Nguy cơ sốc phản vệ

04/06/2016 07:54 GMT+7

Sốc phản vệ gây phản ứng nhẹ sẽ có biểu hiện đỏ da, ngứa. Nhưng nếu phản ứng quá mức, mạch máu giãn nhiều khiến máu không thể lưu thông, bị khó thở, ngất, thậm chí ngừng tim.

Nếu không được cấp cứu kịp thời, trong 5 - 6 phút não không có ô xy thì gây chết não.
Sốc do thuốc, thực phẩm, ong chích...
Số bệnh nhân nhập viện do sốc phản vệ gần đây tăng lên. “Các trường hợp sốc phản vệ thường gặp do thuốc (đặc biệt lưu ý với thuốc tiêm, truyền tĩnh mạch), côn trùng đốt, hóa mỹ phẩm. Và nhiều trường hợp sốc phản vệ do thực phẩm như trái cây, sữa...”, GS-TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết.
Mới đây, một phụ nữ được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai sau khi ăn món bún dọc mùng. “Lần đầu, người này ăn dọc mùng bị ngứa miệng, lần sau ăn lại thì thấy mệt, khó thở nên được đưa đến cấp cứu. Khi đó bệnh nhân khó thở dữ dội, bị mất não do thiếu ô xy...”, GS-TS Nguyễn Gia Bình mô tả.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng gặp những bệnh nhân sốc phản vệ do ăn trứng, hải sản, nhộng. “Chúng tôi từng tiếp nhận một bệnh nhi 14 tuổi, nhập viện điều trị sốc phản vệ sau bữa cơm với nhộng rang. Bệnh nhi vào viện trong tình trạng khó thở rất nặng, da đỏ, huyết áp tụt, phù, hôn mê. Cứ giảm liều thuốc điều trị thì lập tức lại tăng mức khó thở trở lại. Phải điều trị liên tục trong 7 ngày bệnh nhân mới tỉnh”, GS-TS Nguyễn Gia Bình cho hay.
Bị côn trùng đốt cũng có thể gây sốc phản vệ. Có trường hợp bị vài chục con ong đốt mà không gây tử vong, dù phải nhập viện điều trị do nhiễm độc nọc ong. Nhưng có trường hợp chỉ một con ong đốt cũng nguy hiểm tính mạng bởi sốc phản vệ.

tin liên quan

Cứu sống bệnh nhân đã ngưng tim, ngừng thở do sốc phản vệ

(TNO) Ngày 13.10, GS.TS Bùi Đức Phú, Giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế, cho biết các y bác sĩ của bệnh viện vừa cấp cứu thành công phục hồi hoàn toàn một trường hợp ngừng tuần hoàn hô hấp do sốc phản vệ với thuốc gây tê lidocain.

Phải cấp cứu thật nhanh
GS-TS Nguyễn Gia Bình cho rằng nguy hiểm của sốc phản vệ là gây phù hạ họng, thanh quản, phản ứng co thắt phế quản rất mạnh khiến đường thở bị chít hẹp, bệnh nhân không thở được gây thiếu ô xy đến các cơ quan, đặc biệt là thiếu ô xy não. Phản ứng này cũng gây giãn mạch làm giảm lưu thông máu, nếu không khắc phục sớm sẽ gây mất não, tử vong. Chuyên gia lưu ý, nên tránh các thực phẩm đã từng gây dị ứng (sẩn ngứa, đỏ da, phù nề, khó thở); thông báo với bác sĩ về loại thuốc mà mình dị ứng để tránh kê đơn.
80% sốc phản vệ có dấu hiệu ngoài da (đỏ, ngứa), sau đó mới khó thở, trụy mạch, co thắt phế quản. Tuy nhiên, có người biểu hiện khó thở, trụy mạch ngay lập tức, sau đó mới mẩn ngứa. Đặc biệt, với thuốc tiêm truyền thì phản ứng sốc phản vệ xảy ra rất nhanh; còn sốc do dị ứng thức ăn thì chậm hơn.
Hiện nay, do số bệnh nhân có chỉ định tiêm truyền dịch, thuốc, chế phẩm máu tăng nên tần suất bệnh nhân bị sốc phản vệ cũng tăng. Chi phí thuốc cấp cứu sốc phản vệ không đắt tiền, nhưng quan trọng là phải rất nhanh, thời gian tính bằng giây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.