Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy những người ngủ nhiều hơn 9 tiếng mỗi ngày có nguy cơ bị bệnh tiểu đường cao hơn người ngủ 7, 8 tiếng mỗi ngày đến 50%.
Nhịp sinh học bị rối loạn dễ gây bệnh tiểu đường - Ảnh minh họa: Shutterstock |
Bên cạnh đó, một nghiên cứu mới được công bố trên Diabetologia (tạp chí của Hiệp hội châu Âu cho các nghiên cứu về bệnh tiểu đường) phát hiện phụ nữ ngủ nhiều hay ít đều có liên quan với nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2.
Sau khi khảo sát hơn 59.000 phụ nữ tuổi từ 55 - 83, trưởng nhóm nghiên cứu - tiến sĩ Elizabeth Cespedes - tại Trường y tế công cộng thuộc Đại học Harvard (Mỹ) nhận thấy ngủ ít hơn 6 giờ hay nhiều hơn 8 giờ kéo dài trong vài năm đặt phụ nữ lớn tuổi vào nguy cơ mắc tiểu đường cao đến 15%. Theo tiến sĩ Cespedes, việc giảm thời gian ngủ làm ảnh hưởng chất lượng chế độ ăn uống và hoạt động thể chất, trong khi tăng thời gian ngủ dẫn đến tăng cân.
Mất ngủ có nguy bị bệnh tiểu đường loại 2 - Ảnh: Shutterstock
|
Mất ngủ bị tiểu đường
Cùng quan điểm với tiến sĩ Cespedes, tiến sĩ Li Yanping cũng thuộc Đại học Harvard và các đồng nghiệp cho biết sau khi phân tích dữ liệu từ 133.353 phụ nữ không mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và ung thư đã cho kết quả, sau 10 năm có tổng cộng có 6.407 trường hợp phụ nữ bị mất ngủ phát triển bệnh tiểu đường loại 2.
Tình trạng mất ngủ mạn tính được nhóm nghiên cứu ghi nhận như: khó ngủ, ngủ ít hơn 6 giờ/ngày, thường ngáy, ngưng thở lúc ngủ, rối loạn giấc ngủ do làm việc ca đêm. Tất cả các triệu chứng này có thể làm tăng nguy cơ đái tháo đường loại 2. Các nhà nghiên cứu nhận thấy chỉ cần một triệu chứng mất ngủ nêu trên là có thể khiến tỷ lệ nguy cơ đái tháo đường tăng 45%. Tuy nhiên, nguy cơ tiểu đường có thể giảm xuống đáng kể nếu chú ý giữ thể trọng lành mạnh.
Nhóm nghiên cứu cho rằng sinh hoạt tự nhiên hằng ngày của con người là ngày làm việc, tối thư giãn và đêm ngủ ngon. Rối loạn sinh hoạt này ảnh hưởng đến việc tiết các hormone như glucagon, epinephrine, hormone tăng trưởng và cortisol - vốn vận hành song song với việc tiết insulin và góp phần quan trọng để điều chỉnh đường huyết.
Ngủ nhiều cũng bị tiểu đường
Theo Medicalnewstoday, một nghiên cứu tại Mỹ tiến hành trên 9.000 người cho thấy, những người ngủ hơn 9 tiếng/ngày, nguy cơ bị tiểu đường tăng đến 50%. Lý do, trong khi ngủ não và các cơ quan khác ít hoạt động hơn, nên rất dễ dẫn đến tình trạng béo phì, mà béo phì là một trong những nguyên nhân của tiểu đường. Đồng thời, ngủ dậy quá muộn sẽ phá vỡ nhịp đồng hồ sinh học, gây rối loạn nội tiết và ảnh hưởng nghiêm trọng tới tinh thần, thậm chí có thể gây trầm cảm.
Ngủ hơn 9 tiếng/ngày, nguy cơ bị tiểu đường tăng đến 50% - Ảnh: Shutterstock
|
Ngoài ra, các nhà khoa học Anh cũng vừa tuyên bố trong một nghiên cứu gần đây rằng, những người thường ngủ ngày có thể đối diện với sự gia tăng 26% nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường loại 2 hơn so với những người không có thói quen này. Kết quả này dựa trên cuộc khảo sát thói quen ngủ ngày của 16.480 người ở Trung Quốc, do các nhà khoa học thuộc Đại học Birmingham (Anh) thực hiện.
Bác sĩ Shahrad Taheri - người chủ trì nghiên cứu - cho biết sở dĩ có mối liên quan giữa việc ngủ ngày với bệnh đái tháo đường là do những người ngủ ngày thường thiếu ngủ về đêm, ít tham gia vào các hoạt động trong ngày và có lối sống thiếu lành mạnh. Các nhà nghiên cứu quả quyết rằng, nguy cơ này càng gia tăng nếu những người ngủ ngày đã bị béo phì.
Thời gian ngủ cần thiết để cơ thể phục hồi năng lượng phụ thuộc vào lối sống, tính chất công việc và độ tuổi của bạn. Trong những giai đoạn căng thẳng, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và muốn ngủ nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, các nhà khoa học khuyến cáo, người trưởng thành không nên ngủ nhiều hơn 9 giờ/ngày hoặc ngủ ít hơn 6 giờ/ngày.
Bình luận (0)