Khi lá gan bị rượu bia tàn phá

21/06/2015 14:02 GMT+7

(TNTS) Lá gan như một 'nhà máy' hằng ngày miệt mài giải độc cho cơ thể. Tuy nhiên, khi lượng rượu bia được hấp thu quá nhiều và thường xuyên, 'nhà máy' trở nên quá tải và cơ thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ lớn.

(TNTS) Lá gan như một “nhà máy” hằng ngày miệt mài giải độc cho cơ thể. Tuy nhiên, khi lượng rượu bia được hấp thu quá nhiều và thường xuyên, “nhà máy” trở nên quá tải và cơ thể phải đối mặt với nhiều nguy cơ lớn.

Khi lá gan bị rượu bia tàn phá
Nhiều người có thói quen vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, không vui không buồn cũng nhậu nên quán nhậu mọc lên như nấm. VN được xếp vào nhóm đầu bảng về tiêu thụ rượu bia trên thế giới là một “thành tích” chẳng đáng tự hào chút nào. Việc uống rượu bia quá nhiều và thường xuyên đã làm tăng nguy cơ bị các bệnh về gan (gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, ung thư gan...) đối với nhiều người, cũng như bệnh nhân gan đang trẻ hóa một cách đáng lo ngại.
Men gan cao, hãy giảm nhậu !
Gan có nhiều nhiệm vụ quan trọng để giữ cơ thể khỏe mạnh, trong đó những nhiệm vụ chính gồm: lọc bỏ các chất có hại ở máu như dược phẩm, hóa chất, rượu; sản xuất enzym và mật để tiêu hóa thực phẩm; chuyển hóa thực phẩm thành những chất cần thiết cho sự sống và sự tăng sinh mô bào; điều hòa lượng đường và chất béo trong máu... Ấy vậy nên khi cơ thể dung nạp độc chất quá nhiều, từ thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại hoặc do việc uống rượu bia quá độ, lá gan trở nên quá tải, lúc đó, gan chẳng những không làm được chức năng của mình mà còn bị tàn phá nghiêm trọng.
Có chàng thanh niên cường tráng, đi khám sức khỏe, bác sĩ bảo: “Men gan tăng cao quá. Anh nhậu nhiều lắm phải không?”. Chàng trai gật đầu. Bác sĩ khuyên: “Giảm nhậu đi, kẻo tội nghiệp lá gan”. Nghe bác sĩ khuyên, chàng trai sợ, dạ vâng. Nhưng kiêng cữ được dăm bữa, chứng nào tật ấy, chiều chiều lại lai rai cùng bạn bè, chiến hữu. Nửa năm sau tới kỳ khám sức khỏe, bác sĩ nhìn kết quả xét nghiệm, kêu lên: “Men gan năm nay tăng cao hơn năm ngoái, cậu cần ngưng nhậu ngay!”. Câu chuyện như trên ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ VN và nó cho thấy một thực trạng đáng báo động, đó là tệ nạn bia rượu quá đà đã làm tăng số người bị gan nhiễm mỡ, viêm gan do rượu, xơ gan, và nguy hiểm nhất là chuyển sang ung thư gan. Đặc biệt, khi “chất cồn” phối hợp với các loại vi rút, vi trùng gây viêm gan thì lá gan sẽ càng bị tàn phá nặng nề hơn. Ở nước ta, ung thư gan phổ biến thứ nhì sau ung thư phổi, trong đó rượu bia đóng vai trò không nhỏ.
Theo Th.S-BS Cao Xuân Minh, Giám đốc Phòng khám đa khoa Ngọc Minh (TP.HCM), men gan là chỉ số nói lên mức độ hủy hoại của tế bào gan. Men gan càng cao thì mức độ hủy hoại càng tăng. Tế bào gan có thể bị hủy hoại khi viêm do vi rút, vi trùng, hóa chất... Trong đó, rượu là một trong những thủ phạm đáng sợ. Khi men gan tăng cao nghĩa là gan đang bị hoại tử tế bào, uống rượu vào sẽ khiến tình hình nặng thêm, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng hơn.
Tại sao men gan cao phải giảm nhậu? Bác sĩ Cao Xuân Minh cho biết: “Rượu là hóa chất mà gan là cơ quan giải độc cho cơ thể. Khi quá nhiều rượu vào cơ thể thì gan không thể giải độc hết và tế bào gan bị tàn phá. Quá trình này kéo dài sẽ khiến gan không còn đủ tế bào đảm bảo chức năng giải độc cho cơ thể, dẫn tới xơ gan”. Vì thế, uống ở mức độ ít, trong khả năng chịu đựng và giải độc của lá gan thì mới hạn chế nguy cơ tế bào gan bị hủy hoại, qua đó duy trì được chức năng gan.
Nhậu nhẹt liên miên là một thói quen xấu, vừa tốn tiền vừa hại sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Và từ thói quen xấu này, dân nhậu lại có thêm nhiều thói quen xấu nguy hiểm khác. Nhiều người cứ uống vào một ly là chẳng thèm ăn gì, chỉ uống tù tì, không ăn cho đến “hết trận”.
Nói về thói quen xấu này, bác sĩ Cao Xuân Minh cho biết: uống rượu trong tình trạng bụng đói, rượu sẽ nhanh chóng hấp thu vào cơ thể với tốc độ rất cao. Khi đó, nồng độ rượu trong máu tăng lên, làm người uống nhanh say hơn, gan giải độc cũng không kịp nên tổn thương tế bào gan xảy ra. Thêm vào đó, khi thực hiện chức năng giải độc, gan cũng cần nguyên liệu để sản xuất chất giải độc. Nhậu nhiều mà không ăn thì thiếu nguyên liệu, do đó gan bị ngộ độc và tế bào gan bị phá hủy, dễ dẫn đến xơ gan. Đặc biệt, người nhậu rượu đế có nồng độ cồn cao kèm theo mồi nhậu là cóc, ổi rất thường dễ bị xơ gan, bác sĩ Minh cảnh báo.
Những hậu quả nghiêm trọng
Chén rượu là “nghi thức” xã giao đôi khi không thể thiếu trong nhiều hoạt động của đời sống. Tuy nhiên, việc uống rượu thường xuyên và quá đà sẽ dẫn tới nhiều bệnh về gan nghiêm trọng. Trong đó, gan nhiễm mỡ là giai đoạn sớm nhất của bệnh gan liên quan tới thói quen uống bia rượu. Nếu phát hiện gan nhiễm mỡ, thông qua siêu âm hoặc các xét nghiệm, bệnh nhân cần ngừng uống rượu vào giai đoạn này để các tế bào gan có thể phục hồi. Trường hợp bệnh nhân vẫn cố chấp, tiếp tục uống thì sẽ có nguy cơ mắc các chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn viêm gan do rượu.
Ở giai đoạn gan đã bị viêm, người bệnh cảm thấy chán ăn, đau bụng, nôn, buồn nôn, nặng hơn nữa là sốt và vàng da. Viêm gan do rượu có thể gây tử vong hoặc làm bệnh trở nên nặng hơn, nhất là ở những người có bệnh gan từ trước như viêm gan siêu vi C. Khi tế bào gan bị viêm và hư hại kéo dài, tế bào chết dần được thay thế bằng các mô xơ và bắt đầu quá trình xơ gan.
Theo các bác sĩ, có khoảng 20% số người uống rượu kéo dài bị biến chứng này và khi đã bị xơ gan rồi thì khó có thể hồi phục. Biến chứng xơ gan kết hợp với các tác nhân khác còn có thể dẫn tới ung thư gan và nếu không phát hiện sớm, người bệnh sẽ tử vong rất nhanh.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến lá gan bị tàn phá, trong đó, vi rút, hóa chất độc hại và rượu bia là những kẻ tàn phá “nhiệt tình” nhất. Vì thế, theo lời khuyên của bác sĩ, kiêng cữ rượu bia hoặc sử dụng với một mức độ vừa phải là phương pháp đơn giản nhất để hạn chế nguy cơ bị bệnh gan.
Trong trường hợp phát hiện các biến chứng như gan nhiễm mỡ, viêm gan hoặc thậm chí xơ gan, việc ngừng uống rượu bia và các chất kích thích khác là biện pháp cần được thực hiện trước tiên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.