Nga đang nỗ lực phát triển hàng loạt robot quân sự tối tân nhằm hiện thực hóa quá trình tái vũ trang theo hướng hiện đại và tinh nhuệ.
Robot chiến đấu Platform-M
|
Những chiến binh thép
Theo RBTH, Platform-M là hệ thống robot chiến đấu mới nhất của Nga đang được tích cực cho thử nghiệm từ giữa năm ngoái đến nay và đã phần nào chứng tỏ được sự lợi hại của nó. Có hình dạng như một chiếc xe tăng nhỏ, robot này nặng 816 kg, di chuyển với tốc độ 45 km/giờ, được trang bị nhiều vũ khí như súng phóng lựu, súng máy 12,7 mm có thể điều khiển từ xa. Cơ chế bắn của Platform-M hoạt động tự động nên có thể cùng lúc tấn công 10 mục tiêu mà không cần sự trợ giúp của con người.
Biệt kích đô thị Shooter
|
Trong khi đó, robot Wolf-2 được xem là phiên bản “bề thế” hơn của Platform-M với hình dạng tương tự nhưng nặng hơn 1 tấn. Nhờ sở hữu khung gầm đặc biệt nên Wolf-2 có thể vượt qua mọi địa hình gồ ghề mà không ảnh hưởng đến tốc độ. Được điều khiển từ xa với khoảng cách tín hiệu tối đa gần 5 km, Wolf-2 có thể vừa di chuyển với vận tốc 35 km/giờ vừa tấn công mục tiêu bằng các loại súng máy Utes và Kord cỡ nòng lớn. Tờ The Moscow Times dẫn một số nguồn tin tiết lộ sau khi hoàn tất thử nghiệm, Platform-M và Wolf-2 sẽ được triển khai cho lực lượng tên lửa chiến lược với vai trò “vệ sĩ” cho các hệ thống tên lửa Topol-M và Yars.
Nếu 2 loại robot nói trên chuyên hoạt động trong môi trường mở có địa hình phức tạp thì loại robot biệt kích Shooter được thiết kế riêng cho chiến tranh đô thị với kích thước nhỏ gọn. Tuy di chuyển khá chậm, vận tốc chỉ có 4 km/giờ nhưng Shooter sở hữu khả năng đâm xuyên cửa và leo cầu thang, được trang bị súng máy lẫn súng ngắn đa năng.
Người máy trinh sát
Bên cạnh robot chiến đấu, Nga còn chú trọng phát triển các thế hệ robot trinh sát, do thám và rà phá bom mìn để giảm thiểu tổn thất nhân mạng. Theo RBTH, robot “lưỡng cư” Gnom không mang theo bất kỳ loại vũ khí nào nhưng được trang bị thiết bị định vị đa hướng và rà quét địa hình ở khoảng cách 100 m. Có thể hoạt động trong mọi môi trường nhưng thế mạnh của Gnom được phát huy tối đa trong các nhiệm vụ dưới nước như tìm kiếm, cứu hộ, quét thủy lôi cũng như do thám. Một ưu điểm khác là robot này chỉ nặng 11 kg và mỗi binh sĩ có thể dễ dàng mang vác, triển khai. Sau nhiều cuộc thử nghiệm thành công ở vùng biển Baltic, robot Gnom đã được phục vụ trong hải quân Nga.
Cỗ máy quét mìn Uran-6
|
Khác với Gnom, robot Uran-6 là hệ thống rà phá bom mìn đa chức năng trên bộ được đánh giá là có thể đảm nhiệm công việc của 20 lính công binh. Các đoạn phim quay cảnh thử nghiệm cho thấy Uran-6 di chuyển băng băng trên mọi địa hình phức tạp, tìm kiếm và vô hiệu hóa mìn theo sự điều khiển của một quân nhân đứng cách đó 1 km. Theo RBTH, Uran-6 có thể triệt tiêu các thiết bị nổ sức công phá tương đương 59 kg thuốc nổ TNT trên 98% diện tích hoạt động. Robot này hiện đang được thử nghiệm ở Chechnya, cụ thể là các dãy núi thuộc vùng Vedensky vốn có địa hình rất phức tạp và hiểm trở, sẽ sớm được đưa vào sản xuất hàng loạt.
Bình luận (0)