Triệu chứng và nguyên nhân
Ở trẻ nhỏ, triệu chứng của bại não rất kín đáo nên khó phát hiện. Thiếu ôxy rất dễ gây tổn thương não ở trẻ sơ sinh. Tình trạng thiếu ôxy (ngạt) khi đẻ xảy ra ở 1/500 trẻ sơ sinh, và có thể gây bại não, thậm chí tử vong (1/4 số trẻ ngạt ở mức trung bình sẽ bị bại não). Các nguyên nhân gây bại não có thể xảy ra trước, trong hoặc sau khi sinh. Ngoài khiếm khuyết về vận động như rối loạn cử động hoặc nặng hơn là không có khả năng tự chăm sóc di chuyển, bại não còn kèm theo các khiếm khuyết về giác quan như giảm thị lực, thính lực, khả năng nhận biết, học chậm phát triển (Mental Retardation), động kinh...
Tỷ lệ mắc bại não trên thế giới khoảng 2 - 2,5/1.000. Đây là một trong những dạng tàn tật có tỷ lệ cao nhất, chiếm khoảng 1/3 tổng số tàn tật ở trẻ em. Tỷ lệ mắc bại não ở các nước đang phát triển chiếm đa số. Trẻ trai thường mắc bại não nhiều hơn trẻ gái. Bại não nhiều khi còn là hậu quả của ngộ độc cấp hoặc mãn tính (chì, kẽm, thủy ngân...) do nghề nghiệp hay môi trường sống của cha mẹ trước và trong khi mang thai.
Khi trẻ bị bại não, chúng bắt đầu xuất hiện những triệu chứng như phát triển chậm, bắp thịt mềm nhũn, đi đứng không được ngay ngắn. Trẻ sơ sinh mất phản xạ Monro khi đã ra đời được 6 tháng. Trẻ bại não có các động tác co gập, duỗi cứng các cơ một cách bất thường. Nguyên nhân là do các tế bào thần kinh bị tổn thương, xuất phát từ những tai biến trong và sau khi sinh, các bệnh viêm nhiễm, vàng da... Trẻ có thể tự đi được nhưng lại có tướng đi vặn vẹo, nhún nhảy, gót nhấc lên, đầu gối khuỳnh vào, hông quay vào trong, nhất là khi trẻ đi nhanh. Có trẻ bị liệt hoặc chậm nói.
Có thể xác định bệnh bại não bằng cách chụp hình cắt lớp, MRI, hay siêu âm não (siêu âm não chỉ dùng được khi xương não chưa hoàn toàn trưởng thành, chưa dính liền với nhau, hãy còn thóp). Thử nghiệm tâm lý bằng cách đo độ thông minh của trẻ cũng có thể giúp sớm chẩn đoán triệu chứng bệnh liệt não.
Phương pháp điều trị
Có nhiều phương pháp điều trị bại não như: vật lý trị liệu, thuốc uống, phẫu thuật chỉnh hình gân cơ, phong bế thần kinh bằng các chất hóa học.
Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng: Tỷ lệ trẻ trở về bình thường sau tập luyện khoảng 20%, 60% phát triển được khả năng tự chăm sóc mình, 10% trẻ bị di chứng nặng nề không biến chuyển và 10% còn lại biến thiên. Tuy nhiên, cần phải kiên trì, nếu người nhà chăm sóc tốt, tập luyện thêm ở nhà, cháu bé sẽ tiến triển tốt hơn.
Thuốc tiêm trị rối loạn vận động ở trẻ bại não: Một số nơi như Bệnh viện (BV) Mắt, BV Đại học Y - Dược, BV Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) bắt đầu sử dụng thuốc tiêm Toxin Botulinum tuýp A để điều trị rối loạn vận động ở trẻ bại não.
Toxin Botulinum tuýp A có khả năng làm giảm đau, co thắt, loét và nhiễm trùng. Thuốc có hiệu quả ở trẻ em dưới 7 tuổi, kéo dài từ 3 - 4 tháng cho một lần chích. Nhưng nếu kết hợp với các phương pháp phục hồi chức năng khác, có thể kéo dài đến 8 tháng.
Phương pháp tiêm Toxin Botulinum tuýp A (tên thương mại Dyport) tỏ ra có hiệu quả vì ít tác dụng phụ, kết hợp tốt với các biện pháp điều trị khác, giảm bớt sự co thắt, gia tăng tầm vận động, cải thiện và nâng cao chất lượng sống cho trẻ.
"Mũ lạnh" giúp trẻ em sơ sinh khỏi bị nguy cơ hư não: Con người có thể đối phó tốt hơn với tình trạng thiếu ôxy khi nhiệt độ cơ thể thấp hơn bình thường. Kết quả thử nghiệm đầu tiên dùng mũ hạ thấp nhiệt độ để giảm nguy cơ hư não trên 218 trẻ sơ sinh ở Úc cho biết 45% trẻ sống được và não không bị hư hại, so sánh với phương pháp thông thường chỉ giúp 34% trẻ em có thể sống được. Cách này giúp trẻ sơ sinh khi bị thiếu dưỡng khí trong não và đã từng điều trị bằng những phương pháp thông thường khác nhưng không hiệu quả. Việc hạ thấp nhiệt độ xuống 35 độ C trong não trẻ sơ sinh khi bị thiếu dưỡng khí đã giúp não trẻ khỏi bị hư hại và do đó giúp trẻ sống được hoặc giảm nguy cơ bại não.
TS Bùi Mạnh Hà
Bình luận (0)