Rằm tháng 7 xuất hiện siêu trăng hiếm gặp: Việt Nam có thuận lợi ngắm trăng xanh?

30/08/2023 19:45 GMT+7

Dịp rằm tháng 7 âm lịch năm nay (30 - 31.8) cũng là lúc người yêu thiên văn ở nhiều nơi trên thế giới được chiêm ngưỡng hiện tượng siêu trăng (trăng xanh) hiếm gặp.

Siêu trăng xuất hiện khi nào?

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), lần siêu trăng này diễn ra chính xác vào lúc 1 giờ 35 rạng sáng 31.8 theo giờ UTC, tức 8 giờ 35 sáng cùng ngày theo múi giờ của Việt Nam. Thời điểm này, mặt trăng sẽ nằm ở phía đối diện của trái đất so với mặt trời và sẽ được chiếu sáng hoàn toàn.

“Sự biến đổi pha của mặt trăng là liên tục bởi nó không "nhảy" thành bước trên quỹ đạo và dịch chuyển liên tục. Vì thế, trăng tròn là một điểm chứ không phải một ngày. Điều đó có nghĩa là tối 30 và tối 31.8, mặt trăng về cơ bản là tròn như nhau đối với người quan sát ở Việt Nam”, nhà nghiên cứu cho biết.

Rằm tháng 7 xuất hiện siêu trăng (trăng xanh) hiếm gặp: Việt Nam quan sát được không? - Ảnh 1.

Siêu trăng rạng sáng 31.8 còn được gọi là trăng xanh, vì đây là lần trăng tròn thứ hai trong cùng một tháng.

VACA

Theo ông Sơn, lần trăng tròn này được gọi là siêu trăng (supermoon), vì trăng tròn vào đúng thời điểm nó ở rất gần cận địa (điểm gần trái đất nhất trên quỹ đạo của nó). Theo đó, siêu trăng thường lớn hơn kích thước của trăng tròn thông thường khoảng 7%.

“Sự lớn hơn này là đủ để khiến nó sáng hơn trăng tròn bình thường, nếu như trời đủ trong và ít ô nhiễm. Còn nếu bạn ở một thành phố ô nhiễm ánh sáng nặng nề, bạn cũng chẳng nhận ra mặt trăng có vẻ lớn hơn đôi chút”, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam nói thêm.

Chuyên gia cho biết vì đây là lần trăng tròn thứ 2 trong cùng một tháng, nên nó còn được gọi là trăng xanh. Tuy nhiên, trăng xanh đơn thuần chỉ là một tên gọi, không phải hiện tượng thiên văn, mặt trăng cũng không có màu xanh như một số người lầm tưởng.

Theo nhà nghiên cứu, trung bình cứ hơn 1 năm có một lần trăng xanh và lần cuối cùng xảy ra vào tháng 8.2021. Trường hợp đặc biệt hiếm là có hai trăng xanh xuất hiện trong cùng năm, lần gần nhất sắp tới là vào năm 2037.

Nói về hiện tượng này, NASA cũng cho biết mặt trăng sẽ xuất hiện tròn trong 3 ngày xung quanh đỉnh trăng tròn, từ 30.8 - 1.9 và người yêu thiên văn có thể quan sát các ngày trăng tròn này nếu điều kiện thuận lợi.

14 năm sau mới lặp lại 2 siêu trăng trong một tháng

Tháng 8 này được xem là một bữa tiệc thiên văn khi có tận 2 lần siêu trăng cùng xuất hiện trên bầu trời. Các nhà nghiên cứu cho biết việc 2 lần siêu trăng diễn ra trong cùng một tháng dương lịch là tương đối hiếm. Đến năm 2037, tức 14 năm sau, thế giới mới ghi nhận một tháng dương lịch có 2 siêu trăng như vậy diễn ra thêm một lần nữa.

Thời tiết có ủng hộ?

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, hôm nay TP.HCM có nắng gián đoạn, mưa rào và giông vài nơi vào buổi sáng, về trưa chiều mây giông phát triển mạnh dần và gây mưa rào kèm giông rải rác cho khu vực. Lượng mưa ghi nhận đến 14 giờ tại Nhà Bè 6,8 mm, Củ Chi 13,8 mm, Bình Chánh 14,8 mm…

Dự báo 24 giờ tới, áp cao lục địa tiếp tục được tăng cường yếu và nén dải hội tụ nhiệt đới về phía nam đi qua khu vực Trung Trung bộ nối với cơn bão SAOLA ở đông bắc Philippines xu hướng di chuyển vào khu vực phía đông bắc của bắc Biển Đông. Gió mùa tây nam ở phía nam có cường độ trung bình đến mạnh.

Rằm tháng 7 xuất hiện siêu trăng (trăng xanh) hiếm gặp: Việt Nam có thuận lợi ngắm? - Ảnh 3.

Trưa 30.8, TP.HCM có mưa nhiều nơi.

CAO AN BIÊN

Do đó, dự báo thời tiết Nam bộ hôm nay nhiều mây, ngày có lúc giảm mây, nắng gián đoạn. Đêm nay có mưa rào và giông rải rác, trưa chiều và tối mai có mưa nhiều nơi, rải rác mưa vừa và giông, có nơi mưa to. Riêng khu vực TP.HCM tối nay nhiều mây. Đêm nay có mưa rào và giông nhiều nơi, có nơi mưa vừa, mưa to. Trong cơn giông đề phòng gió giật mạnh, sét. 

"Khả năng cao vào thời điểm có siêu trăng TP.HCM không xuất hiện mưa, người dân vẫn có thể coi được, nhưng trời có mây, chứ không trong veo", đại diện Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ dự báo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.