Phòng bệnh thủy đậu vào mùa

08/02/2017 15:08 GMT+7

Bệnh thủy đậu hay còn gọi là bệnh 'trái rạ' đang vào mùa theo chu kỳ hằng năm. Ngay từ đầu mùa bệnh đã có những ca nặng. Bác sĩ cảnh báo cần phòng bệnh lây lan và biến chứng nguy hiểm.

Đã có bệnh nhân nặng đầu mùa
Tại Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đã có những ca bệnh thủy đậu nặng dù đây chỉ mới là thời điểm vào đầu mùa bệnh.
Các bác sĩ đang điều trị một trường hợp bệnh nhi chỉ mới 20 ngày tuổi, bị mắc thủy đậu, tình trạng nặng. Được biết, mẹ của em bé bị thủy đậu rồi lây sang con.
Tương tự, một trường hợp khác, bé gái 13 tuổi bị thủy đậu “tấn công” khắp cơ thể. Theo lời mẹ của bệnh nhi, ở nhà không có ai mắc bệnh trước đó, ở trường cũng không. Như vậy, theo ý kiến của bác sĩ, nhiều khả năng bé đã tiếp xúc với siêu vi trong cộng đồng.
Trước đó, trong tháng 1, TP.HCM cũng đã xuất hiện ổ dịch thủy đậu tại khu chế xuất Tân Thuận (quận 7).

tin liên quan

Lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện ca đổi chéo thận ghép
'Sau cuộc ghép thận này, hai gia đình trở thành người nhà. Chị Huề mang trong người quả thận của ba tôi. Còn tôi được ghép thận của mẹ chị Huề. Chúng tôi vô cùng biết ơn ba mẹ, các bác sĩ đã một lần nữa cho chúng tôi nguồn sống', chị Lê Thị Ánh Hồng tâm sự.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết: Hiện vào mùa của bệnh thủy đậu. Bệnh thường xuất hiện vào tháng 2-6 hằng năm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay đã có nhiều ca bệnh nhập viện. Cụ thể, riêng tại Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, đã có hơn 24 ca, một số ca nặng. Đặc biệt, nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh do phụ huynh lây sang.
Bệnh dễ lây lan nhanh
Theo bác sĩ Khanh, bệnh thủy đậu do siêu vi Varicella zoster gây ra, có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu chủ quan. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp và tiếp xúc, đồng thời đây cũng là loại vi rút lây rất dữ nên dễ lây lan trong cộng đồng.
Biểu hiện chính của bệnh là các tổn thương dạng bóng nước trên da và niêm mạc. Sau khi siêu vi xâm nhập cơ thể, phải qua thời gian 10-20 ngày (thời kỳ ủ bệnh) mới xuất hiện các triệu chứng nhiễm siêu vi như: sốt, đau đầu, uể oải.
Đáng lưu ý, bệnh thủy đậu không được điều trị đúng cách có thể biến chuyển rất nặng. Trong đó, biến chứng nguy hiểm là viêm phổi bội nhiễm và nhiễm trùng huyết.
Chích ngừa vắc xin thủy đậu là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất Nguyên Mi
Đặc biệt, bác sĩ Khanh khuyến cáo: Người mắc bệnh thủy đậu dù chưa có biểu hiện nổi mụn trên da (đang trong thời gian ủ bệnh) đã có thể phát tán vi rút ra xung quanh qua đường hô hấp, nước bọt.
Ngoài ra mụn nước nổi trong họng, trong mắt và nổi rất nhanh. Khi trẻ khóc, ho, vi rút bắn ra xung quanh lây cho cả trẻ khác và cả người lớn chưa chích ngừa.
“Hiện nay, tình trạng nhiều người lớn chưa được chích ngừa hoặc trước đó bị mắc bệnh rồi về lây lại cho con trẻ. Một người bị bệnh có thể sẽ lây cho cả nhà, nếu những người trong gia đình chưa được chích ngừa hoặc chưa bị nhiễm bệnh trước đó”, bác sĩ Khanh cảnh báo.

tin liên quan

Bộ Y tế khuyến cáo phòng bệnh bạch hầu
Trước tình hình dịch bạch hầu bùng phát những ngày cuối năm, đã có 2 người tử vong, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có khuyến cáo để phòng bệnh.
Ngoài ra, vi rút thủy đậu cũng có thể truyền từ mẹ sang thai nhi và có thể gây ra dị tật bẩm sinh, thậm chí sẩy thai. Vì vậy, bác sĩ khuyên phụ nữ dự định có thai nên làm xét nghiệm máu để xác định xem họ đã có miễn dịch với bệnh hay chưa. Chích ngừa thủy đậu 1-3 tháng trước khi có ý định mang thai.
Khi đã mắc bệnh thủy đậu, con người sẽ có miễn dịch và không bị lại lần hai. Bệnh có thể điều trị ngoại trú tại nhà, không cần nhập viện, tuy nhiên phải điều trị và chăm sóc đúng cách để không bị biến chứng.
Những sai lầm khi điều trị thủy đậu
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), lưu ý hiện người dân vẫn còn nhiều quan niệm sai lầm trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân thủy đậu. Cụ thể:
Nhiều cha mẹ cho rằng khi bé bị thủy đậu phải tuyệt đối kiêng nước, kiêng gió nên không tắm, lau rửa cho trẻ. Đây là một sai lầm. Có nhiều trẻ bị biến chứng viêm da bội nhiễm, nặng hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết vì không giữ vệ sinh tốt.
Bác sĩ lưu ý phụ huynh cần giữ sạch tay và cắt ngắn móng tay cho trẻ để tránh cho việc trẻ gãi ngứa làm nốt phỏng bị vỡ, có thể dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn.
Ngoài ra, cũng không nên mua các loại lá về tắm để cho trẻ nhanh khỏi. Da trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh rất mỏng nên rất dễ bị tổn thương, dị ứng và nhiễm trùng.
Cần cho trẻ ăn uống đủ chất, tăng cường sức đề kháng để hạn chế biến chứng. Không cần phải kiêng ăn cho trẻ, chỉ nên kiêng những thức ăn trẻ bị dị ứng để tránh làm cho trẻ ngứa.
Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là chích ngừa vắc xin thủy đậu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.