|
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho biết luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Và cá nhân, tổ chức đó chỉ được chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng. Như vậy, nếu thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, các nhà mạng có được thông tin của người tiêu dùng một cách hợp pháp nhưng lại chuyển giao hoặc không có biện pháp bảo mật, để thông tin lộ ra ngoài thì các nhà mạng đã vi phạm. Khi đó, người dùng cần tố cáo ngay tổ chức, cá nhân vi phạm tới chủ tịch UBND các cấp hoặc cơ quan quản lý thị trường. Người dùng cũng có quyền khởi kiện tổ chức, cá nhân có hành vi quấy rối ra TAND có thẩm quyền.
Đặc biệt theo luật sư Hậu, để hạn chế tình trạng thông tin người tiêu dùng bị mua bán tràn lan trên mạng như hiện nay, các cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quyền của người tiêu dùng. Trong đó, cơ quan cảnh sát điều tra cũng cần xem xét điều tra, khởi tố các đối tượng có hành vi mua bán thông tin người tiêu dùng trên các trang mạng về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet.
Trách nhiệm của nhà mạng là rất lớn
Đây là khẳng định của ông Đỗ Hữu Trí, Phó chánh thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) về tình trạng người dùng dịch vụ viễn thông di động bị quấy rầy, làm phiền do thông tin cá nhân bị khai thác trái pháp luật. Ông Trí khẳng định hành vi khai thác, mua bán trái phép thông tin cá nhân là vi phạm pháp luật. Vấn đề này đã được quy định khá rõ ràng và cụ thể trong luật Viễn thông, luật Công nghệ thông tin, các Nghị định 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác, Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện...
Về việc tại sao thông tin cá nhân lại có thể lọt ra ngoài rồi bị khai thác, mua bán, ông Trí lý giải do nhiều nguyên nhân. Có thể rò rỉ từ các nhà mạng, từ các đại lý dịch vụ viễn thông được phép đăng ký thông tin thuê bao, từ các ngân hàng hoặc khi người dùng đăng ký các dịch vụ có yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân. Cũng không loại trừ khả năng hacker tấn công đánh cắp thông tin sau đó đem bán ra thị trường. “Chúng tôi tin rằng chắc chắn không nhà mạng hay ngân hàng nào có chủ trương đem dữ liệu về thông tin khách hàng của mình để bán ra thị trường. Nhưng nếu việc kiểm soát của các doanh nghiệp lỏng lẻo thì hoàn toàn có thể xảy ra việc các cán bộ, nhân viên có quyền tiếp xúc với dữ liệu khách hàng đem bán cho một bên thứ ba, ví dụ như một công ty dịch vụ nội dung để phát tán tin nhắn rác”, ông Trí nói.
Theo đại diện Bộ TT-TT, tại hội nghị về chống thư rác năm 2013, có sự tham gia đầy đủ của các đơn vị của Bộ TT-TT, Bộ Công an và các doanh nghiệp viễn thông, bộ này đã quán triệt các nhà mạng phải kiểm soát chặt chẽ không để nhân viên, cán bộ lợi dụng mua bán cơ sở dữ liệu của khách hàng. Tuy nhiên, ông Trí cũng thừa nhận để ngăn chặn, xử lý vấn đề này đòi hỏi các cơ quan chức năng phải rất quyết liệt.
Trong khi đó, một chuyên gia viễn thông đề nghị không nêu tên lại cho rằng, các mạng di động có lợi ích gắn chặt với tin nhắn rác. Đặc biệt, khi nguồn thu từ tin nhắn SMS, thoại đã đến giới hạn thì doanh thu từ các dịch vụ ngày càng đóng vai trò quan trọng với các nhà mạng. Một nghiên cứu của Công ty an ninh mạng Bkav công bố cuối 2012 cho thấy, trung bình mỗi ngày có tới gần 10 triệu tin nhắn rác được gửi tới ĐTDĐ của người dùng tại VN. Với mức giá 300 đồng/tin nhắn, các nhà mạng đã thu về khoảng 3 tỉ đồng/ngày từ các hoạt động liên quan đến tin nhắn rác.
"Tỷ lệ ăn chia giữa các nhà mạng với các công ty dịch vụ nội dung luôn dao động ở mức 60 - 80% nghiêng về nhà mạng. Nếu người dùng có bị lừa mất 15.000 đồng cho một tin nhắn tới một đầu số nào đó thì nhà mạng đã bỏ túi từ 8.000 - 10.000 đồng. Đây cũng chính là một trong những lý do việc chống tin nhắn rác của nhà mạng sẽ nặng về hình thức hơn là thực tế", chuyên gia này bình luận.
Sở Kế hoạch - Đầu tư cũng lộ thông tin ? Chị H. (ngụ Q.3, TP.HCM) phản ánh, sau khi có phiếu hẹn đến nhận hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp của Sở KH-ĐT TP.HCM, chị đến bốc số và đang ngồi đợi thì đã có cuộc gọi đến, hỏi có phải chị đã nhận được phiếu hẹn không. Chị vừa trả lời "đúng rồi" thì người này bảo "sau khi nhận được giấy phép thì liên hệ lại theo số này để được tư vấn pháp lý" khiến chị chưng hửng. Đáng nói là liên tiếp 2 - 3 tuần sau đó chị bị gọi điện thoại mời làm website, đăng ký tên miền, tư vấn kế toán, thuế... mà câu hỏi bắt đầu đều là: "Xin lỗi, chị có phải là giám đốc công ty...". Mất thời gian phải tiếp các cuộc điện thoại này, chị H. không giấu được sự bực mình: "Tôi nghĩ số điện thoại người đại diện pháp luật và tên công ty chỉ đăng ký ở Sở KH-ĐT và chỉ có nơi này biết, tại sao lại bị lộ ra ngoài? Có hay không việc cán bộ của Sở bán thông tin của doanh nghiệp để kiếm lợi?”. N.H |
Thái Sơn - Quang Thuần
Bình luận (0)