- Paracetamol (còn được gọi là acetaminophen) là thuốc giảm đau hạ sốt rất thông dụng và được cho là khá an toàn. Tuy nhiên khi dùng paracetamol phải luôn lưu ý độc tính của nó đối với gan, làm gan nhiễm độc (gọi là bị hoại tử tế bào gan). Ở nhiều nước, người ta ghi nhận không chỉ có trẻ em mà khá nhiều người lớn đã bị ngộ độc paracetamol do dùng thuốc quá liều. Một tài liệu của Mỹ vào năm 2001 cho biết 64 trung tâm cấp cứu ngộ độc trên toàn nước Mỹ đã nhận 112.809 cuộc gọi điện thoại về ngộ độc paracetamol, trong đó có 59.087 trường hợp phải nhập viện chữa trị và có 238 trường hợp tử vong do cấp cứu không kịp.
Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy người lớn, kể cả trẻ em, chỉ cần uống paracetamol liều lớn hơn 60mg/kg/ ngày, uống 3-7 ngày là có thể ngộ độc. Vì thế có lời khuyên phải dùng paracetamol theo đúng liều hướng dẫn, không tự ý dùng trị đau nhức cảm sốt quá năm ngày ở trẻ em và quá 10 ngày ở người lớn (trừ khi được bác sĩ hướng dẫn).
Theo ghi nhận ở trên, người lớn không nên dùng quá 4g paracetamol/ngày trong khi người thân của bạn dùng đến 10-12,5g/ngày (theo bạn mô tả 20-25 viên paracetamol và viên thông dụng hiện nay chứa 500mg paracetamol) là liều quá cao. Trước mắt, người thân của bạn chưa có triệu chứng ngộ độc nhờ sức khỏe còn tốt (42 tuổi chưa phải là cao tuổi, chức năng gan còn hoạt động giải độc tốt), nhưng phải ngưng ngay, bởi nếu tiếp tục uống chắc chắn sẽ bị nhiễm độc gan. Cũng nên lưu ý gan bị nhiễm độc rồi nhiều khi rất khó chữa trị.
Cần lưu ý thêm paracetamol chỉ trị triệu chứng, dùng thuốc sẽ hết đau nhức nhưng hết thuốc sẽ đau nhức trở lại khi nguyên nhân bệnh lý vẫn còn. Vì vậy chỉ nên dùng thuốc paracetamol trong một thời gian, nếu đau nhức tái diễn hoặc tăng thêm rất cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và cho hướng điều trị thích hợp.
Vì sao paracetamol làm gan bị nhiễm độc khi dùng liều cao? Paracetamol giống như nhiều loại thuốc khác, khi uống hệ tiêu hóa sẽ được hấp thụ vào máu, sau đó sẽ được gan chuyển hóa để thải trừ ra khỏi cơ thể. Gan là cơ quan cực kỳ quan trọng, đảm nhận nhiều chức năng, trong đó có chức năng giải độc bằng cách chuyển hóa các chất mà cơ thể xem là có hại, thành chất vô hại có thể đào thải theo nước tiểu ra khỏi cơ thể. Gan chuyển hóa paracetamol thành nhiều chất khác nhau không còn hoạt tính để sau cùng thành chất rất dễ tan trong nước tiểu. Một trong những chất chuyển hóa của paracetamol có tên N-acetyl benzoquinonimine là chất rất độc. Gan phải dùng glutathione - một chất sinh học do gan tạo ra - để chuyển hóa tiếp N-acetyl benzoquinonimine thành chất cuối cùng để được đào thải như đã nói ở trên. Trong trường hợp dùng quá nhiều paracetamol, gan không đủ glutathione để chuyển hóa. N-acetyl benzoquinonimine tồn đọng sẽ gây hoại tử tế bào gan. |
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức
(Đại học Y dược TP.HCM )/ Tuổi Trẻ
Bình luận (0)