Nhiễm trùng bệnh viện: Nguy hiểm hơn bệnh tật

21/10/2009 11:04 GMT+7

Viêm phổi sau mổ liên quan đến thở máy là một biến chứng nặng nề, có tỉ lệ tử vong cao, kéo dài thời gian điều trị, chi phí điều trị rất tốn kém

Nhiễm khuẩn bệnh viện (BV) là sự lan truyền của các loại vi sinh vật gây bệnh tới những bệnh nhân thông qua quá trình điều trị hoặc chăm sóc.

Kháng thuốc trong BV lên đến 64%

Theo các bác sĩ, sự phát sinh bệnh nhiễm khuẩn chủ yếu được gây ra bởi những loại vi sinh vật khác nhau như vi khuẩn, vi nấm và virus. Những vi sinh vật này có thể phát triển ngay trong khi bệnh nhân nằm viện hoặc sau đó.  Điều này đã làm cho BV trở thành một nơi đầy nguy hiểm.

Bệnh nhân là đối tượng đặc biệt dễ bị nhiễm khuẩn bởi lẽ họ đã bị suy yếu vì bệnh tật, thương tổn hoặc sức đề kháng giảm trong trường hợp trẻ sơ sinh, người cao tuổi. Sự kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn, việc thiếu thốn các phương tiện phục vụ công tác vệ sinh trong BV cũng là những yếu tố làm tăng sự phát triển và lan truyền nhiễm khuẩn trong BV.

Những biến chứng về hô hấp và nhiễm trùng sau phẫu thuật là một trong những biến chứng thường gặp nhất và có liên quan với tình trạng hồi phục sức khỏe và tỉ lệ tử vong sau mổ. Tại VN, theo thống kê chính thức của Bộ Y tế, tình hình đề kháng kháng sinh của các vi khuẩn đáng quan tâm đang ở mức rất đáng báo động.

33% tử vong sau mổ do viêm phổi

Theo bác sĩ Nguyễn Tất Bình, Viện Tim TPHCM, viêm phổi sau mổ rất nghiêm trọng và có tỉ lệ tử vong lên đến 33%, nhất là những bệnh nhân đang nằm hồi sức hay thở máy.

Nguyên nhân do bị xẹp phổi hay bệnh nhân hít phải chất dịch trong giai đoạn hồi tỉnh. Vì vậy, người bệnh nên tuân thủ những hướng dẫn nhịn ăn uống trước khi mổ.

Đi lại sớm, tránh nằm lâu một chỗ vì nó có thể làm tăng nguy cơ gây viêm phổi. Sau khi mổ, bệnh nhân nên tập hít thở (tập hít thở mạnh, sâu 10-15 lần/giờ) và ngưng hút thuốc lá.

Tỉ lệ vi khuẩn S. Aureus kháng Methicillin là 49% và Staphylococci Coagulase kháng Methicillin là 45%. Vi khuẩn Pseudomonas Aeruginosa kháng Ceftazidime, Ceftriaxone và Ciprofloxacine theo thứ tự là 46% - 62% - 45%. Còn vi khuẩn Acinetobacter kháng Ceftazidime, Ceftriaxone và Ciprofloxacine theo thứ tự là 64% - 60% - 55%...

60% viêm phổi do thở máy sau mổ

Khảo sát tại BV Nhân dân Gia Định cho thấy viêm phổi ở bệnh nhân sau mổ có thở máy chiếm tỉ lệ rất cao, trong đó đa số là E.coli và Klebsiella và tỉ lệ đa kháng thuốc rất cao.

Tại Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức BV Nhân dân Gia Định, qua khảo sát ghi nhận tỉ lệ viêm phổi BV do thở máy là gần 60%. Trong đó, tỉ lệ viêm phổi do Klebsiella Pneumoniae khoảng 50%, viêm phổi do E.coli chiếm gần 27%; viêm phổi sau mổ do vi khuẩn Pseudomonas Aeruginosa gây ra chiếm 20% và thấp nhất là do vi khuẩn Acinetobacter Baumannii (3,33%). Có hơn 93% mẫu đàm phân lập được vi khuẩn là đa kháng thuốc, kháng với kháng sinh điều trị trước khi có kháng sinh đồ.

Viêm phổi sau mổ là một trong những biến chứng nặng nề nhất, đứng hàng thứ 3 về biến chứng nhiễm trùng sau mổ (sau nhiễm trùng tiểu và nhiễm trùng vết mổ). Tỉ lệ viêm phổi sau phẫu thuật thay đổi từ 9% – 40%, trong đó tỉ lệ tử vong là 30% – 46%, phụ thuộc vào tính chất của phẫu thuật. Bác sĩ Huỳnh Văn Bình, Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức BV Nhân dân Gia Định TPHCM, cho biết có rất nhiều yếu tố nguy cơ liên quan đến viêm phổi sau mổ, trong đó thở máy sau mổ là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất.

Viêm phổi do thở máy sau mổ xảy ra sau 48 – 72 giờ sau khi bệnh nhân được đặt nội khí quản, tình trạng viêm phổi có thể xảy ra sớm hơn nếu bệnh nhân có hít dịch dạ dày. Biến chứng viêm phổi sau mổ liên quan đến thở máy là một biến chứng nặng nề, có tỉ lệ tử vong cao, kéo dài thời gian điều trị, chi phí điều trị rất tốn kém.

Một số vi trùng thường gặp ở bệnh nhân viêm phổi sau mổ do thở máy thường là Pseudomonas Aeruginosa, Klebsiella Pneumoniae, Acinetobacter... đây là những chủng vi trùng có khả năng kháng kháng sinh rất cao, và hiện nay đang là vấn đề nan giải cho các nhà điều trị.

Còn tại BV Chợ Rẫy, ghi nhận của tiến sĩ – bác sĩ Lê Thị Anh Thư và cộng sự về tình trạng nhiễm khuẩn BV cũng cho thấy viêm phổi BV là nguyên nhân thường gặp nhất (chiếm 45%), tiếp theo là nhiễm khuẩn vết mổ (21%), nhiễm trùng tiểu (13%), nhiễm trùng da (11%), nhiễm trùng huyết (10%). Các loại vi khuẩn phân lập được nhiều nhất bao gồm Klebsiella Pneumoniae và Klebsiella spp, Pseudomonas Aeruginosa và Pseudomonas spp, Acinetobacter Baumannii và E.coli và Escherichia spp.

Theo Nhất Phương / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.