Ngưng thở lúc ngủ

09/02/2014 03:00 GMT+7

Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, hội chứng ngưng thở lúc ngủ có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề.

 Phần lớn bệnh nhân bị ngưng thở lúc ngủ là do tắc nghẽn ở đường hô hấp trên - Ảnh: Shutterstock
Phần lớn bệnh nhân bị ngưng thở lúc ngủ là do tắc nghẽn ở đường hô hấp trên - Ảnh: Shutterstock

Càng ngủ càng mệt

Trao đổi với PV Thanh Niên, thạc sĩ - bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết mỗi cơn ngưng thở lúc ngủ kéo dài trung bình từ 20 - 30 giây. Tình trạng bệnh được đánh giá theo độ ngưng thở (AHI): nhẹ (từ 5 - 15 lần/giờ), trung bình (từ 15 - 30 lần/giờ); nặng (31 - 50 lần/giờ) và rất nặng (trên 50 lần/giờ). Phần lớn các bệnh nhân bị ngưng thở lúc ngủ là do tắc nghẽn ở đường hô hấp trên (từ mũi tới thanh quản), kế đến là do cơ chế thần kinh. Một số bệnh nhân bị hỗn hợp cả hai dạng trên. Nguyên nhân dẫn đến ngưng thở bao gồm: một số bệnh gây tắc nghẽn (như viêm mũi dị ứng); bất thường cấu trúc hầu họng (hẹp eo họng bẩm sinh, phì đại a mi đan, cơ hô hấp xẹp lại do tuổi tác, di truyền); thừa cân, béo phì (các mô chung quanh vòm họng bị phì đại làm hẹp đường dẫn khí); rượu bia, chất kích thích làm giảm trương lực cơ dẫn đến xẹp đường hô hấp... Còn tắc nghẽn vì cơ chế thần kinh là do bệnh nhân bị tổn thương trung khu hô hấp trên não bộ, vốn có chức năng điều khiển hơi thở khi ngủ.

Việc ngủ ngáy không hẳn là dấu hiệu của bệnh, nhưng tất cả bệnh nhân bị ngưng thở lúc ngủ đều ngáy mỗi đêm, kèm theo các triệu chứng sau: khi ngủ thở phì phò, dồn dập, ngắt quãng; đêm hay thức, sáng dậy mệt mỏi, khô họng, nhức đầu; làm việc thiếu tập trung, thay đổi tính tình (dễ cáu gắt); hay buồn ngủ ngày... Não bị thiếu ô xy do ngưng thở lúc ngủ sẽ “đánh thức” bệnh nhân để thở, cứ vậy lặp lại nhiều lần trong đêm nên bệnh nhân không có giấc ngủ sâu, không phục hồi thể chất, giảm sút trí nhớ, giảm hiệu quả công việc... Bị ảnh hưởng nhiều nhất là tim vì phải bơm máu lên não nhiều hơn khi thức. Về lâu dài bệnh nhân bị hội chứng ngưng thở khi ngủ sẽ có nguy cơ cao huyết áp, lên cơn đột quỵ hay suy tim...

Cần điều trị sớm

Khi có những dấu hiệu về ngưng thở lúc ngủ, người bệnh nên đến các chuyên khoa hô hấp khám ngay để được điều trị sớm nhất có thể. Ở trường hợp bệnh nhẹ, việc điều trị để đưa AHI của bệnh nhân về bình thường (dưới 5 lần/giờ) bao gồm: tập các bài tập giúp cứng cơ vòm họng; đổi tư thế ngủ (nằm nghiêng); nếu cần, dùng dụng cụ hàm để đẩy hàm ra; thay đổi lối sống (giảm cân nếu bị thừa cân, không dùng rượu bia, chất kích thích); trong một số trường hợp có thể được chỉ định dùng thuốc. Ở trường hợp bệnh trung bình, ngoài những biện pháp vừa kể, bệnh nhân có thể được phẫu thuật để thay đổi kích thước lưỡi gà, khẩu cái mềm hay các mô chung quanh vòm họng. Với trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân cần được điều trị bằng máy thông khí áp lực dương liên tục (CPAP): dùng máy CPAP đẩy áp lực dương liên tục để mở đường thở khi ngủ. 

Lan Chi

>> Nhận biết dấu hiệu ngưng thở khi ngủ
>> Tiêm vi hạt ô xy cứu bệnh nhân ngưng thở

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.