(TNO) Một phương pháp điều trị hiếm muộn có thể làm tăng nguy cơ đứa trẻ được thụ tinh trong ống nghiệm bị tự kỷ hoặc chậm phát triển trí tuệ, theo Reuters ngày 2.7.
Nghiên cứu do một nhóm các nhà khoa học thực hiện tại Anh, Mỹ và Thụy Điển cho thấy, đó là trường hợp những đứa trẻ được sinh ra từ thụ tinh trong ống nghiệm do người cha bị vô sinh.
Dù vậy, nguy cơ trên là rất thấp với khoảng 0,136% nguy cơ bị tự kỷ, so với 0,029% nguy cơ bị tự kỷ ở trẻ được thụ tinh theo cách tự nhiên.
|
Đây là cuộc nghiên cứu có quy mô nhất về vấn đề này và là cuộc nghiên cứu đầu tiên so sánh những phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm hiện nay với nguy cơ rối loạn phát triển tâm thần của trẻ.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của hơn 2,5 triệu trẻ sinh từ năm 1982 đến 2007 và theo sát trẻ đến năm 2009 để ghi nhận liệu trẻ có bị tự kỷ hay chậm phát triển trí tuệ hay không.
Trong tổng số 2,5 triệu trẻ này chỉ có 1,2% trẻ được sinh ra từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, gồm phương pháp truyền thống và phương pháp ICSI.
Phương pháp truyền thống là cho tinh trùng thụ tinh trứng trong đĩa thí nghiệm. Còn phương pháp ICSI là tiêm tinh trùng trực tiếp vào bào tương trứng, thường được khuyến cáo áp dụng cho những trường hợp vô sinh ở nam giới.
Khi tìm hiểu các phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, chúng tôi nhận thấy nhìn chung không có sự gia tăng nguy cơ trẻ bị tự kỷ, theo ông Sven Sandin thuộc Viện Tâm thần, Trường cao đẳng King London (Anh), một thành viên của nhóm nghiên cứu.
Thế nhưng khi chúng tôi tách biệt các phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, chúng tôi phát hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm truyền thống thì an toàn, còn phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm bằng cách tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) thì làm tăng nguy cơ trẻ bị tự kỷ và chậm phát triển trí tuệ, ông Sandin kết luận.
Các bác sĩ và các ông bố bà mẹ nên cân nhắc chọn lựa phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm truyền thống hơn là ICSI, đồng thời sử dụng tinh trùng được phóng ra hơn tinh trùng được phẫu thuật lấy ra từ tinh hoàn, theo nhà nghiên cứu Avi Reichenberg thuộc Viện Tâm lý và Trường Y Mount Sinai (Mỹ), người đứng đầu cuộc nghiên cứu.
Nghiên cứu được công bố trên Journal of the American Medical Association (JAMA).
Đức Trí
>> Những vấn đề cần biết về thụ tinh trong ống nghiệm
>> Chế độ ăn giúp thụ tinh trong ống nghiệm thành công
>> Thụ tinh trong ống nghiệm: Một vẫn tốt hơn hai
>> Hiếm muộn từ nam giới
>> Hiếm muộn dễ khiến phụ nữ mắc chứng tâm thần
>> Thức ăn nhanh có thể gây hiếm muộn
>> Hiếm muộn do không có tinh trùng
>> Thêm tin vui cho người hiếm muộn
Bình luận (0)