Sinh viên vận động Giờ Trái Đất bị tạt nước mắm: 'Phải học kỹ năng giao tiếp'

22/03/2016 19:20 GMT+7

Các bạn tình nguyện viên rất năng nổ, nhiệt huyết nhưng đôi khi kinh nghiệm sống, kỹ năng giao tiếp chưa có nhiều nên để xảy ra những sự cố đáng tiếc, ông Vũ Minh Lý, Giám đốc Trung tâm tình nguyện quốc gia nói.

Các bạn tình nguyện viên rất năng nổ, nhiệt huyết nhưng đôi khi kinh nghiệm sống, kỹ năng giao tiếp chưa có nhiều nên để xảy ra những sự cố đáng tiếc, ông Vũ Minh Lý, Giám đốc Trung tâm tình nguyện quốc gia nói.
 

Các tình nguyện viên cho chiến dịch Giờ trái đất 2015 gặp không ít khó khăn - Ảnh do nhóm Cộng đồng xanh cung cấpCác tình nguyện viên cho chiến dịch Giờ trái đất 2015 gặp không ít khó khăn - Ảnh do nhóm Cộng đồng xanh cung cấp
Làm gì để bảo vệ thanh niên tình nguyện?
Như tin Thanh Niên đã đưa, để chuẩn bị cho chiến dịch Giờ Trái Đất 2016, khoảng 5.000 sinh viên, thanh niên tình nguyện ở TP.HCM đã đi vận động người dân tham gia sự kiện Tắt điện trong 1 giờ vào tối 19.3
Tuy nhiên, trong khi đi vận động các cửa hàng, quán cà phê, công sở, nhà dân… cùng tắt điện để tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường thì nhiều bạn thanh niên tình nguyện đã gặp sự cố như bị chọc ghẹo, cười giỡn, thậm chí còn bị tạt nước mắm lên người.
Trao đổi với Thanh Niên về những tình huống không mong muốn này, ông Vũ Minh Lý, Giám đốc Trung tâm tình nguyện quốc gia, cho biết: “Tôi vẫn luôn muốn nhắn nhủ với các bạn tình nguyện viên nói chung, đặc biệt là các bạn sinh viên, trước khi tới địa bàn được phân công, các bạn phải tham gia các lớp tập huấn về kiến thức, các kỹ năng làm việc và đặc biệt là kỹ năng giao tiếp với người dân. Các đơn vị đứng ra tổ chức tình nguyện phải chịu trách nhiệm tổ chức những khóa tập huấn này”.


Thông thường, các bạn tình nguyện rất năng nổ, nhiệt huyết nhưng kinh nghiệm sống, kỹ năng giao tiếp chưa có nhiều nên đôi khi còn xảy ra những sự cố đáng tiếc. 


Vũ Minh Lý


Cũng theo ông Lý, trong tháng 11.2015, Thủ tướng chính phủ đã ban bành quyết định số 57/2015/QĐ-TTg về chính sách đối với các hoạt động tình nguyện của thanh niên, có đề cập rất cụ thể đến trách nhiệm của các cơ quan đứng ra tổ chức các hoạt động tình nguyện, và trách nhiệm của các tình nguyện viên.
Để tránh những sự cố không may xảy ra, thanh niên tình nguyện cần phải phối hợp chặt chẽ với Đoàn thanh niên của địa phương nơi mình đang hoạt động. Nếu có sự cùng tham gia của các bạn đoàn viên địa phương thì chắc chắn các bạn tình nguyện viên sẽ được hỗ trợ rất nhiều.
“Với những chiến dịch cao điểm như Giờ Trái Đất vừa qua thì cũng cần có sự tham gia của các cấp ủy, chính quyền địa phương và các đoàn thể. Nếu các bạn có sự phối hợp như cách tôi vừa nói thì chắc chắn các bạn sẽ được bảo vệ trong mọi tình huống và hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều so với việc các bạn tự làm đơn phương độc mã”, ông Lý cho biết.
Cách tuyên truyền hơi “cổ điển”
Không chỉ có sự cố sinh viên đi vận động Giờ trái đất 2016 bị tạt nước mắm, mà thời gian gần đây, dự luận cũng rất quan tâm đến câu chuyện thanh niên tình nguyện cầm bảng đứng tuyên truyền ở nhiều ngã tư trọng điểm của TP.HCM bị người dân phản ứng không tích cực, thậm chí bị gọi là “mấy đứa rảnh”.
Rất nhiều ý kiến khen ngợi hành động “rảnh” của các bạn sinh viên tình nguyện đã góp phần vào việc lan tỏa những thông điệp bảo vệ môi trường: “Nhận tờ rơi, đừng đánh rơi xuống đất”, “Tắt máy 25 giây vì môi trường”, “Hãy sử dụng sản phẩm tái chế”, “Hãy sử dụng xăng E5”…

Sinh viên tình nguyện Giờ Trái Đất - Ảnh do nhóm Điểm Đến Xanh cung cấp
Nhưng bên cạnh đó, cũng có không ít ý kiến cho rằng tuyên truyền bằng cách cầm bảng đứng giữa đường, dưới thời tiết nắng nóng của Sài Gòn là “không thực tế, không hiệu quả và không có tính lâu dài”. Câu chuyện này khá tương đồng với sự việc sinh viên tình nguyện đứng giữa trời nắng làm “dải phân cách sống”, phân làn giao thông trong các kỳ thi đại học, từng gây tranh cãi gay gắt trong dư luận trước đây.
Ông Vũ Minh Lý đã có những nhận định rất thẳng thẳn: “Đó là những cách tuyên truyền hơi cổ điển. Hiện tại, internet và các mạng xã hội rất phát triển, chúng ta có thể tận dụng những kênh truyền thông khác để vận động, để lan tỏa thông điệp sâu rộng hơn tới cộng đồng. Không nhất thiết phải hao tốn sức lực vào những hình thức tuyên truyền như vậy”.
“Tùy vào từng hoàn cảnh, từng điều kiện mà chúng ta cần có những cách tuyên truyền phù hợp. Ví như khi trời râm mát, khu vực có bóng cây thì các bạn có thể đứng giơ bảng tuyên truyền. Nhưng với những giao lộ nắng nóng ở TP.HCM thì các bạn tình nguyện viên cũng không nên cố gắng như vậy. Sức khỏe của các bạn tình nguyện viên là quan trọng nhất. Khi làm tình nguyện phải làm theo cách khoa học và hiệu quả, không ai khuyến khích các bạn ra đứng phơi nắng, phơi sương như vậy”, ông Vũ Minh Lý chia sẻ thêm.
Ngoài ra, ông Vũ Minh Lý cho biết Trung tâm tình nguyện quốc gia luôn luôn tiếp thu tất cả các phản hồi từ dư luận để điều chỉnh cách hoạt động tình nguyện cho thanh, thiếu niên một cách hiệu quả, thiết thực nhất. “Chúng ta làm tình nguyện để đóng góp những điều tốt đẹp cho xã hội chứ không phải để phô trương”, ông Vũ Minh Lý nhấn mạnh.
Luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Hành vi tạt nước mắm và có những lời nói khiếm nhã với các bạn sinh viên tình nguyện như trường hợp trên có thể xem là "vi phạm quy định về trật tự công cộng", theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013, điều 5, khoản 1, điểm a "người có cử chỉ lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm nhân phẩm danh dự… của người khác sẽ bị xử phạt hành chính".

Do bản chất công việc cuả các bạn sinh viên đang làm là việc công, vì cộng đồng nên trường hợp này thì mức xử phạt cũng có thể từ 100.000 - 300.000 đồng nhưng cũng có ý kiến cho rằng đây là hành vi xúc phạm người thi hành công vụ nên mức phạt phải từ 1-3 triệu đồng. Do đó tùy theo đánh giá của cơ quan xử phạt nhưng theo tôi phải tăng mức xử phạt thì mới đủ sức răn đe

Ngoài ra, những đối tựơng dù đã bị nhắc nhở hoặc đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tiếp tục thực hiện hành vi làm nhục các bạn sinh viên thì căn cứ vào Điều 121 Bộ luật Hình sự, cơ quan thẩm quyền nên xem xét xử lý hình sự về tội "làm nhục người khác".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.