Rối loạn lo âu

19/06/2010 12:15 GMT+7

(TNTS) Lo âu quá mức là bệnh lý cần chữa trị sớm và tốn nhiều thời gian, điểm đặc biệt là tình trạng này hay xảy ra ở những người trẻ (trong độ tuổi từ 20–30).

Nữ mắc bệnh gấp đôi nam

Nam bệnh nhân H.T (40 tuổi, một công chức ở TP.HCM) đến Bệnh viện Tâm thần T.Ư 2 (Biên Hòa, Đồng Nai) khám bệnh với triệu chứng hay hồi hộp quá mức, bồn chồn, lo lắng, bứt rứt, đau đầu. Ngoài ra anh còn có biểu hiện mất ngủ, tăng nhịp tim và mệt mỏi. Các triệu chứng này xuất hiện cách đây khoảng 6 tháng và ngày càng nặng hơn. Gần đây anh đã dùng đến rượu để giải tỏa những lo lắng và ổn định giấc ngủ, tuy nhiên càng uống rượu, hôm sau anh càng khó khăn hơn. Anh T. được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu.

Rối loạn lo âu là bệnh lý thường gặp với tỷ lệ mắc bệnh chung trong 1 năm khoảng 3%, và tỷ lệ bệnh chung suốt đời là 5%. Phái nữ mắc bệnh này nhiều gấp 2 lần nam giới, tuổi khởi bệnh thường khó xác định, nhưng bệnh nhân hay đi khám bệnh trong độ tuổi từ 20–30. Tuy nhiên, chỉ có 1/3 đến khám và điều trị chuyên khoa tâm thần, số còn lại điều trị tại các bác sĩ đa khoa, tim mạch, hô hấp, tiêu hóa…

Đặc điểm lâm sàng

Người bệnh có cảm giác lo âu hoặc lo âu quá mức về một sự kiện hoặc một hoạt động nào đó, xảy ra phần lớn thời gian trong ít nhất 6 tháng. Những vấn đề lo âu đó xuất hiện mà người bệnh không thể hoặc khó kiểm soát nó. Các triệu chứng chủ yếu gồm: căng thẳng vận động, tăng hoạt động thần kinh tự trị và sự cảnh giác về nhận thức. Lo âu thường quá mức và ảnh hưởng đến các lĩnh vực đời sống của người bệnh. Sự căng thẳng vận động biểu hiện bằng trạng thái bị run, bứt rứt và đau đầu. Sự tăng thần kinh tự trị thường biểu hiện bằng thở dốc, vã mồ hôi, hồi hộp và các triệu chứng dạ dày, đường ruột. Sự cảnh giác nhận thức thể hiện qua trạng thái dễ bực tức và dễ giật mình. Ngoài ra, bệnh lý rối loạn lo âu còn khiến người bệnh dễ mệt mỏi, khó tập trung chú ý, hay bực tức, rối loạn giấc ngủ… Những rối loạn trên gây khó chịu rõ rệt về lâm sàng hoặc ảnh hưởng đến hoạt động xã hội, nghề nghiệp và các lĩnh vực quan trọng khác. Rối loạn này không do các tác động sinh lý trực tiếp của một chất hoặc một bệnh cơ thể và không xảy ra chỉ trong một rối loạn khí sắc, một rối loạn loạn thần hoặc một rối loạn phát triển lan tỏa. Bệnh nhân rối loạn lo âu thường đến khám bác sĩ đa khoa bởi các triệu chứng cơ thể.

Chữa trị

Điều trị rối loạn lo âu chủ yếu là kết hợp các phương pháp tâm lý, hóa dược và nâng đỡ. Việc điều trị đòi hỏi nhiều thời gian dù với bác sĩ chuyên khoa tâm thần và nhà tâm lý lâm sàng. Điều trị tâm lý chủ yếu là liệu pháp nhận thức hành vi và nâng đỡ. Cách tiếp cận nhận thức giúp giải quyết các lệch lạc về nhận thức của bệnh nhân và cách tiếp cận hành vi nhằm cải thiện triệu chứng của cơ thể. Kỹ thuật chính là thư giãn và phản hồi sinh học. Liệu pháp nâng đỡ bao gồm giải thích hợp lý, trấn an và tạo sự thoải mái cho người bệnh. Hầu hết bệnh nhân cảm thấy giảm lo âu khi được tạo cơ hội để thảo luận về các khó khăn của họ với nhà trị liệu. Sự giảm triệu chứng thường giúp bệnh nhân hoạt động hiệu quả hơn trong công việc hàng ngày và trong các quan hệ, những tưởng thưởng và khích lệ này bản thân chúng cũng có tác dụng trị liệu.

Khoảng 25% bệnh nhân tái phát trong tháng đầu sau khi ngưng điều trị và 60-80% tái phát trong năm tiếp theo. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, nếu việc điều trị tâm lý được kéo dài cả sau khi ngưng điều trị hóa dược thì tỷ lệ tái phát sẽ giảm rất nhiều.

BS Lê Minh Công
 (BV Tâm thần T.Ư 2)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.