Quốc hội xem xét báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước

20/02/2016 06:50 GMT+7

Ngày 19.2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc cho ý kiến về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chủ tịch nước.

Ngày 19.2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc cho ý kiến về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chủ tịch nước.

Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung đọc dự thảo Báo cáo - Ảnh: TTXVNChủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung đọc dự thảo Báo cáo - Ảnh: TTXVN
Theo đó, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, Chủ tịch và Phó chủ tịch nước đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc VN và các tổ chức chính trị - xã hội… thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật góp phần tích cực thực hiện có kết quả các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo nêu rõ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Đảng, Quốc hội và nhân dân giao phó, Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước có phần trách nhiệm trước những hạn chế, yếu kém của đất nước hiện nay. Hoạt động của Hội đồng quốc phòng và an ninh, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân còn nhiều vướng mắc. Mặc dù Chủ tịch và Phó chủ tịch nước đã có nhiều cố gắng nhưng báo cáo chỉ rõ có mặt vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân và cử tri cả nước.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng báo cáo cần làm rõ hơn vai trò, nhiệm vụ Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, đặc biệt công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Theo quy định của Hiến pháp, Chủ tịch nước có quyền triệu tập cuộc họp với Chính phủ, tuy nhiên theo Chủ tịch Ksor Phước, do thiếu các quy định cụ thể nên vai trò này vẫn bị bỏ ngỏ. Do đó, ông đề xuất trong kỳ họp Quốc hội khóa 14 cần luật hóa, đưa ra các quy định và quy trình Chủ tịch nước được triệu tập cuộc họp với Chính phủ định kỳ hoặc đột xuất.
Vẫn theo Chủ tịch Ksor Phước, với cương vị của người thống lĩnh lực lượng vũ trang, Chủ tịch nước cũng cần phải triệu tập các tướng lĩnh để thảo luận, nghe báo cáo các vấn đề quốc phòng, an ninh. Định kỳ 6 tháng, 1 năm hoặc có thể triệu tập đột xuất. “Tôi ví dụ như vấn đề Biển Đông đang ầm ầm như thế. Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang không chỉ có đi phát biểu mà có thể đứng ra triệu tập lực lượng vũ trang để nghe báo cáo nắm các vấn đề an ninh, quốc phòng. Cần luật hóa các quy định này”, ông Phước đề xuất.
Cho ý kiến thêm về báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Văn phòng Chủ tịch nước cần quan tâm làm rõ hơn vai trò, nhiệm vụ cụ thể của Chủ tịch nước đã và chưa làm được việc gì. Đặc biệt, phải bổ sung vào báo cáo bài học để người kế nhiệm có thể rút ra kinh nghiệm khắc phục.
Theo báo cáo, trong nhiệm kỳ 2011 - 2016, Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước đã nhận được trên 55.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cử tri, cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước. Trong lĩnh vực tư pháp, ngoài thực hiện công việc chỉ đạo sát sao công tác cải cách tư pháp trên cương vị Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư, Chủ tịch nước đã quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 9 phó chánh án TAND tối cao, 66 thẩm phán TAND tối cao, Tòa án Quân sự T.Ư...
Chủ tịch nước đã ban hành các quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho 43.999 phạm nhân chấp hành án phạt tù tại các trại giam, tạm giam và 609 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch cũng đã ký quyết định bổ nhiệm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN, thăng quân hàm cấp tướng cho 194 sĩ quan Quân đội nhân dân, 119 sĩ quan Công an nhân dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.