Sự cấp bách bị lãng quên

31/01/2024 04:14 GMT+7

Chính phủ đang bàn sửa luật Thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm tạo thuận lợi, công bằng cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia vào môi trường đầu tư kinh doanh.

Đây là việc cấp thiết, cần ưu tiên bởi từ cuối năm 2023, Quốc hội đã thông qua nghị quyết liên quan việc sẽ áp thuế tối thiểu toàn cầu từ 1.1.2024. Thuế tối thiểu toàn cầu là thỏa thuận của các nước G7 đạt được vào tháng 6.2021 để chống lại các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang nước có thuế suất thấp để tránh thuế.

Theo nghị quyết này, VN sẽ áp dụng thuế suất là 15% với các doanh nghiệp (DN) đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong hai năm của 4 năm liền kề nhất. Việc này giúp ngân sách ước tính thu được hơn 14.600 tỉ đồng từ 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài thuộc diện phải nộp thuế bổ sung. Đây là các DN nước ngoài đang trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, có thuế suất thực tế thấp hơn 15%. Cũng đồng nghĩa là ưu đãi về thuế của VN dành cho các DN ngoại sẽ không còn tác dụng. Nhưng vì luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) chưa được sửa đổi, nên các tập đoàn đa quốc gia đầu tư mới vào VN được điều chỉnh bởi luật thuế TNDN vẫn sẽ được hưởng ưu đãi giảm thuế, sau đó họ sẽ phải nộp lại khoản ưu đãi này...

Vì thế, việc cải cách, hoàn thiện hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư thông qua thuế TNDN để có phương án thích hợp cho cả đầu tư nước ngoài cũng như đầu tư trong nước, các nhà đầu tư hiện hành cũng như các nhà đầu tư mới là một trong những nhiệm vụ lập pháp phải ưu tiên hoàn thành trong năm 2024. Tính cấp bách và ưu tiên của việc sửa đổi luật Thuế TNDN là ở chỗ này.

Nhưng ngay cả khi không bị áp lực bởi luật hóa thuế tối thiểu toàn cầu thì việc sửa đổi luật thuế TNDN cũng là bức thiết. Chúng ta đều biết, các chính sách ưu đãi của VN lâu nay chủ yếu tập chung vào miễn, giảm thuế từ thu nhập cá nhân (TNCN), TNDN... cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI), nên trong nhiều trường hợp đã khiến khối DN nội vô tình bị chèn lấn. Vì vậy, sửa đổi luật thuế TNDN để bảo đảm môi trường đầu tư bình đẳng, minh bạch cũng như thiết kế các ưu đãi phù hợp với xu hướng mới, xu hướng chung là điều cần thực hiện sớm.

Bên cạnh thuế TNDN, có một sắc thuế cũng cấp bách không kém, đó là luật thuế TNCN với các ngưỡng thuế quá lạc hậu, đã phản ánh lâu nay nhưng chưa được đưa vào các kỳ họp Quốc hội năm nay. Đáng nói là trong khi việc sửa đổi luật thuế này rất chậm trễ thì những yếu tố khiến nó càng trở nên lỗi thời lại không hề ít.

Đó là từ đầu năm nay, một loạt các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cũng chính thức tăng giá, kéo theo thu nhập của người làm công ăn lương thêm teo tóp. Gần nhất tháng 7 tới, kỳ tăng lương tối thiểu vùng 2024 cũng sẽ được áp dụng. Còn nhớ đợt tăng lương gần nhất tháng 7.2023, nhiều người rơi vào tình trạng nhảy bậc thuế khiến cho phần lương tăng thêm không như kỳ vọng. Lần tăng lương này thuế TNCN tiếp tục đứng yên, có nghĩa là sự lạc hậu lại tăng thêm một bậc...

Thực tế, thuế TNCN lỗi thời cũng đã được đặt ra nhiều lần ở nghị trường Quốc hội nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan soạn thảo tiếp thu, sửa đổi và trình lên sớm nhất theo đúng tính cấp thiết của nó. Thậm chí theo kế hoạch thì phải tới giữa năm 2026, những bất cập của luật thuế TNCN mới được sửa đổi. Một sự chậm trễ vô lý và khó hiểu.

Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến tết Nguyên đán nhưng sức mua vẫn hết sức èo uột. Đó là minh chứng rõ nhất cho khó khăn của người dân nói chung, người làm công ăn lương nói riêng. Nó cũng cho thấy việc sửa đổi thuế TNCN không chỉ cấp bách mà còn là sự sẻ chia cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.