Bác sĩ trò chuyện: Đừng để xét nghiệm rồi… lo!

25/09/2016 11:59 GMT+7

Không ít lần tôi nhận các câu hỏi từ bạn bè, những thắc mắc về kết quả các xét nghiệm nhận được cũng như phương thức điều trị mà bác sĩ đưa ra, và bỗng dưng 'lợn lành thành lợn què' sau khi được điều trị.

Qua các trường hợp đó, tôi mới nhận ra rằng có lẽ đã có sự hiểu nhầm trong ba thuật ngữ: “khám (tìm) bệnh”, “tầm soát bệnh” và “khám sức khỏe tổng quát” - ở cả người thầy thuốc chứ không chỉ ở bệnh nhân.
Một trường hợp đơn cử. Một bạn trẻ 21 tuổi. Một ngày hẳn trời hanh, mẹ đưa cả nhà đi khám sức khỏe tổng quát. Em được cho làm tất cả hơn 20 xét nghiệm cả máu, nước tiểu và hình ảnh. Ngày nhận kết quả, em được chẩn đoán nhịp tim chậm và cần phải điều trị. Em được bác sĩ kê đơn các loại thuốc kích thích làm tăng nhịp tim. Sau ba ngày dùng thuốc, em có cảm giác như bị “gắn điện” trong người. Lúc nào em cũng thấy không yên, bồn chồn, đánh trống ngực, đỏ phừng mặt, toát mồ hôi. Đêm ngủ không được. Hỏi rõ bệnh cảnh, tôi khuyên em dừng hết thuốc. Người mẹ có vẻ phân vân với ý kiến ngược này. Sau nghe giải thích rõ ràng, mẹ và cháu làm theo. Hai hôm sau báo lại, cháu bình thường rồi. Lý do: Em có nhịp tim chậm, có lẽ sinh ra đã thế, hoặc ở những người rèn luyện thể lực cũng gặp điều này. Em chưa bao giờ có biểu hiện bệnh tật gì. Khi làm điện tim có nhịp chậm quá không như bình thường, bác sĩ đã cho em uống thuốc tăng nhịp tim, mới gây ra triệu chứng vừa tác dụng phụ của thuốc, vừa bắt tim em làm việc quá mức. Ai cũng biết rằng nhịp xoang chậm nếu không có triệu chứng thì đó lại là nhịp tốt, chứng tỏ tim của em hoạt động rất hữu hiệu. Một nhát bóp của tim em có thể bằng gần 2 lần bóp so với tim của bạn em.

Vai trò của y tế bao gồm hai chức năng căn bản: chữa bệnh và phòng bệnh. Theo tiến bộ của y khoa thì vai trò phòng bệnh ngày càng được đặt nặng hơn vì chữa bệnh có nghĩa là chuyện đã rồi. Quan trọng là làm thế nào ngăn chặn trước khi bệnh có thể xảy ra. Mặt khác, bệnh tật không phải lúc nào cứ hễ có bệnh là mới có triệu chứng mà nhiều khi triệu chứng tiềm ẩn. Vì lý do đó mà việc tầm soát bệnh ra đời. Ngoài ra, một số ngành nghề trong xã hội đòi hỏi sức khỏe tốt về thể lực và tinh thần rất cao, điều đó phải được qua thăm khám kỹ lưỡng nên mới có khái niệm “khám sức khỏe tổng quát”.
Khám bệnh
Chỉ khi một người có cảm nhận khác biệt về mặt sức khỏe, họ đến gặp thầy thuốc. Thầy thuốc khi đó dựa trên lời khai của bệnh mà tổng hợp lại để xem bệnh nhân có khả năng mắc bệnh gì nhiều nhất. Người thầy thuốc căn cứ vào triệu chứng ban đầu, lý do mà bệnh nhân phải đến gặp để làm điểm khởi phát. Chuyện khám bệnh trong y khoa cũng như chuyện đi tìm kẻ trộm trong hình sự. Dựa trên sự khai báo của nạn nhân, có nhiều chi tiết càng tốt, rồi thanh tra sẽ dựa vào đó mà truy tìm dấu vết tội phạm dựa trên tổng hợp các bằng chứng, và dựa trên hồ sơ lưu trữ tội phạm mà có thể hoặc lần ra ngay tung tích, hoặc không hay chưa tìm ra tung tích.

Trong trường hợp tổ hợp triệu chứng chưa đủ để kết luận hoặc loại trừ một căn bệnh chính nào hoặc chưa đủ để xác định hoặc loại trừ mức độ nghiêm trọng của biểu hiện thì lúc đó các xét nghiệm phụ trợ mới được sử dụng tới. Rõ ràng, việc sử dụng xét nghiệm nào cũng phải được lượng hóa, lập luận logic dựa trên các biểu hiện hiện có mà đặt ưu tiên, chứ không phải "rải thảm" xét nghiệm để tìm bệnh.
Quyết định của thầy thuốc dựa trên các triệu chứng ban đầu, vì thế chỉ mang tính thời điểm trong khi bệnh thì vẫn tiếp diễn. Do đó, nếu đúng như kỳ vọng ban đầu thì bệnh theo chiều hướng tốt và khỏi. Ngược lại, bệnh có thể không giảm hoặc tiến triển xấu hơn, vì thế mà thầy thuốc luôn dặn người bệnh cần phải theo dõi thêm ở nhà để quay lại tái khám, trừ những trường hợp phải chuyển vô bệnh viện điều trị ngay.
Tầm soát (hay sàng lọc) bệnh
Tầm soát bệnh tật là một quy trình ngược lại với việc khám bệnh. Tầm soát bệnh đi từ hiện tượng cá thể đến khái quát hóa cho một cộng đồng lớn. Lại hình dung như ví dụ tội phạm: Ở đây không có sự khai báo nào cả nhưng để giữ yên cho cộng đồng hay từ cá thể trong cộng đồng đó thì lực lượng tư pháp cần có các biện pháp truy tìm, sàng lọc tội phạm lẩn quất trong cộng đồng. Những đối tượng có nguy cơ cao sẽ được thanh lọc, rồi bằng phương pháp loại dần để bắt đúng đối tượng. Cho nên ở đây cũng sẽ xảy ra tình huống là không thể sàng lọc được, bỏ sót hoặc bắt nhầm. Và dĩ nhiên các loại tội phạm cần phải thanh lọc trong cộng đồng là các tội phạm nguy hiểm, có ảnh hưởng nghiêm trọng và đem lại hiệu quả đáng kể cho cá thể và cộng đồng chứ không nên thanh lọc tội phạm ăn cắp vặt cỏn con.

Việc tầm soát bệnh cũng tương tự như thế. Xuất phát từ tính nghiêm trọng của bệnh tật trên bệnh nhân và hệ lụy đến cộng đồng, các nhà chuyên môn mới tiến hành nghiên cứu tính hiệu quả kinh tế (cost effectiveness) của việc tầm soát bệnh, và chỉ những bệnh nào có thể đáp ứng được tiêu chí nghiêm trọng, hiệu quả và có thể dùng biện pháp tầm soát được thì mới đưa vào chương trình tầm soát trong cộng đồng.
Ai cũng hiểu đa số các bệnh ung thư đều được đưa vào tầm ngắm của tầm soát vì tính nghiêm trọng của nó, với kỳ vọng phát hiện sớm thì có thể điều trị được. Thế nhưng không phải loại ung thư nào cũng tầm soát có hiệu quả. Cho đến nay chỉ có một vài loại ung thư được đưa vào chương trình tầm soát mà thôi, bao gồm ung thư vú và ung thư cổ tử cung ở phụ nữ và ung thư ruột già. Mới đây việc phát hiện sớm ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới đã bị loại ra khỏi chương trình tầm soát rộng rãi.

Ngoài ra, việc tầm soát bệnh còn áp dụng cho nguy cơ bệnh phổ biến theo nhóm lứa tuổi. Điều này không phải thành chương trình áp dụng đại trà mà chỉ là nhân cơ hội. Nó chẳng khác nào một anh thám tử mặc thường phục đi rảo trong phố, ghé ngang nói chuyện bâng quơ, rồi thỉnh thoảng hỏi giấy tờ tùy thân, may ra thì cũng chụp được một vài kẻ gian trá hình. Thí dụ như ở giới trẻ những người có sinh hoạt tình dục thì gợi ý thử nước tiểu tìm vi khuẩn lây đường tình dục mỗi năm một lần hoặc những người trung niên có nguy cơ cao về bệnh tiểu đường hay tim mạch thì làm xét nghiệm để sàng lọc. Có những xét nghiệm sàng lọc có tính xác quyết như đường máu chẳng hạn. Nhưng không ai khuyên tất cả mọi người phải đi làm thử nghiệm đường máu định kỳ do đặc thù của bệnh không phải phổ biến trong toàn dân và như thế sẽ rất tốn kém một cách không cần thiết. Một số xét nghiệm sàng lọc khác thì độ nhạy để chẩn đoán cũng như độ đặc hiệu để loại trừ không tốt nên dễ bị chẩn đoán nhầm. Hoặc khi làm ra kết quả không nằm trong trị số được cho là bình thường thì không biết cách diễn dịch ra sao. Vì những xét nghiệm đó đều có tính có điều kiện chứ không đơn lẻ mà có thể xác quyết bệnh tật.
Trường hợp đơn cử em thanh niên ở trên là rơi vào tình cảnh này. Em đang yên đang lành, không có triệu chứng gì, người nhà đưa em đi xét nghiệm tổng quát, tình cờ thấy nhịp tim chậm rồi được đề nghị điều trị mới sinh ra bệnh do điều trị gây ra. Lý do nhịp tim chậm là có thể hoàn toàn bình thường và rất hay gặp, ở những người trẻ khỏe như đã nêu trên. Nó hoàn toàn ngược với việc giả như nếu em có biểu hiện đau ngực, khó thở, choáng váng, rồi đến khám làm điện tim thấy mạch chậm, thì đó lại là có vấn đề.

Khám sức khỏe tổng quát
Đây là một dạng khám sức khỏe đặc biệt áp dụng cho từng mục tiêu cụ thể như thi tuyển phi công, nhập quân ngũ, nhân viên ngành y tế vân vân. Tùy mức độ đòi hỏi sức khỏe thể lực mà yêu cầu thăm khám ở mức độ ngặt nghèo khác nhau. Vấn đề không phải là có bệnh hay không mà tiêu chí của những tuyển lựa khó khăn là thà loại nhầm còn hơn chọn nhầm, cho nên bất kỳ các xét nghiệm bình thường hay không, miễn nằm ngoài trị số tham chiếu hoặc họ loại hoặc họ gửi đi bác sĩ chuyên khoa khám xét cẩn thận trước khi cho lời khuyên. Giống như chiều cao, không phải người thấp là không khỏe nhưng vì không đáp ứng được tiêu chí tuyển chọn phi công thì sẽ bị loại.
Hy vọng qua bài viết này mọi người có thể hiểu được mục đích đi gặp bác sĩ của mình để có thể hiểu được các tư vấn của bác sĩ chứ không nên đòi hỏi thầy thuốc phải làm gì cho bạn. Ngược lại, đối với các đồng nghiệp trẻ mới vào nghề, cần tư vấn đúng đắn cho người dân và người bệnh của mình. Đều là chăm sóc sức khỏe nhưng khám tìm bệnh, tầm soát bệnh và khám sức khỏe tổng quát hoàn toàn đáp ứng những mục đích khác nhau, không nên nhầm lẫn.

tin liên quan

Bác sĩ ơi: Hở van tim 1/4 có đáng lo?
Nhiều người khi khám sức khỏe định kỳ rất lo lắng khi thấy kết quả siêu âm tim ghi hở van tim hai lá 1/4, với mức độ này liệu có nguy hiểm?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.