Huy động mọi nguồn lực để phát triển y tế

07/03/2016 05:21 GMT+7

Những bức xúc về sự quá tải bệnh viện, giá thuốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, thu hút vốn và chủ trương xã hội hóa y tế ở TP.HCM được đưa ra trong Hội nghị phối hợp công tác giữa Bộ Y tế và TP.HCM.

Những bức xúc về sự quá tải bệnh viện, giá thuốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, thu hút vốn và chủ trương xã hội hóa y tế ở TP.HCM được đưa ra trong Hội nghị phối hợp công tác giữa Bộ Y tế và TP.HCM.

Người nhà và bệnh nhi nằm chen chúc trên hành lang BV Nhi đồng 1 - Ảnh: Lương NgọcNgười nhà và bệnh nhi nằm chen chúc trên hành lang BV Nhi đồng 1 - Ảnh: Lương Ngọc
Hội nghị diễn ra chiều 6.3, tại TP.HCM.
Cuộc họp dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Trước khi diễn ra hội nghị, buổi sáng cùng ngày ông Đinh La Thăng cùng đoàn Bộ Y tế đến kiểm tra công trình xây dựng BV Nhi đồng TP ở H.Bình Chánh, Trạm y tế P.Bình Hưng Hòa A (Q.Bình Tân), BV Hoa Lâm, BV Chấn thương chỉnh hình.
“Vừa nhận bằng khen vừa run”
Hội nghị nóng lên khi bác sĩ (BS) Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương, cho hay có một thực tế phải nhìn nhận là ngay cả nhân viên y tế nếu vào Bệnh viện Ung bướu TP đều không thể chấp nhận được khi một giường bệnh mà có quá nhiều bệnh nhân. “Chúng ta đang loay hoay. Cứ nói người bệnh hài lòng nhưng cơ sở vật chất của các BV không thể chấp nhận được. Bao nhiêu năm qua bình cũ mà rượu cũng cũ. Người dân ngoài việc được mong đợi còn có quyền đánh giá chất lượng dịch vụ của BV”, ông Chiến nói.
BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi đồng 1, cho hay BV Nhi đồng 1, 2 phụ trách hầu hết các bệnh nhân nhi ở khu vực phía nam. Riêng BV Nhi đồng 1 mỗi ngày khám chữa bệnh từ 5.000 - 8.000 lượt bệnh nhân. Trong 9 ngày tết vừa qua, dù là dịp nghỉ nhưng mỗi ngày BV Nhi đồng 1 phải tiếp nhận 3.000 ca. Ông Hùng nói mới đây BV nhận bằng khen của Bộ Y tế nhưng “vừa nhận vừa run” vì “với lượng bệnh nhân quá nhiều không biết có đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh tốt hay không”.
Trong báo cáo gửi hội nghị, BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP, cho biết do lượng người khám quá nhiều nên các BV ở TP như Ung bướu, Nhi đồng, Chấn thương chỉnh hình, Gia Định... luôn ở trong tình trạng quá tải.
Cho tự chủ mà cái gì cũng phải xin
BS Phan Văn Báu, Giám đốc BV Nhân dân 115, cho hay đầu tư cho các BV ở TP chính là đầu tư cho y tế cả nước. Vừa qua, các quy định về xã hội hóa lĩnh vực y tế đã phần nào mở nguồn lực cho các cơ sở y tế phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các BV tư với trang thiết bị hiện đại lại rất vắng bệnh nhân, trong khi BV công luôn quá tải. Do đó, cần có cơ chế hợp tác, liên kết các BV công và tư với nhau để chia sẻ bệnh nhân với nhau. Ông Báu cũng kiến nghị nên có chính sách cho BV tự chủ về tài chính.
Liên quan đến vấn đề đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế, BS Nguyễn Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng cần phân biệt nguồn vốn đến từ đâu. Nếu đơn vị đó tự chủ thu chi thì nên cho phép được tự đấu thầu thuốc và trang thiết bị. Sở Y tế chỉ quản việc đấu thầu đối với đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Hiện TP có 7 BV hoàn toàn tự chủ và cần có chính sách riêng cho những BV trong đấu thầu.
Tuy nhiên, bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM, không tán thành việc cho phép BV tự đấu thầu, với lý do “Theo luật, cơ quan BHXH TP phải tham gia vào hội đồng đấu thầu đó. Nếu bây giờ cho phép các BV tham gia đấu thầu thì cơ quan BHXH sẽ không thể tham gia vì không đủ người”. Ngoài ra, theo bà Huyền, hầu hết BV quận, huyện có nhu cầu thuốc gần giống như nhau. Hai năm qua, thuốc qua đấu thầu có giá tương đối tốt. Do đó nếu không quản lý tốt việc đấu thầu thuốc ở TP sẽ khiến giá thuốc không đồng nhất giữa các hội đồng thầu...
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP, đề xuất không phải loại thuốc nào cũng đấu thầu và cần tăng cường tính tự chủ của BV. “Khi đi nắm tình hình ở các BV, tôi rất là đau ở chỗ chúng ta cho tự chủ, nhà nước không chi tiền nữa nhưng bất cứ cái gì từ tổ chức, tài chính cho tới mua sắm cũng phải xin. Cơ chế xin cho làm mất thời gian và làm nảy sinh nhiều vấn đề”, bà Lan nói, đồng thời kiến nghị cần có biện pháp hạn chế tình trạng trung gian và hoa hồng kê đơn thuốc.
“Nếu chậm tiến độ sẽ thay thế nhà thầu khác”
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng muốn phát triển y tế thì TP phải xã hội hóa, kết hợp với mô hình công - tư. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Y tế, việc huy động xã hội hóa trong lĩnh vực y tế ở TP chưa đạt hiệu quả cao và cần có cơ chế đột phá thu hút.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng yêu cầu phải rà soát lại chiến lược quy hoạch ngành y tế phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế TP giai đoạn 2015 - 2020, từ đó có những điều chỉnh về chiến lược phát triển. Dự án nào cần thiết thì phải làm ngay, còn không cần thì dừng lại. Để giải quyết vấn đề quá tải, Sở Y tế phải đốc thúc các dự án cần thiết. Trong đó, phải cố gắng đưa BV Nhi đồng TP ở H.Bình Chánh hoạt động vào tháng 9.2016 chứ không chờ đến cuối năm. TP cũng phải có phương án bố trí đất để xây mới BV Chấn thương chỉnh hình.
“Nếu chậm tiến độ sẽ thay thế nhà thầu khác. Phải huy động mọi nguồn lực để phát triển y tế. Không sợ xã hội hóa sẽ làm mất định hướng xã hội chủ nghĩa vì định hướng xã hội chủ nghĩa là làm cho cuộc sống người dân ấm no, hạnh phúc. Chủ trương xã hội hóa y tế đang đi theo hướng đó”, ông Thăng nhấn mạnh.
Ông Thăng cũng đề nghị UBND TP phân cấp cho Sở Y tế và Sở Y tế phân cấp cho các BV về chế độ tài chính, cán bộ, đấu thầu, trừ một số thuốc buộc phải đấu thầu tập trung. TP cũng phải xây dựng đề án phát triển công nghiệp dược cũng như quản lý tốt việc phân phối và giá thuốc.
“Đúng luật mà cứ bắt người dân TP ăn bẩn là không được”
Tại cuộc họp, đề cập đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Đinh La Thăng đề nghị phải quy đầu mối trách nhiệm về Sở Y tế. Trước một số bàn tán về việc chưa có quy định quy trách nhiệm về một đầu mối, ông Thăng nói với Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh: “Luật và thông tư chưa phù hợp thì phải sửa. Chưa sửa được TP.HCM đề nghị cho làm thí điểm giao cho Sở Y tế với mục đích người dân TP ăn thực phẩm tốt hơn, an toàn hơn. Bây giờ cứ đúng luật, đúng thông tư mà bắt người dân TP ăn bẩn là không được”.
Sau cuộc họp, trả lời PV Thanh Niên, ông Bỉnh cho hay việc quy đầu mối còn vướng thông tư nhưng nếu Bí thư Thành ủy giao thì phải chấp hành. Trước câu hỏi việc giao về đầu mối liệu Sở Y tế có quản được thực phẩm bẩn không, ông Bỉnh nói sẽ làm quyết liệt vì đó là trách nhiệm của ngành y tế nhưng chưa dám hứa làm được hay không vì còn vướng thủ tục.
T.H - Lương Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.