nợ Ô - Ly'…

Mưa đã buồn lê thê lại thêm cái giọng khê nồng của Dũng kéo buổi sáng dài ngoẵng ra, cái cổ của thằng Tý cũng như bị dài ra, đôi mắt, hơi thở... tất cả đều dài ngoằng ngoẵng.

- Sốt ruột. Hát bài khác đi.

- Biết bài mô nữa mà hát.

- Thì đừng hát nữa.

Thằng Tý bước qua võng, vùng vằng đá vô bịch quất hồng bì. Cú đá nhẹ hều, cái túi ni lông kêu lạo xạo lên chút rồi im thinh. Dũng thôi hát, thôi ánh mắt nhìn theo, dằn dỗi kéo hai vạt võng chùm hum qua mặt, thả người chìm nghỉm xuống. Gió vẫn sàn sạt bên ngoài. Mưa rỉ rả rấm rứt. Nếu nghe lời thằng Tý, Dũng đã không tha lôi thêm mấy bịch hồng bì. "Mưa ráo riết vầy ai thèm đi du lịch đâu mà bán". Trước khi cắp rổ trái cây ra khỏi nhà, Tý đã dặn đi dặn lại vậy. Nhưng không hiểu sao lúc đi qua ga tàu, Dũng cứ như kẻ mất hồn, chạy ngược lại cổng chợ, hấp tấp dặn má Hai để nguyên cả ba bịch quất cho con. Má Hai móm mém nhìn không chớp mắt. "Mả cha mi chớ, mưa gió ri bán được cho ai mà ham". "Má cứ kệ con". Nó còn sợ má Hai quạu cọ mà bán bớt, ném lại hai tờ tiền đặt cọc rồi chạy lẫn vào đám người phía trước.

Quất hồng bì chín đỏ - Truyện ngắn của Nguyễn Hồng- Ảnh 1.

Minh họa: Tuấn Anh

- Cô kêu cóc hử. Cóc non đây, con mới gọt đó. Muối ớt đây cô, cô yên con đổ ra bịch cho.

Gặp được đoàn khách đông, lại xởi lởi, rổ cóc hết veo. Qua tết người ta đổ về Huế nhiều. Thời gian rủng rỉnh, trời đất đang còn vương xuân, cứ thích là nhích nào kịp nghĩ đến mấy cơn mưa Huế. Mà có mưa cũng là chút mưa làm mình làm mẩy, ào chút rồi tan. Ai ngờ bão sớm, chạy dọc miền Trung, Huế đâu tránh khỏi. Lên kế hoạch rồi thì đi. Huế được phen cùng người chạy mưa. Ào ào, vội vã. Khách du lịch cũng vội vã theo Huế. Ăn vội, đi cũng vội, nói năng cũng vội. Rổ cóc bình thường Dũng phải bán nguyên ngày, nay bán tống bán tháo được trong buổi sáng. "Nhẹ cả người". Dũng cắp rổ thủng thẳng, vui vẻ quẹo phải quẹo trái rồi không dưng dông thẳng ra ga Huế.

Chẳng có lời hẹn nào ở ga Huế bây giờ cả, chỉ là Dũng bị găm lại đó, một ký ức vui vẻ. Những gương mặt người hiền hậu thân thiện ấy, gặp được rồi, thân thuộc nói cười rồi lại vội vàng chia tay. Để rồi mỗi chuyến tàu ngang Huế, Dũng đều muốn níu lại. Nỗi nhớ cứ rưng rức trong ngực. Chuyến tàu ấy có dừng ở Vinh đón khách không, có người nào từ Hà Nam chung chuyến không, có người quen của Dũng trên những toa tàu nồng nặc mùi người và dầu máy đó không, người ta về Bắc rồi còn nhớ chi mình không. Nhớ mong cứ quẩn lên mỗi lần nghe tiếng còi tàu hối hả vào ga. Lần nào, tiếng còi tàu cũng đẩy Dũng về miền ký ức rộn rã ấy, nơi góc quán có những trái quất hồng bì chín đỏ bị vo tròn nằm chòng queo trên đất. Là cái bữa mấy chú bộ đội từ Bắc vô Huế học nghiệp vụ, Dũng đã lân la làm quen. Chẳng cần hỏi thì Dũng cũng biết tỏng là người ta đến Huế để công tác. Bởi khách du lịch đến Huế thường không chọn mấy khách sạn gần ga. Đấy hầu hết là những khách sạn kiểu cũ, đã cũ, có cái còn xuống cấp thê thảm. Họ đi xa hơn vào nội đô để chọn khách sạn đẹp, "viu" đẹp, lại tiện đường tham quan. Khách trọ gần ga chủ yếu là những người lỡ đường, đợi tàu hay đi công tác theo đoàn. Khách sạn chỉ để ngủ nghỉ đúng nghĩa. Nhóm người đang ngồi uống nước chè trước cổng ga Huế này khá đặc biệt. Đi công tác gì mà lỉnh kỉnh giá vẽ, hộp màu đủ thứ. "Không chừng là họa sĩ đi thực tế sáng tác". Dũng nghĩ bụng vậy rồi lại gần làm quen, cốt là để bán cho hết hàng mà về sớm.

- Các chú còn phải đợi tàu lâu đó. Loa vừa kêu tàu về trễ.

Dũng đặt rổ hồng bì xuống đất, ngồi bệt ngay cạnh, ánh mắt tò mò dán vào mấy tấm giấy vẽ hỏng bị xé bỏ. Những trái quất hồng bì xanh đỏ vui mắt.

- Các chú vứt luôn hả?

Ánh mắt Dũng đầy tiếc nuối. Một người trong đoàn tiếp chuyện, giọng xứ Nghệ gần gũi.

- Ừm, hỏng cả rồi. Ku mi định nhặt về chụm lửa à?

- Không, con muốn mở ra coi thôi. Những trái quất hồng bì hay quá. Chú vẽ tài thật. Đẹp rứa rồi răng chú lẳng đi?

- Tại chú muốn đẹp hơn. Ku mi thích vẽ à?

- Dạ, cháu thích lắm. Cháu cũng biết vẽ nữa đấy. Ở nhà trọ cháu cũng có đồ vẽ nhưng… tào lao thôi - Tiếng Dũng ngập ngừng.

- Thích vẽ là vẽ thôi, tào lao là răng.

Cuộc trò chuyện rổn rảng. Mấy người Bắc trố mắt lắng nghe từng chữ một, lại ngạc nhiên nhìn người họa sĩ. "Bình thường ông nói tiếng Bắc ngọt thế, sao giờ đặc tiếng Nghệ thế này". Người họa sĩ lại đành phải chậm rãi phiên từng tiếng Nghệ của mình theo giọng Bắc cho họ hiểu. Lạ là một số người Nghệ cũng nói được giọng Bắc, dẫu không mềm mại lắm nhưng nghe rất vừa tai.

- Răng chú nói giọng Bắc tài rứa?

- Chuyện, chú ở Bắc hơn 10 năm rồi. Học cấp ba xong thì đi bộ đội. Đi bộ đội rồi thì ở lại đất Bắc luôn. Làm việc và sinh sống ở đó.

- Chừ cháu có ra Bắc 10 năm hay hơn nữa thì cũng nỏ nói được như chú mô. Tiếng Bắc nghe dễ thương chú hè. Ai cũng kêu cháu nói khó nghe. Miền Trung mình mà, cứ cùng cục rứa đó chú.

Không còn khoảng cách, không xa lạ, không đầu, không cuối, ông họa sĩ già và đứa trẻ vừa gặp trên sân ga cứ ríu ran câu chuyện. Đoạn như sực nhớ ra, người họa sĩ nhìn đồng hồ rồi đề nghị rất vội.

- Chú vẽ cho Dũng một bức nhé, ký họa nhanh, được không?

- Ôi, rứa thì còn chi bằng. Cháu vui quá. Chừ cháu phải ngồi răng, ngồi ri được chưa chú… Trời ơi, cháu hồi hộp ri tê. Hồi nọ có đoàn khách du lịch ghé Huế, cũng có người đã vẽ cháu đó. Ổng bảo ổng định cư ở nước ngoài. Đến Huế du lịch theo lời mời của chính quyền thành phố. Ổng vẽ xong thì đi luôn. Mấy bận dạo qua nhà thiếu nhi thành phố bán trái cây, cháu thấy bức tranh ở đó. Tự dưng cháu không còn thích thú gì nữa. Vẫn là mặt mình đó thôi mà lạ hoắc à. Mà lúc ngồi mẫu, cháu cũng không có run như bây chừ đâu!

Vẻ mừng vui không thể giấu giếm, cứ lộ rõ trong ánh cười lấp la lấp lánh của Dũng. Người họa sĩ hiền từ, lặng im nhưng nhớ hết mọi luyên thuyên, liến thoắng ấy. "Nào, yên cho chú vẽ. Sắp đến giờ tàu chạy rồi". Dũng thôi ngọ ngoạy, thần người trong giây lát. Bức ký họa vội nhưng đã rất ra dáng Dũng. Cái dáng nhong nhỏng không lẫn vào đâu được. Người họa sĩ trao bức vẽ cho Dũng, cười cười pha trò. "Chỉ nước da ngăm đen là dấu hiệu nhận dạng chính chưa lột tả hết được, có dịp sẽ vẽ lại". Nước mắt Dũng ngân ngấn, người họa sĩ quay mặt vội đi. Tiếng còi tàu hú một đoạn dài thúc giục. Đoàn khách lục đục thu dọn hành lý, chú họa sĩ cũng tất bật xếp bảng vẽ. "Bọn chú phải lên tàu rồi. Có dịp trở lại Huế sẽ lại tìm cháu, nhất định sẽ còn gặp lại". Dũng cầm chặt bức vẽ đứng như bất động. Cảm giác chia xa xộc lên dữ dội, nếu không kiềm chế là khóc òa thành tiếng mất. Tiếng còi tàu hú giục lần hai, còn một lần nữa thôi là tàu chuyển bánh. Chợt nhớ ra bịch quất hồng bì bên cạnh, Dũng chạy vội qua cửa soát vé. "Cô, cô cho cháu qua tí. Hành lý khách lên tàu bỏ quên". Không để cô soát vé kịp níu áo, Dũng băng qua barie, nhảy vội lên tàu. "Các chú cầm theo ăn dọc đường". Tàu hú nốt tiếng thứ ba rồi từ từ lăn bánh. Dũng vừa kịp nhảy xuống, lặng người nhìn đoàn tàu hun hút đi vào đêm.

Dũng vẫn thường qua ga Huế ngay cả khi không có việc gì phải đến đó. Chiếc rổ hết hàng nhẹ bẫng mà Dũng cứ nằng nặng trong lòng. Giá như được gặp lại một lần nữa thì hay biết mấy. Lần này sẽ không lân la bán hàng nữa, Dũng sẽ rủ các chú về nhà, sẽ giới thiệu thật nhiều về Huế của Dũng, sẽ rủ các chú đi ăn kẹo bông trước cổng nhà thiếu nhi hay qua nhà chòi nghe hát. Các chú thích gì là Dũng chiều hết. Hồi đó, thi thoảng nghe tin chiến sự biên giới phía Tây Nam, Dũng lại hóng. Không biết bộ đội miền Bắc có dừng ở Huế không? Bộ đội đi vào miền Nam, kiểu gì cũng phải qua Huế chứ. Giá mà đủ tuổi, Dũng xin tòng quân, lân la kiểu chi cũng gặp. Đằng này Dũng nhỏ thó, lại thiếu tuổi, sức đâu mà lăn lộn chiến hào. Chưa kể là thành phần không rõ nguồn gốc. Dũng cũng như mấy đứa trẻ vô gia cư quầy tụ trong xóm trọ gần chợ đầu mối này, sống chủ yếu bằng tiền bán trái cây dạo. Nhưng Dũng nhớ chú Khôi. Là chú Khôi bộ đội giống bao chú bộ đội khác hay là chú Khôi họa sĩ ấm áp, thân thiện. Dũng không có ai để nhớ. Ba mạ Dũng là ai, ở đâu, còn hay mất Dũng không biết. Dũng lớn lên trong cô nhi viện. Sau khi cô nhi viện bị bom đánh sập thì Dũng lang thang. Dũng đã không còn cảm giác nhớ mong. Nhưng sau đêm chuyện trò ở ga Huế, cảm giác muốn gặp lại chú Khôi cứ thường trực trong lòng. Nỗi nhớ nhiều lần dắt Dũng qua ga Huế.

Những ngày đó tin chiến sự mỗi lúc càng nóng, tàu qua Huế liên tục tăng chuyến, bộ đội lên xuống tấp nập. Những cuộc chia ly bịn rịn và day dứt. Bao lần Dũng căng mắt nhìn qua những ô vuông sắt của toa tàu, tìm kiếm gương mặt thân quen nhưng không thấy. Đáp lại Dũng là những ánh mắt khác, cũng lặng im kiếm tìm. Những cuộc tìm kiếm cứ so le thế biết đến bao giờ gặp được nhau. Tàu thì cứ hối hả vào bến, lạnh lùng đến rồi đi, đổ lại những nỗi niềm trên sân ga. Đã nhiều lần Dũng thôi hy vọng nhưng tâm trạng chờ đợi vẫn âm ỉ thúc giục. Dũng lại ra ga Huế.

Lần đó ông trời thương Dũng, trên ga tàu run rủi sao Dũng thấy chú Khôi. Là chú Khôi đây rồi. Chú tìm ai mà dáo dác. Chú có thấy Dũng ở đây không? Chú có biết Dũng tìm chú bao năm không? Dũng hét lên rồi cuống cuống tìm cửa lên tàu.

- Chú Khôi, chú Khôi ơi…

Toa tàu chật người, lại có cả hàng hóa nữa nên ngổn ngang khó đi lại. Dũng len qua từng đống hành lý, len qua từng dãy người đi đứng nằm ngồi. Màu xanh áo lính chiếm hầu hết toa tàu. Các chú rổn rảng.

- Ai thế Khôi, người nhà hả?

- Hay lại con rơi, con rớt rồi…

- Người anh em có đi cùng thì chen vô luôn…

Chú Khôi của Dũng không để ý gì đến những pha trò của đồng đội, ánh mắt chú hoe đỏ. Chú ôm chầm lấy Dũng. Cái ôm chặt không rời.

- Giới thiệu với các bạn, đây là Dũng, người nhà của tôi.

...

- Dũng, nay cháu bán gì, đậu phộng hả, cóc hả, có cả quất hồng bì nữa này. Nào mọi người, mua đi, mua cả đi.

...

- Ôi, mấy phong lương khô đâu rồi. Túi nào nhỉ, à đây rồi. Ai còn lương khô nữa không, cho tôi, cho tôi xin. Đây Dũng. Con cầm cả đi. Cầm cả mà ăn dần...

...

- Thôi xuống đi con, xuống đi. Tàu hú còi rồi. Con giữ gìn sức khỏe, rồi chú lại về Huế.

Dũng không khóc, nước mắt ra đến đâu thì nuốt ngược lại ở đó, nghẹn ngào.

- Các chú đi mạnh giỏi. Con chỉ có nhiêu thôi. Các chú để lại mà dùng. Con phải xuống rồi. Con phải xuống thôi.

Đám người thôi ồn ào, lặng nhìn Dũng và chú Khôi bịn rịn. Nào có ai khóc đâu, chỉ những tiếng nấc nghẹn ngào vụng về giấu giếm. Những ồn ào im bặt. Những giọt nước mắt bị ngăn lại. Chú Khôi dõi theo bóng Dũng xuống tàu. Tàu đi xa rồi. Bóng Dũng nhỏ dần trên sân ga. Chú Khôi không thấy Dũng nữa, chỉ còn lại những tiếng nấc nghẹn của Dũng. "Chú Khôi ơi, Dũng đây, Dũng mong chú vô cùng".

Bão đã chạy ra biển, chỉ còn lại áp thấp vần vũ. Mưa đã là đặc sản của Huế, người ta quen rồi. Chỉ có Dũng cứ dền dứ với những cơn mưa ngược Bắc, sấm chớp lúc nào cũng rền rĩ trong lòng. Chú Khôi bây giờ đang ở đâu? Chú Khôi còn nhớ Dũng không? Chiến tranh lặng lâu rồi. Dũng cũng đã hết tuổi trẻ con rồi. Dũng không biết chính xác tuổi của mình. Tháng năm dài thế, tuổi chắc cũng đã nhiều lên. Dũng trở thành người có thâm niên nơi góc chợ đầu mối này. Đã bao mùa quất hồng bì xanh đỏ rộn ràng qua, dạo này thời tiết còn cực đoan nữa, hồng bì cứ thích chín là chín như trêu ngươi vậy. Đâu có ai như Dũng, chờ mãi mà thành thói quen.

Bữa có người trong chợ kêu Dũng có thư thì phải, ba bốn tuần rồi người ta mới sực nhớ ra. Người ở chợ quen tay quen chân chứ nào đọc chữ bao giờ. Đã thế, bì thư không ghi rõ Dũng nào cả. Chỉ ghi tên bên ngoài là "Dũng, một họa sĩ bán quất hồng bì". Trời ơi, có ai biết Dũng là họa sĩ đâu. Những cây cọ, bảng vẽ trong phòng trọ bụi đã phủ kín rồi, màu vẽ cũng đã khô cứng lại rồi. Người ta lại càng không biết Dũng bán quất hồng bì. Dũng bây giờ bán nhiều thứ lắm, mùa nào thức ấy. Một dạo Dũng còn đi hái dừa thuê nữa, Dũng bán cả dừa. Quất hồng bì là một ký ức đẹp của riêng Dũng thôi. Bì thư ghi vậy thì làm sao đến được tay người. Có thể một người tên Dũng khác đã nhận, hoặc cũng có thể nó nằm im lìm lẫn ở đâu đó trong các ô hàng của chợ đầu mối. "Thôi kệ. Mắc mớ chi mong". Nhưng từ trong vô thức, Dũng cứ mong đó là bức thư đến từ chú Khôi. Biết đâu trong bức thư ấy là bức vẽ quất hồng bì chín đỏ, biết đâu là chân dung Dũng của lần gặp sau vội vã. Biết đâu là tin vui, biết đâu là tin buồn. Đợi chờ thành quen, Dũng không còn sống bằng những phấp phỏng nữa. Dẫu có thế nào thì quất hồng bì vẫn cứ chín đỏ rực rỡ trong ý nghĩ của Dũng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.