Thuốc Việt phù hợp với người Việt

14/08/2014 08:00 GMT+7

Theo PGS TS Lê Văn Truyền, Chủ tịch Hội đồng bình chọn giải thưởng Ngôi sao thuốc Việt, chương trình sẽ thay đổi cơ bản thói quen của người tiêu dùng.

PGS TS Lê Văn Truyền

Chương trình Con đường thuốc Việt do Bộ Y tế triển khai được đánh giá là một cuộc vận động, tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với thuốc nội. Đây được coi là chương trình lớn nhất của ngành dược trong hàng chục năm qua. Điểm nhấn của chương trình là giải thưởng Ngôi sao thuốc Việt vinh danh các doanh nghiệp, sản phẩm thuốc Việt. Trao đổi với PV, PGS TS Lê Văn Truyền, Chủ tịch Hội đồng bình chọn giải thưởng cho rằng: chương trình sẽ thay đổi cơ bản thói quen của người tiêu dùng…

Thưa ông, được biết Bộ Y tế vừa hoàn tất quá trình xét duyệt và lựa chọn được 62 sản phẩm thuốc để vinh danh Ngôi sao thuốc Việt. Qua quá trình xét chọn, ông thấy những sản phẩm tham gia chương trình có điểm gì nổi bật ?

Thực hiện cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt” Bộ y tế có chủ trương việc thành lập Hội đồng bình chọn Doanh nghiệp sản xuất thuốc và Sản phẩm thuốc đạt danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt 2014” để tham gia Chương trình truyền thông “Con đường thuốc Việt”

Các sản phẩm thuốc tham gia chương trình phải được Bộ Y tế cấp phép lưu hành hợp pháp, được sản xuất tại nhà máy sản xuất thuốc tại Việt Nam và đáp ứng các yêu cầu như sau:

1. Là sản phẩm thuốc có thời gian lưu hành và phát triển lâu dài, có chứng minh tính an toàn, hiệu quả khi sử dụng và nhận được sự tin tưởng của cộng đồng. Xét về mặt tác dụng và hiệu quả điều trị các sản phẩm này hoàn toàn có khả năng thay thế các thuốc nước ngoài cùng loại.

2. Là sản phẩm thuốc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về sản xuất, bảo quản, phân phối và kinh doanh dược phẩm theo các tiêu chuẩn thực hành tốt (GPs).

3. Là sản phẩm thuốc đóng vai trò chủ đạo trong chiến lược sản xuất kinh doanh của công ty sở hữu, đóng góp tỷ trọng lớn vào doanh thu và lợi nhuận hàng năm của Doanh nghiệp.

Được biết Con đường thuốc Việt là một chương trình lớn của Bộ Y tế, cùng sự tham gia của nhiều ban, ngành khác nhau. Ngay bản thân những thành viên trong Hội đồng bình chọn giải thưởng Ngôi sao thuốc Việt cũng đều là những chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành. Với vai trò là Chủ tịch hội đồng, ông có chịu áp lực khi phải “điều hành” một đội ngũ những khoa học lớn ?

Triển khai chủ trương của Bộ Chính trị trong cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Bộ Y tế đã xây dựng chương trình hành động cụ thể và phổ biến rộng rãi trong ngành. Theo đó, Bộ Y tế kêu gọi các thầy thuốc cùng đi đầu trong cuộc vận động ưu tiên sử dụng các thuốc do Việt Nam sản xuất có chất lượng cao, hiệu quả điều trị tốt trong các cơ sở khám chữa bệnh.

Cùng với quá trình đó, để thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, các doanh nghiệp dược phải không ngừng nỗ lực áp dụng kỹ thuật-công nghệ sản xuất dược phẩm hiện đại, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để đưa ra các sản phẩm dược phẩm có hiệu quả điều trị cao. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã thành lập Hội đồng bình chọn giải thưởng Ngôi sao thuốc Việt với các thành viên là các thầy thuốc tại các bệnh viện lớn, đầu ngành, nhằm đánh giá và tôn vinh những sản phẩm dược phẩm tiêu biểu của các doanh nghiệp sản xuất dược Việt Nam. Từ đây cũng giúp cho các bác sĩ và người dân hiểu hơn, có định hướng tốt hơn trong quá trình lựa chọn thuốc chữa bệnh.

Trong quá trình bình chọn doanh nghiệp hay sản phẩm đạt danh hiệu “ngôi sao Thuốc Việt”, Hội đồng bình chọn đã nghiêm túc thực hiện Quy chế bình chọn trên cơ sở Bộ tiêu chí đánh giá đã được xây dựng một cách khách quan, khoa học và được Bộ Y Tế ban hành. Mỗi người đều có những chuyên môn, sở trường khác nhau, bổ trợ cho nhau để có cách nhìn nhận, đánh giá một cách công bằng. Quá trình bình chọn đã được tiến hành trên cơ sở các nguyên tắc khách quan, khoa học và công bằng. Không riêng gì tôi mà các thành viên của Hội Đồng bình chọn đều cảm thấy thoải mái và không chịu bất kỳ sức ép nào mỗi khi đưa ra quyết định của mình.

Theo nhìn nhận của chúng tôi, một cuộc bình chọn giải thưởng có vẻ cũng giống như những cuộc thi khác, có chăng là cách thức và tỉ lệ “chọi” có sự khác nhau. Ông thấy điều này có đúng không ?

Trước hết cũng cần phải chia sẻ rằng, hiện nay có quá nhiều “giải thưởng” và quá nhiều cuộc thi làm cho giá trị giá trị của nhiều giải thưởng có phần bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cuộc bình chọn danh hiệu “Ngôi sao Thuốc Việt” là danh hiệu và bình chọn của cơ quan quản lý Nhà nước: Bộ Y Tế và Cục Quản lý Dược. Mặt khác, với đặc thù của dược phẩm là sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng nên quá trình bình chọn một sản phẩm dược hay một doanh nghiệp dược phải dựa trên các tiêu chí có cơ sở khoa học. Ngoài ra, những tiêu chí khác cũng rất đặc thù và quan trọng khi xét giải thưởng Ngôi sao thuốc Việt, đó là sản phẩm/doanh nghiệp đó có được người tiêu dùng tin cậy hay không; tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm đó đến đâu….Chúng ta đang vinh danh một sản phẩm thuốc Việt, vì vậy sản phẩm của anh gửi tới dự thi phải có “hàm lượng” Việt trong đó bao gồm cả hàm lượng vật chất (nguyên liệu, công nghệ…) và hàm lượng khoa học, hàm lượng tri thức cao.

Như ông nói thì quả thực một sản phẩm dược hay một doanh nghiệp sản xuất dược phẩm sẽ rất khó khăn để đạt được giải thưởng Ngôi sao thuốc Việt bởi các tiêu chí đều rất chặt chẽ. Vậy một khi đã đạt được giải thưởng này, theo ông doanh nghiệp dược sẽ được hưởng lợi những gì ?

Bộ tiêu chí bình chọn càng chặt chẽ và quá trình bình chọn càng nghiêm túc bao nhiêu thì uy tín của giải thưởng càng lớn bấy nhiêu và do đó doanh nghiệp và sản phẩm được vinh danh càng được “tưởng thưởng” và đánh giá cao nhiều hơn. Ngay từ đầu chúng tôi đã thống nhất quan điểm, dược phẩm là sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người nên không cho phép bình chọn một cách dễ dãi. Bởi như thế là coi thường sức khỏe người dân và lương tâm những người làm ngành y chúng tôi cũng không cho phép. Chính vì vậy, giải thưởng này càng cần phải uy tín. Doanh nghiệp nào đạt được giải thưởng là một lần khẳng định rằng, họ có sản phẩm tốt, uy tín. Đây chính là “giấy chứng nhận ” để thầy thuốc, người tiêu dùng tin tưởng sử dụng sản phẩm đó. Lòng tin của giới y khoa và người tiêu dùng/người bệnh là phần thưởng vô giá cho các nhà sản xuất dược phẩm và sản phẩm của họ.

Đúng như ông nói, với tư cách người tiêu dùng, nếu chúng tôi thấy sản phẩm thuốc đó đạt được giải thưởng Ngôi sao thuốc Việt, chúng tôi sẽ yên tâm để sử dụng. Vậy còn với ngành dược thì sao, liệu tỉ lệ sử dụng thuốc nội so với thuốc ngoại tại các tại các cơ sở y tế có tăng lên không, thưa ông ?

Đây đúng là một vấn đề lớn, không thể trả lời ngay được là tăng bao nhiêu phần trăm và khi nào thì tăng. Vấn đề tăng cường sử dụng thuốc nội trong các cơ sở điều trị không chỉ phụ thuộc vào một chương trình vinh danh hoặc truyền thông. Cần phải có một; “gói giải pháp tổng hợp” kể cả về luật pháp, quy chế và tài chính. Nhưng có thể khẳng định rằng, việc triển khai tổng thể một chương trình lớn như Con đường thuốc Việt chắc chắn sẽ tác động đến và thay đổi dần dần nhận thức của thầy thuốc và người dân về vai trò và ưu thế của thuốc Việt. Bản thân những y bác sỹ tại các cơ sở y tế cũng sẽ có cách nhìn nhận khác về thuốc Việt mỗi khi kê đơn cho bệnh nhân của mình. Rõ ràng, để thay đổi nhận thức rồi thay đổi hành vi cần phải có một quá trình lâu dài. Vì thế, việc triển khai chương trình Con đường thuốc Việt cần duy trì thường xuyên cũng như cần sự vào cuộc của nhiều cấp và ban ngành khác nhau. Chỉ khi nào cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thì khi đó chúng ta mới có được kết quả mong đợi.

Xin hỏi ông một câu hỏi cuối. Có nhiều ý kiến cho rằng công nghệ sản xuất dược phẩm hiện nay của chúng ta còn lạc hậu. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này ?.

So với các nước có nền dược phẩm phát triển thì đúng là chúng ta còn lạc hậu, đặc biệt là đối với các nước có khả năng phát minh, sáng chế và sản xuất nguyên liệu dược. Tuy nhiên, nếu xem xét về công nghiệp bào chế dược phẩm thì trong hai thập kỷ qua kể từ khi “mở cửa và hội nhập” công nghiệp dược Việt Nam đã có các bước phát triển vượt bậc cả về lượng và về chất.

Công nghiệp bào chế trong nước đã sản xuất được tất cả các dạng “bào chế quy ước”. Ngoài ra, chúng ta cũng đã sản xuất được một số dạng bào chế hiện đại như thuốc có tác dụng tại đích, thuốc tác dụng kéo dài, hệ điều trị qua da, thuốc tiêm bột sản xuất theo công nghệ bào chế vô khuẩn … các nhà máy đã được nâng cấp đáp ứng tiêu chuẩn “Thực hành sản xuất thuốc tốt” của Tổ chức y tế thế giới (GMP-WHO).

Một số nhà máy hàng đầu đã được công nhận đáp ứng yêu cầu “Thực hành sản xuất thuốc tốt” của các nước phát triển (PIC-GMP). Các nhà sản xuất thuốc từ dược liệu cũng đã bắt đầu áp dụng GMP-WHO. Theo tôi biết, Bộ Y Tế và Cục Quản lý Dược đang có kế hoạch và lộ trình chính thức áp dụng hệ thống PIC-GMP cho công nghiệp dược Việt Nam. Đến lúc đó, có thể nói công nghiệp dược Việt Nam đã có thể sẵn sàng hội nhập với nền công nghiệp bào chế hiện đại của các nước công nghiệp tiên tiến.

Tôi tin rằng, với quyết tâm của các doanh nghiệp dược hiện nay, cùng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của Bộ Y tế trong việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ ngành dược phát triển thì cùng với việc Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào cuối thập kỷ 20’, đến thời điểm đó công nghiệp dược của chúng ta cũng sẽ đạt được mục tiêu như Chiến lược phát triển ngành Dược đến 2020 của Chính phủ đã đề ra. .

Xin cảm ơn ông ! 

Nguồn: Con đường thuốc Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.