(TNTS) Đau mắt đỏ là bệnh phổ biến ở vùng nhiệt đới và thường phát thành dịch vào dịp mùa hè đến đầu mùa thu. Làm thế nào để phòng và chữa trị bệnh hiệu quả?
Ảnh: Shutterstock
|
Ở nước ta, dịch đau mắt đỏ đã bùng phát tại một số thời điểm ở một số nơi trong những năm gần đây. Chẳng hạn vào tháng 9.2014, dịch bệnh đã lây lan trên diện rộng tại Hà Nội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe và việc học của học sinh.
Các nguyên nhân gây viêm kết mạc
Đỏ mắt là biểu hiện của nhiều bệnh khác nhau. Theo bác sĩ, tiến sĩ Trần Hải Yến - Phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, một số bệnh sau đây có thể khiến mắt bị đỏ bất thường: viêm kết mạc, viêm kết mạc dị ứng, glaucome cấp (hay còn gọi là cườm nước, hoặc tăng áp cấp), chấn thương kết - giác mạc, xuất huyết kết mạc, mộng viêm, viêm màng bồ đào, viêm mủ nội nhãn... Trong đó, đau mắt đỏ là tên gọi thông thường của bệnh viêm kết mạc. Kết mạc là màng mô mỏng che phủ phần lòng trắng của mắt và mặt trong (mặt tiếp xúc với nhãn cầu) của mi mắt. Một khi màng này bị viêm thì sẽ gây viêm kết mạc.
Trong đa số trường hợp bị đau mắt đỏ, bệnh diễn tiến lành tính, thường khỏi sau 1-2 tuần. Có một số trường hợp bệnh diễn tiến nặng, kéo dài như viêm kết mạc phối hợp viêm giác mạc (giác mạc là phần nằm trước nhất tại tròng đen của mắt), viêm kết mạc do Adenovirus... Một số trường hợp viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh do nhiễm trùng từ mẹ khi trẻ được sinh qua ngả âm đạo có thể diễn tiến nặng.
Viêm kết mạc thường gặp do nguyên nhân nhiễm trùng. Nhiễm trùng có thể do siêu vi, vi khuẩn. Dạng thường gặp nhất là viêm kết mạc cấp. Ngoài ra, một số nguyên nhân ít gặp hơn là viêm kết mạc dị ứng, viêm kết mạc kích ứng.
Người ta thường dặn nhau tránh nhìn vào mắt người bị bệnh đau mắt đỏ bởi lo ngại... bị lây bệnh. Về vấn đề này, bác sĩ, tiến sĩ Trần Hải Yến cho biết: viêm kết mạc do nhiễm trùng (siêu vi, vi trùng) là bệnh lý lây lan. Tuy nhiên, nếu ta chỉ nhìn vào mắt người bệnh thì không bị lây bệnh.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm kết mạc như: bụi bẩn vào mắt, dùng chung khăn, gối với người bị viêm kết mạc... Có một thói quen ít người quan tâm nhưng lại rất dễ khiến bệnh lây lan hoặc làm cho bệnh nặng thêm, đó là thói quen dụi tay lên mắt. Khi bị viêm kết mạc, mắt bạn thường cảm thấy cộm xốn, ngứa, khó chịu, nên bạn thường dụi mắt. Động tác này không giúp làm giảm bệnh, mà khiến tay bạn bị nhiễm tác nhân gây bệnh. Sau đó, bạn chạm vào tay người khác hay vật dụng dùng chung với họ. Người đó đưa tay nhiễm tác nhân gây bệnh lên dụi mắt sẽ bị viêm kết mạc.
Để phòng bệnh, chúng ta nên đeo kính khi ra đường, khi đến những nơi nhiều bụi bẩn; không dùng chung khăn, thuốc nhỏ mắt, dụng cụ trang điểm mắt... với người bị viêm kết mạc; không dụi tay lên mắt; rửa tay với dung dịch sát trùng hoặc xà phòng thường xuyên; thay, giặt áo gối thường xuyên, đặc biệt áo gối của người bị viêm kết mạc.
Viêm kết mạc thường gây đỏ mắt, nhiều ghèn, sưng phù mi/kết mạc, cộm xốn. Tuy nhiên, nếu có những triệu chứng sau, bạn hãy đến ngay cơ sở y tế vì có thể bệnh diễn tiến nặng hơn hoặc mắt đỏ là do bệnh lý khác: nhìn mờ, đau nhức, nhiều lợn cợn như bụi bẩn trước mắt.
Có nhiều nguyên nhân bệnh lý biểu hiện bởi triệu chứng đỏ mắt, nên đến khám và tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa mắt để có được chẩn đoán và điều trị đúng. Vì có những nguyên nhân có thể gây giảm thị lực vĩnh viễn nếu chậm hoặc tự điều trị. Tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị, đặc biệt những thuốc có chứa thành phần corticoid (steroid) - tiến sĩ, bác sĩ Trần Hải Yến khuyên.
Nhỏ thuốc như thế nào ?
Corticoid (steroid) là loại thuốc kháng viêm mạnh. Thuốc có thể được chỉ định trong một số bệnh lý. Tuy nhiên, thuốc có 2 tác dụng phụ quan trọng là gây đục thủy tinh thể (cườm nước) và glaucome (tăng nhãn áp hay cườm nước). Hai bệnh này đều gây giảm thị lực. Đặc biệt, glaucome là bệnh lý tổn thương thần kinh thị giác, gây giảm thị lực vĩnh viễn, có thể dẫn đến mù nếu không kịp phát hiện, điều trị. Vì vậy, bệnh nhân phải dùng thuốc theo hướng dẫn và tái khám theo hẹn để bác sĩ có thể điều chỉnh thuốc cũng như kịp thời phát hiện những biến chứng này.
Một số thuốc trong điều trị cũng được khuyên không nên dùng hoặc chưa rõ ảnh hưởng cho phụ nữ có thai và cho con bú. Vì vậy, nếu bệnh nhân đang có thai hoặc cho con bú, hãy báo cho bác sĩ biết, để bác sĩ lựa chọn những loại thuốc phù hợp.
Nếu bác sĩ cho nhiều loại thuốc nhỏ mắt, bệnh nhân nên lưu ý những điều sau: Đối với thuốc là nước muối sinh lý: đây là nước muối sạch, phù hợp khi nhỏ mắt. Thường bác sĩ chỉ định để bệnh nhân rửa mắt. Đối với viêm kết mạc, mỗi lần vệ sinh mắt, bệnh nhân có thể nhỏ nhiều giọt (9-10 giọt) để rửa trôi ghèn, bẩn của mắt. Có thể rửa nhiều lần trong ngày nếu ghèn nhiều. Không nên dùng nước muối tự pha, vì có thể không vô trùng và không đúng nồng độ. Thường sau khi vệ sinh mắt, bệnh nhân sẽ nhỏ các thuốc điều trị. Đối với các thuốc khác: có thể nhỏ thuốc nào trước hay sau cũng được. Tuy nhiên, các thuốc nên nhỏ cách nhau 5-15 phút.
Bình luận (0)